Ngột ngạt vì tình yêu không ranh giới

Ana không bao giờ nghĩ mối quan hệ của cô và bạn trai sẽ khó thở như hiện tại, bởi trước khi yêu, anh luôn có vẻ thờ ơ, xa cách.

“Nhưng khi chúng tôi đến với nhau, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Anh ấy kiểm soát tôi và nói “chúng ta đã đồng bộ hóa”, cô gái 22 tuổi, ở Mỹ, chia sẻ.

Người bạn trai nói anh ấy xem họ như một thực thể duy nhất. Anh luôn muốn “nấu cháo” điện thoại nhiều giờ liên tục dù sống cách nhau hai dãy nhà, muốn cô thích món ăn mà anh thích… Ana dần nhận ra đang ở trong một mối quan hệ “không ranh giới”.

Theo bác sĩ tâm thần Era Dutt, Mỹ, có thể hiểu những mối quan hệ không ranh giới là hai người không có không gian riêng, quá kiểm soát nhau và cuối cùng phải làm những thứ mình không thích.

Ban đầu những mối quan hệ như vậy khiến chúng ta cảm thấy như thể được người kia yêu thương, nhưng dần sẽ nhận ra bản chất độc hại khi sự kiểm soát trở nên rõ ràng.

Không ranh giới trong khi yêu sẽ khiến bạn bị kiểm soát, mất không gian riêng và mối quan hệ dần trở nên tồi tệ. Ảnh: Vice

Không ranh giới trong khi yêu sẽ khiến bạn bị kiểm soát, mất không gian riêng và mối quan hệ dần trở nên tồi tệ. Ảnh: Vice

Căn nguyên của tình yêu theo kiểu kiểm soát có thể xuất phát từ mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ mình. Trong một số trường hợp, cha mẹ sẽ kiểm soát quá mức mọi khía cạnh cuộc sống của con cái. Ngay cả khi đứa trẻ sẵn sàng bước ra thế giới, những bậc cha mẹ này vẫn gieo rắc nỗi sợ về những người bạn mới, công việc mới.

Một nghiên cứu kéo dài hai năm với trẻ mẫu giáo và cha mẹ, do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện, đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các mối quan hệ gắn bó ở nhà và cách trẻ giao tiếp với bên ngoài. Nghiên cứu kết luận rằng, các cặp cha mẹ và con có sự kiểm soát cao sẽ làm gia tăng các cảm xúc xấu, chẳng hạn như tức giận ở trẻ.

Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu cho biết, nhiều bậc cha mẹ nâng tầm hóa tình cảm với con, cố tỏ ra yêu thương, tận tụy, dành nhiều thời gian cho con, nhưng cuối cùng tình yêu của họ chỉ là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu của chính họ.

Với Shivani, một giám đốc quan hệ công chúng 24 tuổi, mối quan hệ “không ranh giới” đã trở nên đen tối. Anh là mối tình đầu thời đại học. Cô chấp nhận sự kiểm soát của bạn trai, rằng tình yêu đích thực là gọi cho nhau 5 lần một ngày, luôn cập nhật cho anh lịch trình và ưu tiên anh hơn mọi thứ khác, ngay cả khi điều này đồng nghĩa xa dần mối quan hệ với người thân và bạn bè.

Nhưng mọi chuyện thay đổi khi bạn trai cưỡng hôn cô trong một sự kiện ở trường. Giống như người yêu của Ana, người bạn trai của Shivani cũng không cho phép cô có bất kỳ quyền tự quyết với mong muốn của mình. “Tôi tỉnh ngộ khi bạn thân nhất nói đây không phải là tình yêu”, cô nói.

Khi Shivani tìm hiểu cách hành xử của bạn trai, cô nhận ra anh đã thiếu thốn tình cảm thời nhỏ. Anh rất thân với mẹ nhưng thay vì đóng vai người giám hộ, mẹ lại phụ thuộc vào anh để được an ủi và yêu thương. “Vì vậy, tôi đã trở thành nguồn an ủi duy nhất của anh ấy”, Shivani nói. Sau nhiều đau khổ, cuối cùng họ chia tay.

Còn Bijoy, một nhà quy hoạch đô thị 28 tuổi chia sẻ, dù bạn trai đã đến thành phố khác làm việc, nhưng vẫn chấp nhận đi hơn ba tiếng mỗi ngày chỉ để ở bên nhau. “Tôi không thể nói không. Tôi cảm thấy như anh ấy đã chiếm đoạt không gian cá nhân của tôi và đẩy tôi vào một góc. Thông thường, khi tôi đang ở giữa ngày thứ Hai bận rộn, anh ấy sẽ trốn học để đến gặp tôi, thúc giục tôi đi bảo tàng hoặc xem phim”, Bijoy kể.

Bác sĩ tâm thần Era Dutt khuyên mọi người có thể nhận biết sớm hơn bằng việc không xa lánh bạn bè khi có người yêu. “Thông thường, bạn bè của bạn hoặc các hệ thống hỗ trợ đáng tin cậy khác sẽ cho bạn biết liệu có đang ở trong một mối quan hệ kiểm soát hay không, bởi vì họ sẽ thấy sự thay đổi căn bản trong bạn”, cô nói.

Một cách khác nhận biết là để ý xem thế giới quan, suy nghĩ của bạn có giống bạn trai không. “Có phải bạn sẽ nghe những bài hát họ thích, ăn món họ thích. Hãy tự hỏi bản thân những thứ mới này có phù hợp với cốt lõi con người bạn. Bạn cũng có thể cảm thấy thấy mối quan hệ đã trở nên nhàm chán vì mọi thứ đều chung đụng”, cô nói.

Chuyên gia tâm lý Pallavi Barnwal, ở Mỹ nói thêm, nếu bạn cảm thấy đang trong mối quan hệ kiểu này, việc đầu tiên cần tự hỏi là có muốn người đó trong đời mình không? Liệu bạn có nghĩ mối quan hệ không ranh giới này là một biểu hiện của tình yêu không? Liệu bạn có đang ở với họ chỉ vì thói quen và sợ cô đơn?…

Nếu đã có câu trả lời có cho bất kỳ điều nào trong số này, Barnwal gợi ý nên tìm những cách mới hơn để làm phong phú cuộc sống. Có thể dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ, đọc sách, nhận nuôi một con vật cưng hoặc tìm sở thích mới. Bạn phải mở rộng phạm vi cuộc sống của mình và tránh những người khiến bạn mệt mỏi. Một khi thấy mình stress vì mối quan hệ này, hãy tìm đến chuyên gia.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *