Những sai lầm cần tránh khi học tiếng Anh qua phim và cách khắc phục (P1)

Học tiếng anh qua phim là một trong những phương pháp hiệu quả nhờ ngôn ngữ đời thường, không nặng tính học thuật, nhưng người học sẽ không đạt hiệu quả bởi một số sai lầm không đáng có. 

Ngày nay, phương pháp học ngoại ngữ ngày càng đa dạng với nhiều hình thức, tiêu biểu như học tiếng Anh qua phim, qua nhạc,… Ưu điểm của những phương pháp này là giúp người học có thể học mọi lúc mọi nơi, vừa học vừa thư giãn. Tuy nhiên, do không thuần theo lối học thuật, người học dễ dàng bị xao nhãn, mắc lỗi dẫn đến việc học tập không hiệu quả như mong đợi. 

Xem phim không có hỗ trợ

Lỗi: Bạn chưa có nền tảng ngoại ngữ đủ tốt để có thể xem và hiểu hết nội dung các phim mà mình chọn. Điều này dễ dẫn đến chán nản và không hiệu quả trong việc trau dồi ngoại ngữ. 

Khắc phục: Hãy sử dụng các nguồn lực hỗ trợ: phụ đề hoặc xem cùng một người có kinh nghiệm học bằng phương pháp này. Những nguồn lực hỗ trợ sẽ cung cấp các kỹ năng cần thiết để có thể xem phim hoàn toàn bằng ngôn ngữ bạn đang theo đuổi.

Một nguồn bạn có thể sử dụng để trau dồi kỹ năng của mình trước khi xem trọn vẹn một bộ phim là YouTube. Kênh chia sẻ video lớn nhất thế giới này có nhiều chương trình bổ trợ tiếng Anh với các mẩu clip ngắn có sẵn phụ đề. Hoặc bạn có thể lựa chọn xem các video ca nhạc ngắn. 

Kể cả khi bạn đã sẵn sàng thưởng thức một bộ phim, đừng bỏ qua các công cụ hỗ trợ. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng phiên dịch có tùy chọn dịch giọng nói, chẳng hạn như Google Dịch (iOS | Android), đây là một cách nhanh chóng và dễ dàng để tra cứu bất kỳ từ hoặc cụm từ nào mà bạn có thể chưa biết khi đang xem phim.

Chọn sai phim

Lỗi: Lựa chọn phim dựa trên độ hot. Nhưng các phim bom tấn hoành tráng nhất không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt để học ngôn ngữ. Bởi những phim giả tưởng hay nghệ thuật thường sử dụng từ vựng có độ khó cao.

Khắc phục: Trước tiên, bạn sẽ cần cân nhắc đến mức độ khó của bộ phim. Bạn có thể giả định điều này dựa trên các thể loại phim. Ví dụ, hầu hết các bộ phim dành cho trẻ em đều tương đối dễ dàng. Với những người vừa bắt đầu học tiếng Anh, học qua phim hoạt hình là lựa chọn phù hợp. Một số phim hành động cũng là lựa chọn tốt vì chúng thường nghiêng về hình ảnh hơn là lời thoại. Tuy nhiên, những bộ phim nghệ thuật (thể loại đạt giải Oscar) có độ khó cao vì ngôn từ được sử dụng thường kiểu cách, khó nắm bắt.

Bạn nên chú ý khả năng sẽ sử dụng loại từ vựng trong phim. Ví dụ, một bộ phim về cảnh sát có thể sẽ bao gồm rất nhiều thuật ngữ chuyên môn khó về tội phạm. Trái lại, những bộ phim như phim hài lãng mạn thường có nhiều từ vựng thông dụng hơn. Tương tự, nếu bạn muốn học một bộ từ vựng cụ thể, bạn có thể cân nhắc tìm một bộ phim sử dụng những thuật ngữ đó. Ví dụ, nếu bạn muốn tìm hiểu các thuật ngữ pháp lý, hãy tìm một bộ phim về pháp lý.

Cuối cùng, hãy cân nhắc xem bạn sẽ thực sự thích những bộ phim nào. Thưởng thức một bộ phim hay sẽ là nguồn động lực quý giá để bạn có thể tiếp tục xem và học hỏi từ đó. Hơn hết, tại sao chúng ta lại phải học ngoại ngữ thông qua phim ảnh nếu như nó không thú vị?

Không tìm hiểu nội dung bộ phim

Lỗi: Bắt đầu xem một phim mà chưa tìm hiểu thông tin sẽ khiến việc nắm bắt nội dung và học tiếng Anh qua phim trở nên khó khăn. Nếu bạn không biết gì về bộ phim đó, bạn không chỉ khó theo dõi phim, ít để ý đến phần ngôn ngữ, thay vào đó cần tập trung nhiều để tìm hiểu nhân vật là ai, họ đang làm gì và tại sao họ lại có tính cách như vậy.

Khắc phục: Nếu bạn coi việc xem phim như một chương trình bổ trợ tiếng Anh của mình, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng. Bạn không cần nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật hay góc quay của phim, mà là một thứ đơn giản – nội dung chính của phim. Hãy tìm bản tóm tắt nội dung phim để hiểu được phim nói về vấn đề gì. IMDB và Wikipedia là những trang thông tin có đầy đủ về phần tóm tắt nội dung phim.

Mặt khác, bạn cũng có thể tìm hiểu về các diễn viên trước. Hãy chú ý đến tên của các nhân vật khi bạn nhìn vào ảnh khuôn mặt của các diễn viên. Bằng cách này, khi bắt đầu xem phim, bạn sẽ không mất thời gian cố gắng nhớ xem ai đang đóng vai gì.

Bị choáng ngợp

Lỗi: Phim quá dài. Hầu hết các bài tập nghe ở chương trình tiếng Anh đều tương đối ngắn gọn, nên bạn thường nản khi nghe tiếng nước ngoài trong một thời gian dài. Tuy nhiên, những người yêu thích phim ảnh thường cho rằng vì họ có thể xem phim bằng tiếng mẹ đẻ nên cũng có thể xem bộ phim đó bằng tiếng nước ngoài.

Khắc phục: Một trong những cách tốt nhất để tránh bị choáng ngợp là chia đoạn phim. Thay vì cố gắng xem toàn bộ nội dung cùng một lúc, hãy chia nó thành nhiều phần nhỏ hơn. Bạn có thể chưa sẵn sàng để xem một bộ phim bằng tiếng nước ngoài trong hai giờ, nhưng bạn hoàn toàn có thể giải quyết với một phân cảnh.

Chia bộ phim thành nhiều phần sẽ đảm bảo việc luyện nghe của bạn không bị quá tải. Một lợi ích nhỏ khác nữa là một vài phút xem sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi thêm vào lịch trình hàng ngày của bạn so với việc xem đủ thời lượng một bộ phim.

Xem vội vàng

Lỗi: Khi xem phim bằng tiếng Việt, bạn có thể vừa xem vừa làm việc khác mà vẫn nắm bắt được nội dung. Thế nhưng, việc xem một lượt hết phim đôi khi quá tải với việc học ngôn ngữ. Trong quá trình học tiếng Anh, việc lặp đi lặp lại rất quan trọng giúp bạn ghi nhớ các quy tắc từ vựng hoặc ngữ pháp và việc xem một bộ phim càng nhanh càng tốt không mang lại những trải nghiệm lặp lại này.

Khắc phục: 

Bạn nên nghỉ giải lao thường xuyên. Sau mỗi một hoặc hai cảnh, bạn có thể nghỉ ngơi để ngẫm lại những gì bạn vừa xem. Chuyện gì đã xảy ra? Bạn đã nghe được những từ vựng mới nào? Suy nghĩ về những điều này sẽ cho bạn thời gian để xử lý những gì bạn vừa xem.

Sau đó, bạn cũng có thể cân nhắc xem lại các cảnh quan trọng, đặc biệt chú ý đến các câu trích dẫn thú vị, từ vựng mới hoặc các quy tắc ngữ pháp khó. Nếu bạn thích một lời thoại nào đó, hãy thử ghi nhớ nó! Điều này không chỉ giúp bạn ghi nhớ từ vựng mà còn xây dựng cấu trúc để sử dụng linh hoạt trong tương lai.

1T4CH1 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *