Từ khi còn nhỏ cha mẹ hãy dạy trẻ những điều dưới đây để khi lớn lên chúng trở thành những người độc lập và tự tin.
Không làm việc thay con
Vì nghĩ trẻ còn nhỏ nên trong một số công việc bố mẹ vẫn làm thay. Tuy nhiên, suy nghĩ này lại gây ra những hậu quả tiêu cực trong việc phát triển tính cách độc lập của trẻ sau này.
Làm việc nhà, giúp bố mẹ những công việc lặt vặt, tự hoàn thành công việc của bản thân là cách để trẻ học cách làm việc và chịu trách nhiệm. Nếu bị tước đi những bài học này, trẻ sẽ trẻ nên thụ động, không khám phá được những năng lực tiềm ẩn bên trong.
Động viên những thành tích dù là nhỏ của trẻ
Bận bịu, không có thời gian khiến nhiều cha mẹ quên đi sự tiến bộ hay thành tích của con cái. Trong khi đó, dù ở lứa tuổi nào, trẻ cũng cần được công nhận, động viên khi chúng đạt được một mục tiêu nào đó.
Không cần những điều to lớn, ngay khi trẻ hoàn thành bài tập về nhà hoặc biết đánh răng đúng cách…. cũng đủ để bố mẹ dành lời khen ngợi. Việc khen ngợi kịp thời sẽ giúp nâng cao lòng tự trọng, khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn về bản thân mình.
Khuyến khích trẻ làm việc nhà
Để trẻ tham gia việc nhà giúp chúng hiểu được cần phải làm gì để chăm sóc bản thân, gia đình, đồng thời có cơ hội hiểu được tính trách nhiệm. Tuy vậy, không phải việc nhà nào cũng thích hợp với trẻ. Hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Trẻ từ 2 – 3 tuổi:
– Thu dọn đồ chơi và sách.
– Đặt quần áo vào móc quần áo.
– Sắp xếp giấy ăn hoặc khăn ướt trên bàn ăn
Trẻ từ 4 – 5 tuổi:
– Sắp xếp bàn ăn/bày bát đũa.
– Giúp cha mẹ nấu ăn (dưới sự giám sát).
– Giúp cha mẹ mua hoặc sắp xếp hàng tạp hóa.
Trẻ từ 6 -11 tuổi:
– Tưới nước cho vườn và cây trong nhà.
– Đổ rác vào thùng rác.
– Hút bụi hoặc lau sàn.
Cho trẻ quyền quyết định
Để trẻ tự tin, kỹ năng quan trọng nhất bố mẹ cần lưu ý chính là cho trẻ quyền quyết định. Trẻ càng lớn càng tăng sự lựa chọn cho con. Ví dụ: Khi đi siêu thị với một đứa bé 3 tuổi, con đòi mua đồ ăn vặt, cha mẹ có thể nói: “Con không thể mua tất cả mọi thứ nhưng có quyền lựa chọn giữa nước ngọt, kẹo hoặc đồ chơi”.
Tự chọn quần áo cũng là phương pháp tốt bố mẹ nên khuyến khích con. Có quyền lựa chọn những gì thuộc về mình sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin, đồng thời tăng tính trách nhiệm với trẻ.
Cho trẻ nuôi thú cưng
Nuôi thú cưng có nhiều ích lợi cho sự phát triển tinh thần cũng như thể chất của trẻ. Tuy vậy, chọn nuôi loài nào, phù hợp và đảm bảo sự an toàn cho các thành viên gia đình hay không, cha mẹ cần cân nhắc kỹ.
Cho thú cưng ăn là cách dạy trẻ biết chăm sóc một đối tượng khác. Ngoài ra việc vui chơi với động vật cũng cải thiện được một số kỹ năng xã hội, cũng như hiểu được tình yêu thương, san sẻ.
Ít nhất mỗi tháng một lần, hãy cho trẻ một thử thách mới
Trẻ sẽ trở nên tự tin hơn nếu thường xuyên đối mặt với thử thách. Bởi vậy, mỗi tháng hoặc ngắn hơn, bố mẹ có thể đưa ra những thử thách mới mà trẻ có khả năng vượt qua tùy theo độ tuổi cũng như sự phát triển của trẻ.
Ví dụ, với trẻ 3 tuổi, có thể đặt ra thử thách để con tự mặc quần áo, đánh răng, vẽ tranh hoặc hát một bài hát.
Kiên nhẫn và không chỉ trích
Khi thực hiện việc gì đó lần đầu, không thể tránh được sai lầm, có thể còn mắc lỗi. Việc này đúng với cả người lớn, chứ chưa nói đến trẻ nhỏ. Bởi vậy, việc cha mẹ cần làm là phải kiên nhẫn và luôn khen ngợi nỗ lực của con thay vì chỉ trích chúng.
Nhận chỉ trích liên tục từ bố mẹ chỉ khiến trẻ cảm thấy bản thân không có năng lực làm việc gì. Còn nếu nghe những lời khen ngợi đúng lúc, trẻ sẽ tự tin, nâng cao lòng tự trọng và trưởng thành hơn rất nhiều.
Hướng dẫn trẻ cách làm việc
Để trẻ thực hiện một nhiệm vụ mới, điều đầu tiên nên làm là hướng dẫn cách hoàn thành. Nếu không, trẻ sẽ rất tự ti vì chưa từng làm, chúng có thể từ chối thực hiện bởi không biết cách.
Đầu tiên, hãy gọi được tên việc trẻ phải làm. Thứ hai, dạy trẻ cách thực hiện. Thứ ba, hướng dẫn từng bước thực hiện. Nếu nhìn thấy bố mẹ làm mẫu, trẻ sẽ bắt chước dễ dàng hơn nhiều.
Lắng nghe và khám phá nỗi sợ hãi của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có nỗi sợ hãi riêng, điều này hoàn toàn bình thường. Quan trọng là cha mẹ cần lắng nghe và hiểu được nỗi sợ hãi này để trấn an con.
Với mỗi đứa trẻ, điều quan trọng nhất là có thể tự tin nói với cha mẹ những cảm xúc sâu kín trong lòng. Lúc này cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu sự sợ hãi là một phần tự nhiên của bất kỳ thử thách nào. Có thể xoa dịu nỗi sợ và giúp trẻ vượt qua bằng một ví dụ cá nhân.
Tin tưởng và khuyến khích năng lực của con
Trong những bài học dạy con, cha mẹ luôn nhấn mạnh con cái phải tin tưởng vào cha mẹ mà ít khi nghĩ ngược lại. Nếu cha mẹ tin con sẽ làm được thì trẻ cũng sẽ tin điều đó.
Nên tin tưởng con nhiều hơn, tin vào những thế mạnh và mong muốn thực hiện ước mơ của con. Điều quan trọng nhất là truyền cho con niềm tin vào khả năng của chính bản thân chúng. Đây là cách tốt nhất để nâng cao lòng tự tin và củng cố lòng tự trọng cho trẻ.
Theo VnExpress