Bất lợi của con nhà nghèo

Nghiên cứu cho thấy, trẻ em sinh trưởng trong các gia đình nghèo có khối lượng vùng não dưới vỏ nhỏ hơn, dễ gặp các khó khăn về nhận thức và hành vi hơn.

Nhiều nghiên cứu trước đây từng xem xét và so sánh những tác động của tình trạng nghèo đói thời thơ ấu hoặc sự chênh lệch về sức khỏe tâm thần giữa các tầng lớp kinh tế xã hội.

Trong nghiên cứu mới nhất, Deanna Barch, giáo sư tại Khoa Tâm lý học & Khoa học não bộ tại Đại học Washington ở St Louis (Mỹ) và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu để xác định xem liệu nghèo đói có tiếp tục ảnh hưởng đến mọi người khi họ bước vào tuổi trưởng thành hay không.

Để trả lời những câu hỏi này, Luby và Barch, giáo sư ngành X quang và giáo sư tâm thần học Gregory B. Couch tại trường Y khoa cùng các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu trong 17 năm từ các gia đình đồng ý tham gia, bao gồm 216 trẻ mẫu giáo. Những đứa trẻ được phỏng vấn hàng năm và khi chúng đủ 16 tuổi, các nhà nghiên cứu kiểm tra chúng về chức năng nhận thức, rối loạn tâm thần, hành vi nguy cơ cao, chức năng giáo dục và chức năng xã hội.

Trong suốt 17 năm, những người tham gia cũng 5 lần được chụp não để đi đến kết luận liệu những thay đổi đối với não có phải là cách mà sự nghèo đói “xâm nhập” vào một người nào đó hay không?

Kết quả được công bố ngày 14/7 trên tạp chí Biological Psychiatry: Cognitive Neuroscience and Neuroimaging cho thấy những nội dung cơ bản.

Đầu tiên và quan trọng nhất, sự nghèo đói thời thơ ấu góp phần dẫn đến những kết quả tồi trong tất cả các lĩnh vực kể trên. Điều đó đúng ngay cả khi tình trạng kinh tế xã hội của một đứa trẻ thay đổi trước tuổi trưởng thành. Giáo sư Barch nói: “Chúng tôi nghĩ rằng nghèo đói và tất cả những thứ liên quan như căng thẳng, dinh dưỡng không đầy đủ, ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe… đều có tác động đến sự phát triển của não bộ. Nếu chúng ta có thể ngăn chặn đói nghèo, chúng ta có thể giúp loại bỏ một số kết quả tiêu cực đó”.

Theo kết quả nghiên cứu, những đứa trẻ sống dưới mức nghèo khổ khi còn ở độ tuổi mẫu giáo có một số vùng não dưới vỏ, bao gồm hồi hải mã, nhân caudate, nhân vỏ hến putamen và đồi thị… có thể tích nhỏ hơn. Những vùng não này giống như các điểm tham chiếu quan trọng, chúng đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố môi trường như chất ô nhiễm hoặc dinh dưỡng kém – những yếu tố có nhiều khả năng ảnh hưởng đến những người sống trong cảnh nghèo đói.

Chỉ ra bất lợi của những trẻ sinh ra trong cảnh khó nghèo, Barch cũng nhận định rằng lớn lên trong nghèo khó khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn, nhưng đó là điều có thể ngăn ngừa được: “Rất nhiều đứa trẻ có kết quả tuyệt vời khi trưởng thành dù lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó. Điều đó thường là do họ đã có thêm sự hỗ trợ và các nguồn lực bổ sung”.

Hồi hải mã trong não bộ con người có vai trò quan trọng trong việc củng cố trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn cũng như trí nhớ không gian cho phép điều hướng.

Hạt nhân caudate tham gia vào các chức năng thiết yếu để đảm bảo sự thích nghi với môi trường và sự sống sót, cho phép điều chỉnh hành vi thông qua trí nhớ và động lực. Hạt nhân caudate có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập của con người.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *