Nga xem xét khả năng rời WTO, WHO

Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Tolstoy cho biết nước này có kế hoạch thảo luận về khả năng rút khỏi hai tổ chức WTO và WHO.

“Bộ Ngoại giao đã gửi một danh sách các thỏa thuận như vậy tới Duma Quốc gia (hạ viện) và Hội đồng Liên bang (thượng viện), chúng tôi đang lên kế hoạch đánh giá những thỏa thuận này và sau đó là đề xuất rút khỏi”, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr Tolstoy cho biết hôm 17/5.

Ông Tolstoy nói thêm Nga đã bỏ tư cách thành viên trong Hội đồng châu Âu và lộ trình tiếp theo có thể là rời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga, chính phủ nước này còn dự kiến sửa đổi các nghĩa vụ và hiệp ước quốc tế nếu xét thấy chúng không những không đem lại lợi ích và còn trực tiếp gây thiệt hại cho đất nước.Phó chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Pyotr Tolstoy tại Moskva hồi tháng 1/2018. Ảnh: AFP.

Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr Tolstoy tại Moskva hồi tháng 1/2018. Ảnh: AFP

Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 4 cáo buộc các hạn chế “bất hợp pháp” do phương Tây áp đặt với công ty Nga trái với quy định của WTO và yêu cầu chính phủ cập nhật chiến lược của Nga trong tổ chức này trước ngày 1/6.

Kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ hôm 24/2, Nga đã chịu loạt lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. RT cho biết Nga chịu khoảng 10.000 hạn chế, khiến nước này thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.

Mỹ cùng các đồng minh đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.

Các nước phương Tây còn đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Moskva.

Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng Mỹ, EU và Singapore cũng như yêu cầu các nước “không thân thiện” phải mua năng lượng Nga bằng đồng ruble.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *