Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) khiến nhiều nhà đầu tư chạy theo số đông trước khi bình tĩnh phân tích.
Giống ở những thị trường khác, người tham gia vào thị trường vốn cũng mong muốn mua thấp, bán cao để thu về lợi nhuận từ sự chênh lệch giá. Sự vội vàng có thể khiến họ không đủ tỉnh táo khi đứng trước các lựa chọn, đặc biệt khi nhìn thấy những người khác đang lãi lớn với một mã cổ phiếu được truyền tai nhau “ăn chắc”, “bỏ 1 ăn 10”…
Trong thời điểm thị trường biến động mạnh, những thuật ngữ như “đu đỉnh”, “bán đáy” trở thành câu cửa miệng trêu đùa của người đầu tư chứng khoán. Tuy vậy trên thực tế, câu bông đùa có thể không phải chuyện vui khi mà nhà đầu tư đang mất “tiền tươi, thóc thật”.
Hội chứng hoa tulip và nỗi sợ FOMO
Hội chứng hoa tulip (Tulipmania) là một trong những bong bóng thị trường nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tại Hà Lan vào thế kỷ XVII, tulip là loại hoa quý bởi rất khó trồng và chăm sóc. Sự khan hiếm đẩy giá hoa tăng gấp 20 lần chỉ trong 4 tháng, sau đó đột ngột giảm 99% vào chỉ vài tháng sau đó. Các chuyên gia tài chính đánh giá rằng FOMO (Fear of missing out – nỗi sợ bị bỏ lỡ) là yếu tố lớn đẩy bong bóng tulip bị thổi phồng nhưng vỡ vụn trong chớp mắt.
Nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng phần lớn nhà đầu tư có xu hướng mua bán theo cảm xúc hơn là phân tích các yếu tố để đi đến quyết định. Do đó, FOMO là tâm lý thường gặp của người đầu tư chứng khoán, đặc biệt là những ai mới đặt chân vào thị trường và chưa chuẩn bị sẵn tâm lý cho biến động. Lo sợ bỏ mất món hời khiến nhà đầu tư lo lắng thấp thỏm, không thể tập trung lý trí ngoài việc nghe ngóng diễn biến thị trường. Thậm chí, nhà đầu tư có thể bị kích động và ồ ạt mua theo số đông dù không thật sự am hiểu hành động của mình.
FOMO cũng làm không ít người “đu đỉnh” bất đắc dĩ. Ví dụ, một mã cổ phiếu có giá tăng liên tục, trở thành xu hướng trong thị trường. Hiệu ứng FOMO khiến nhà đầu tư lo sợ và quyết định chạy theo “trend” nhưng không biết mã cổ phiếu này đã đạt đỉnh và đang đảo chiều. Ở chiều ngược lại, cũng có trường hợp giá cổ phiếu giảm tạm thời, nhưng FOMO khiến nhà đầu tư không dám giữ lâu mà bán tháo ngay, dẫn tới “bán đáy” mã cổ phiếu đó.
FOMO là hiệu ứng tâm lý quen thuộc trong thị trường chứng khoán, thậm chí với những nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị: “Bình tĩnh trước các biến động thị trường, kết hợp với việc hiểu rõ những giá trị dài hạn và tiềm năng của doanh nghiệp giúp nhà đầu tư vững tâm hơn để đứng ngoài con sóng FOMO”.
Cần trang bị gì trước khi đầu tư
Những hệ lụy khi chạy theo số đông trên thị trường có thể khiến nhà đầu tư mất nhiều hơn được. Đồng thời, để hạn chế tác động của hiệu ứng FOMO là cả quá trình trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm trên thị trường.
Đối với những nhà đầu tư mới, 3 lời khuyên từ chuyên gia chứng khoán tại Chứng khoán Yuanta Việt Nam có thể giúp bạn tránh mắc chiếc bẫy chạy theo đám đông:
Tâm lý vững vàng là yếu tố đầu tiên cần rèn luyện khi đối mặt với biến động. Không phải cổ phiếu giảm giá nào cũng là thua lỗ, cũng như không phải mua vào các mã đang lên sẽ sinh lời. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng quan sát thời điểm mua vào và bán ra thích hợp, cân nhắc đến những trường hợp tương tự đã xảy ra trên thị trường để tránh “đu đỉnh”, “bán đáy” hay “bán lúa non”.
Một cách hiệu quả khác để không bị cuốn theo làn sóng FOMO là chủ động xác định “biên an toàn” của bản thân. Ví dụ, nhà đầu tư nên vạch rõ giới hạn vốn mà mình có thể chịu đựng và tuân thủ theo quy tắc đó. Kỷ luật là yếu tố thứ hai để nhà đầu tư không bị điều khiển bởi tâm lý FOMO.
Cuối cùng, đầu tư vào giá trị doanh nghiệp thay vì giá cả cổ phiếu. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể linh hoạt theo chuyển động thị trường nhưng về dài hạn, chúng thường là phản ánh của sức mạnh nội tại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp lớn, tình hình kinh doanh tốt, có uy tín trên thị trường thường có cổ phiếu tăng trưởng ổn định.