‘Tôi chẳng nhớ được gì cả’ là lời phàn nàn chúng ta được nghe thường xuyên gần đây. Có phải nguyên nhân của nó là do chúng ta quá phụ thuộc vào smartphone?
Bạn có bao giờ bỏ lỡ một cuộc hẹn chỉ vì quên đặt thông báo trên điện thoại, hay lạc đường chỉ vì phần mềm bản đồ không hoạt động? Trước khi có smartphone, chúng ta có thể ghi nhớ hàng loạt số điện thoại hay đường đi nhưng bây giờ, điều đó có vẻ không còn nữa.
“Smartphone hóa cuộc sống” ngày một tăng từ giữa những năm 2000 nhưng leo thang trong thời kỳ dịch bệnh. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu trí nhớ Catherine Loveday năm 2021, 80% những người tham gia cho biết trí nhớ của họ tồi tệ hơn so với trước dịch. Nhiều người bị phân tâm vì mạng xã hội, trong khi việc cuộn trang liên tục khiến ta kiệt sức, những thông báo ảnh hưởng đến cách con người nhớ mọi thứ.
(Ảnh: The Observer) |
Điều gì xảy ra khi chúng ta “outsource” một phần trí nhớ cho thiết bị ngoại vi? Lệ thuộc vào smartphone có thể thay đổi cách thức hoạt động của trí nhớ? Các nhà khoa học thần kinh có ý kiến khác nhau về việc này.
Chris Bird, Giáo sư khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Sussex cho biết ông không gặp vấn đề gì khi dùng thiết bị ngoại vi, chẳng hạn giấy nhớ hay điện thoại để lưu lại những thông tin khó nhớ như vé xe. Giáo sư Oliver Hardt đến từ Đại học McGill lại thận trọng hơn khi cho rằng một khi ngừng sử dụng trí nhớ, nó sẽ trở nên tệ hơn khiến chúng ta phải dùng đến thiết bị nhiều hơn. “Chúng ta dùng chúng cho mọi thứ. Nếu truy cập website tìm công thức, chỉ bấm một nút là nó sẽ gửi danh sách nguyên liệu đến smartphone. Nó rất thuận tiện nhưng sự thuận tiện cũng có giá của nó”.
Theo Hardt, sử dụng GPS trong thời gian dài có nguy cơ làm giảm mật độ chất xám trong vùng hải mã trong não, dẫn đến một số triệu chứng như tăng nguy cơ trầm cảm và các bệnh lý tâm thần khác, cũng như một số hình thức sa sút trí tuệ. Các hệ thống định vị GPS không yêu cầu người dùng ghi nhớ bản đồ phức tạp, thay vào đó, nó chỉ đường cho họ bằng cách thông báo như “Rẽ trái ở đèn tín hiệu tiếp theo”. Không phải ai cũng biết đọc bản đồ nên nhiều người thường lệ thuộc vào GPS. Tuy nhiên, những hành động khó như đọc bản đồ lại giúp cho chúng ta vì nó tham gia vào quá trình nhận thức và cấu trúc não, ảnh hưởng đến chức năng nhận thức chung.
Dù smartphone mở ra chân trời kiến thức mới, chúng cũng có thể kéo con người ra khỏi thực tại, chẳng hạn vì “chúi đầu” vào màn hình mà không tận hưởng được một ngày đẹp trời. Khi không có trải nghiệm, chúng ta hồi tưởng kém hơn và hạn chế năng lực sáng tạo, nảy ra ý tưởng mới. Như những gì nhà nghiên cứu trí nhớ Wendy Suzuki gần đây đã nói: “Nếu không thể ghi nhớ những gì đã làm, đã học và các sự kiện trong đời, chúng ta sẽ thay đổi”.
Catherine Price, nhà văn kiêm tác giả cuốn “How to Break Up with your phone” (Cách chia tay điện thoại), cùng chung quan điểm. “Những gì chúng ta để ý sẽ làm cuộc sống phong phú hơn. Não của chúng ta không thể đa nhiệm… Nếu chú ý đến điện thoại, bạn sẽ không chú ý đến thứ khác nữa. Nếu không chú ý, bạn sẽ không có ký ức gì để nhớ”.
Nhà khoa học thần kinh Barbara Sahakian đưa ra bằng chứng. Trong một thí nghiệm năm 2010, ba nhóm khác nhau phải hoàn thành một bài đọc. Một nhóm nhận tin nhắn ngay trước khi bắt đầu, một nhóm nhận tin nhắn trong khi đang đọc, nhóm còn lại thì không. Sau đó, có một bài kiểm tra toàn diện. Những người nhận tin nhắn không thể nhớ họ đã đọc cái gì.
Không ai đo lường mức độ sáng tạo trước khi có smartphone, song Price cho rằng lạm dụng smartphone có thể gây tổn hại đến khả năng nắm bắt và hiểu sâu thông tin. Để kết nối hai thứ không liên quan đến nhau và trở nên sáng tạo, bắt buộc chúng ta phải có nguyên liệu “thô” trong não, giống như bạn không thể nấu ăn nếu không có nguyên liệu nào. Giáo sư tâm lý học Larry Rosen đồng tình: “Phân tâm liên tục khiến rất khó giải mã thông tin trong ký ức”.
Theo nghiên cứu của ABCD Study đang thực hiện trên 10.000 trẻ em Mỹ từ nhỏ tới lớn, một trong các kết quả ban đầu thú vị nhất là sự liên quan giữa sử dụng công nghệ và sự mỏng vỏ não. Trẻ em dùng công nghệ thường xuyên hơn sẽ có vỏ não mỏng hơn, điều lẽ ra xảy ra khi già đi. Nó có thể gắn với các căn bệnh thoái hóa như Parkinson, Alzheimer hay chứng đau nửa đầu.
Rõ ràng, “vị thần đèn” smartphone đã chui ra khỏi chai và có mặt khắp thế giới. Chúng ta cần smartphone để làm việc, học tập, tham dự sự kiện, thanh toán, đặt vé, gọi điện, gửi email. Nếu lo ngại về những tác động của nó đến trí nhớ, chúng ta nên làm gì?
Giáo sư tâm lý học Larry Rosen đưa ra vài chiến thuật. Chẳng hạn, bạn làm thứ gì đó trên điện thoại trong 1 phút rồi đặt báo thức mỗi 15 phút. Tắt chuông và úp điện thoại xuống. Tiếp tục cho tới khi quen với thời gian tập trung 15 phút rồi tăng lên 20. Nếu có thể lên tới 60 phút, đó là một thành công.
Đối với Price, người sáng lập tổ chức Screen/Life Balance nhằm giúp mọi người kiểm soát việc sử dụng điện thoại, bà tin rằng điện thoại thực sự ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung. Không cần có bằng chứng khoa học cho điều này. Nếu tránh xa điện thoại nhiều hơn, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn, ghi nhớ tốt hơn. Khi ấy, bạn sẽ tự trả lời được câu hỏi: smartphone tác động thế nào đến bạn.