Cách tạo nên một màn hù dọa trong phim kinh dị

Nếu phim kinh dị là vùng đất giải trí cho người xem, thì những màn hù dọa là món “đặc sản” dùng để chiêu đãi khán giả. 

Những cảnh hù dọa được ví von như món ăn đặc sản của vùng đất phim kinh dị, bởi lẽ, một phim mang yếu tố rùng rợn đa phần phải đảm bảo yếu tố làm khán giả “giật mình”. Vậy, làm thế nào để tạo nên một cảnh hù dọa thành công ? Để tạo nên công thức này, tiến sĩ kiêm đạo diễn Rebekah McKendry chỉ ra các bước thực hiện như sau:

Có gì đó sai sai?

Mọi điều đáng sợ trên thực tế đều đáng sợ đến từ những việc không theo quy luật tự nhiên, hoặc chí ít là ký ức của con người. Ví dụ điển hình như tuyết xuất hiện ở miền Nam Việt Nam vào giữa mùa hè, hay bạn đã nhớ khóa nước trước khi ra khỏi nhà vệ sinh, nhưng lại nghe tiếng róc rách suốt một tiếng đồng hồ sau đó. Những điều bất thường ấy được xem như dấu hiệu của điều gì đó kinh khủng sắp diễn ra.

 Trong phim The Conjuring (2013) của đạo diễn James Wan làm rất tốt trong khâu “báo động” khán giả một màn hù dọa sắp đến. Điển hình là phân cảnh người chị Andrea Perron (Shanley Caswell), Perron đã dỗ người em ngủ sau khi cô em bị mộng du dẫn đến việc đập đầu vào tủ quần áo. Nhưng rùng rợn hơn, tiếng đập tủ vẫn vang vảng bên tai dù hai chị em đã đứng sát bên giường.

Khâu chuẩn bị (Buildup)

Theo Alfred Hitchcock, đạo diễn huyền thoại trong nền điện ảnh thế giới:“Lúc bị chỉa thẳng súng vào đầu, sự sợ hãi không phải nằm ở tiếng súng nổ, mà là lúc chờ đợi tiếng súng nổ”. Cũng theo tiến sĩ McKendry, sự sợ hãi luôn nằm trong khâu chờ đợi việc tồi tệ sắp xảy ra. Khâu chuẩn bị đóng vai trò quan trọng cho một màn hù dọa thành công. 

Bởi lẽ, mạch cảm xúc của khán giả cần được dẫn dắt từ từ trong nỗi sợ vô hình, lúc này, những nhà làm phim sẽ để trí tưởng tượng người xem bay xa, vẽ vời đủ thứ. Điều này thường xảy ra trong thực tế, ví dụ điển hình nhất là hãy nhìn thẳng vào góc tối nơi cuối hành lang, cho dù không có gì sau màn đêm đó, nhưng não người vẫn tưởng tượng ra đủ thể loại yêu ma, quỷ quái, quái vật từ trong bóng tối lù lù xuất hiện.

 

Đánh lạc hướng

Yếu tố bất ngờ trong khâu hù dọa được đẩy cao hơn khi người xem không chú ý đến vị trí mà những con ma xuất hiện. Hiểu đơn giản hơn, khi các bạn tập trung làm một việc điều gì đó, bỗng dưng có người bất thình lình vỗ vai thì sao? 

Thủ thuật đánh lạc hướng trong phim kinh dị áp dụng thường nhất là ở các cảnh nhân vật lấy thuốc từ trong tủ kính, cả người xem và nhân vật trong phim đều đang tập trung vào thuốc men, bông gạc,… sau đó, màn hù dọa xuất hiện khi cửa tủ đóng lại, tên sát nhân/ oan hồn/ quá vật xuất ngay đằng sau. Nếu lấy ví dụ khác, The Sixth Sense (1999), Cole Sear (Haley Joel Osment) đang chăm chú nhìn lên các con rối, khán giả cũng dõi theo hướng nhìn của Sear, nhưng tất cả lại không ngờ rằng một bàn tay bí ẩn từ dưới gầm giường bắt lấy chân cậu bé.

Thu hẹp góc nhìn 

Thủ thuật sử dụng dựa trên nguyên lý bất an của con người khi họ không nắm bắt được bất kỳ thông tin nào về một sự việc tồi tệ sắp diễn ra. Người xem biết chắc sẽ có màn hù dọa, nhưng lại không biết khi nào và ở đâu. 

 

Tác phẩm The Shining (1980) của đạo diễn Stanley Kubrick trở thành một tượng đài trong việc thu hẹp góc nhìn của khán giả. Phân đoạn Danny Torrance (Danny Lloyd) đạp xe dọc hành lang, người xem dõi theo cậu, phạm vi quan sát của họ chỉ gói gọn trong dãy hành lang mà Danny đang đạp xe. Cho đến khi cậu rẽ trái và bắt gặp chị em song sinh người nhuốm đầy máu, khán giả mới “hết hồn” với những diễn biến xảy ra sau đó.

Âm thanh của sự bất ngờ

Đi kèm với sự xuất hiện của “thứ không ai mong muốn” là một tiếng động to lớn, bất chợt, khó chịu cho người xem. Nếu các bạn có để ý, trong những lần “yêu quái xuất hiện”, một quãng piano, violin,.. cực kỳ to vang lên đồng thời. Vì hình ảnh ghê rợn của phản diện phim chưa đủ sức hút để làm quật ngã ý chí khán giả, các nhà làm phim thường thêm vào các tiếng động này để tra tấn thính giác người xem, bên cạnh thị giác. 

Bên cạnh đó, tiếng mèo kêu bất chợt cũng được sử dụng thường xuyên để bào mòn tâm lý khán giả. Ngoài ra, thủ pháp này thường xuyên được dùng với mục đích “fake jumpsacre”, cốt lõi để người xem giật mình chứ không sợ hãi. 

Nói chung, muốn “trêu đùa” trí não khán giả, tốt nhất không nên quá lạm dụng các màn hù dọa. Bộ phim kinh dị nổi tiếng The Silence of The Lambs trở thành tượng đài của dòng phim kinh dị nhưng không có một màn jumpscare nào cả. The Texas Chainsaw Massacre (1974) với Leatherface nằm trong hàng ngũ những kẻ sát nhân máu lạnh nhất màn ảnh chỉ có 2 pha hù dọa. 

Để giải thích rõ hơn về hiện tượng này, tiến sĩ  McKendry chia sẻ, cảm xúc của con người luôn nằm ở mức ổn định và bất chợt tăng đột ngột khiến họ giật mình. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian sau đó, họ đã có sự phòng bị. Cho nên, việc sử dụng quá nhiều màn hù dọa, sẽ phản tác dụng, không làm cho khán giả thật sự sợ hãi. 

Bài viết được tham khảo từ Insider.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *