Dùng roi vọt chẳng khác gì bỏ bê trẻ

Nghiên cứu mới trên tạp chí Nhi khoa Mỹ tiết lộ không có ranh giới giữa đánh đòn và bạo hành thể chất hay bỏ bê trẻ.

Dữ liệu vừa xuất hiện cho thấy đánh đòn vừa không hiệu quả vừa có hại và các nhà nghiên cứu đang kêu gọi phụ huynh thay đổi.

Tiến sĩ Julie Ma, Đại học Michigan-Flint và nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của đòn roi so với những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (còn gọi là ACEs, gồm: ngược đãi, bỏ bê, bạo lực gia đình, các chất kích thích và bạo hành tinh thần với trẻ).

Phạt đòn chẳng khác gì bỏ bê trẻ

Các chuyên gia cho thấy không có ranh giới giữa việc phạt con bằng đòn roi và bạo hành tinh thần, thể chất con. Ảnh: Fatherly

Để làm rõ tác động của ACEs so với đánh đòn, các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu từ hơn 2.300 gia đình. Sau đó so sánh những trẻ bị các hành vi ACEs và những trẻ chỉ bị kỷ luật bằng roi. Qua đó thấy một đứa trẻ bị các hành vi của ACEs và đánh đòn khi 3 tuổi thì có xu hướng hung hăng, bạo lực, bắt nạt ở tuổi lên 5, hơn những trẻ không phải chịu một hình thức nào.

“Điều này cho thấy tác động có hại của việc đánh đòn và ACEs đối với trẻ em có khả năng tương tự nhau. Ngay cả sau khi chúng tôi kiểm soát được những gì xảy ra vì ACEs, thì việc đánh đòn vẫn là một dấu hiệu dự báo về hành vi hung hăng của trẻ em”, Julie nói.

Ở Mỹ hiện vẫn có 19 bang cho phép trừng phạt thân thể trong trường học. Trong khi đó, Liên hợp quốc coi việc đánh đòn là một hình thức bạo hành trẻ em và 37 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ra lệnh cấm kỷ luật bằng đòn roi tất cả hình thức.

Trong nhiều thập kỷ, các bậc cha mẹ đã tranh luận về các phương pháp kỷ luật đối với trẻ có hành vi sai trái. Những người ủng hộ việc đánh đòn vì tin rằng con họ sẽ không phải chịu những tác động tiêu cực lâu dài. Nhóm ngược lại, bao gồm cả các tổ chức nhi khoa và tâm lý học, nói rằng kỷ luật bất bạo lực có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề về hành vi của trẻ.

“Với việc đánh đòn, bạn đang cho trẻ thấy rằng có thể đánh người nếu bạn muốn chúng dừng việc đang làm. Trẻ em học được rằng đây là một hành vi phù hợp và nó thúc đẩy chúng trở nên hung hăng hơn”, Ma nói.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *