7 bài tập cải thiện khả năng đi lại sau đột quỵ

Bài tập vận động tại nhà như co duỗi, bước sang ngang, leo bậc thang… có thể giúp người đột quỵ cải thiện khả năng đi lại, thăng bằng, ngăn té.

Cơn đột quỵ có thể tác động đến các phần não bộ chi phối khả năng vận động. Khi tín hiệu của não bị ảnh hưởng, não bộ và cơ bắp phối hợp không nhịp nhàng với nhau nên gây ra nhiều vấn đề về vận động, đi lại. Nhiều bệnh nhân bị yếu cơ, cứng cơ, tê chân, mất thăng bằng và dễ té sau đột quỵ. Lấy lại chức năng vận động là một trong những mục tiêu chính của quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ. Bên cạnh vật lý trị liệu, bệnh nhân đột quỵ có thể thực hiện một số bài tập vận động sau để cải thiện khả năng đi lại.

Bài tập co duỗi bàn chân

Bài tập co duỗi bàn chân đơn giản nhưng sẽ cải thiện đáng kể phạm vi uốn cong và co duỗi bàn chân, đồng thời củng cố sức mạnh cơ gấp ngón chân cái. Bài tập này cũng cải thiện độ cao của bàn chân trong giai đoạn xoay người (khoảng trống của bàn chân), từ đó giúp bệnh nhân giữ thăng bằng tốt hơn và giảm nguy cơ té.

Để thực hiện động tác này, bệnh nhân cần ngồi xuống sàn, hai chân duỗi thẳng về phía trước. Sử dụng một dải băng kháng lực vòng qua bàn chân, hai tay giữ hai đầu dây. Từ từ kéo đầu dây để bàn chân cong về phía cơ thể nhằm kéo căng các cơ tại đây. Thả nhẹ hai đầu dây để đưa bàn chân về lại vị trí ban đầu và thả lỏng các cơ. Hãy lặp lại bài tập này vài lần.

Bệnh nhân cũng có thể ngồi trên ghế, đặt băng kháng lực vuông góc với bàn chân và từ từ kéo băng theo phương thẳng đứng. Khi đã thuần thục, người bệnh có thể tăng độ khó của bài tập bằng cách tăng dần độ kháng lực của băng.

Bệnh nhân mới bắt đầu nên chọn dây kháng lực có độ kháng lực ít. Ảnh: Freepik.

Bệnh nhân mới bắt đầu nên chọn dây kháng lực có độ kháng lực ít. Ảnh: Freepik

Bài tập co gối

Mục tiêu của bài tập này là tăng cường sức mạnh cơ gập hông để cải thiện khoảng trống của bàn chân, đồng thời tăng độ ổn định của bàn chân khi đứng và thay đổi trọng tâm.

Bệnh nhân ngồi thẳng lưng trên ghế, hai chân đặt vuông góc trước mặt. Nâng một chân lên, dùng tay giữ lại trong 2 giây rồi hạ chân xuống. Nâng chân còn lại lên và thực hiện tương tự. Một phiên bản khác của bài tập này là co gối khi đứng. Bệnh nhân nên chọn một vị trí đứng cạnh bàn, ghế, tường hoặc các vật cố định để đảm bảo an toàn khi cần thiết. Từ tư thế đứng hai chân, hãy chuyển dần trọng tâm sang một chân và từ từ nâng chân còn lại lên, giữ yên trong 2 giây rồi hạ xuống. Thực hiện tương tự động tác này với chân còn lại.

Bài tập cây cầu

Bệnh nhân cần chuẩn bị một tấm thảm yoga khi thực hiện bài tập này. Hãy bắt đầu từ tư thế nằm ngửa, tay song song người, chân hơi cong và bàn chân đặt phẳng trên mặt thảm. Hóp bụng vào, siết cơ mông để nâng hông lên, giữ tại đây 5 giây rồi hạ xuống. Lưu ý phải giữ thẳng lưng, nhất là phần thắt lưng. Bài tập này giúp tăng sức mạnh cơ mông, cải thiện khả năng tạo lực, độ dài bước và tốc độ bước đi.

Sử dụng dây kháng lực quanh bắp chân sẽ tăng thêm sức mạnh cơ mông cho bệnh nhân đã tập quen. Ảnh: Freepik.

Sử dụng dây kháng lực quanh bắp chân sẽ tăng thêm sức mạnh cơ mông cho bệnh nhân đã tập quen. Ảnh: Freepik

Bài tập ngồi – đứng

Việc thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng và ngược lại giúp tăng cường cơ tứ đầu và cơ mông, từ đó cải thiện sức mạnh và độ ổn định của chân, ngăn ngừa té cho bệnh nhân sau đột quỵ. Bệnh nhân bắt đầu từ tư thế ngồi thẳng lưng trên ghế. Từ đây, hơi nghiêng về phía trước và nâng người đứng lên, cố gắng không dùng tay để đẩy bản thân ra khỏi ghế. Từ từ hạ người trở lại ghế và lặp lại bài tập này 10 lần. Những bệnh nhân đột quỵ đã tập quen bài tập ngồi – đứng có thể dùng thêm một dải băng kháng lực quanh đầu gối để tăng lực của cơ mông hoặc sử dụng ghế thấp để làm các chuyển động khó khăn hơn.

Bài tập bước sang ngang

Đây là một bài tập đơn giản nhưng có thể cải thiện sức mạnh cơ mông, khả năng cân bằng và ổn định của cơ thể khi di chuyển. Từ tư thế đứng thẳng, chân khép hờ, người bệnh hãy di chuyển lần lượt chân phải rồi chân trái sang bên phải. Lặp lại vài lần rồi đổi bên. Bổ sung thêm một dải băng kháng lực quanh đầu gối sẽ tăng kích thích cơ mông trong quá trình thực hiện.

Bài tập bước sang ngang giúp giữ thăng bằng. Ảnh: Freepik

Bài tập bước sang ngang giúp giữ thăng bằng. Ảnh: Freepik

Bài tập chuyển đổi trọng tâm trước – sau

Từ tư thế đứng thẳng, hai chân song song, bệnh nhân bước một chân lên trước, kiễng chân còn lại để dồn trọng tâm về phía trước. Hạ bàn chân phía sau, kiễng bàn chân phía trước lên và chuyển trọng tâm về phía sau. Lặp lại vài lần, sau đó đổi bên. Nếu chưa quen, hãy đứng cạnh bàn, ghế hoặc tường để dựa vào khi mất thăng bằng. Bài tập này sẽ cải thiện khoảng trống ở chân, độ ổn định của xương chậu và khả năng giữ thăng bằng khi chuyển đổi trọng tâm.

Bài tập leo bậc thang

Động tác leo cầu thang hỗ trợ sức mạnh cơ gập hông, cơ tứ đầu và cơ mông, cải thiện khoảng trống bàn chân, độ dài bước chân, tốc độ tạo lực và dáng đi. Bài tập này cũng giúp ổn định xương chậu và hỗ trợ khả năng giữ thăng bằng của cơ thể, tránh tình trạng té ngã sau đột quỵ. Bệnh nhân có thể tập trên cầu thang hoặc sử dụng một chiếc ghế đẩu để mô phỏng động tác này. Hãy bước lần lượt chân phải rồi chân trái lên cầu thang hoặc ghế, sau đó bước chân xuống. Lặp lại 5 lần, sau đó thực hiện tiếp tục bài tập này thêm 5 lần nhưng bước chân trái lên trước. Bệnh nhân có thể tăng độ khó của bài tập bằng cách lựa chọn các bậc thang hoặc ghế đẩu cao hơn.

Bệnh nhân vừa hồi phục sau đột quỵ có thể vẫn còn yếu và chưa quen với các bài tập này, từ đó dẫn đến dễ mất thăng bằng và té. Người thân nên hỗ trợ trong giai đoạn đầu cho đến khi họ có đủ khả năng thực hiện một mình.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *