Hai năm trước, Josep Maria Garcia, 42 tuổi, nhận được cuộc gọi của anh rể, dặn bình tĩnh trước khi tra cụm từ “người tồi tệ nhất bạn từng biết” trên Google.
Khi Garcia, ở Catalonia làm theo hướng dẫn, anh kinh ngạc vì kết quả tìm kiếm tràn ngập ảnh chân dung mình.
Anh rể Garcia một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tám năm trước, trong lần đến Barcelona chụp ảnh cho một nhà văn Mỹ, người anh bảo Garcia đứng chụp vài bức để điều chỉnh ánh sáng. Tuy nhiên, bức ảnh chụp thử khá đẹp nên người anh bán nó thành ảnh tư liệu cho Getty Images, một công ty kinh doanh ảnh số.
Garcia kể, anh rể từng nói bức ảnh được sử dụng cho một bài báo châm biếm, năm 2018. Người em không mấy bận lòng.
Bức ảnh gây tai tiếng cho Josep Maria Garcia. Ảnh: Public Domain
Hóa ra, bức ảnh minh họa trong bài viết về một nhân vật tồi tệ. Thuật toán của Google không phân biệt nên ảnh chân dung của Garcia bị gắn với cụm từ “người tồi tệ nhất bạn từng thấy”, rồi biến thành một trò đùa trên mạng xã hội.
“Tôi từng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra? Liệu mọi người có tìm tới đây để làm quen? Có ai đánh tôi vì bức ảnh không?”, người đàn ông nói với truyền thông.
Ban đầu, cuộc sống của Garcia không gặp bất cứ xáo trộn nào. Bức ảnh chủ yếu gây chú ý trên mạng xã hội Anh còn 26.000 người dân sống cùng thị trấn ở Tây Ban Nha không biết nó.
Nhưng sau đó, một bài báo bắt đầu đặt câu hỏi nhân vật mang danh “người tồi tệ nhất bạn từng biết” đang gây bão mạng là ai. Cuối cùng, vài kẻ đã lần ra được danh tính, địa chỉ thực của Garcia và quấy phá anh.
“Tôi đọc được bình luận rằng ‘gã đó có gương mặt của kẻ theo chủ nghĩa thượng đẳng phát xít” hay “nhìn mặt không chút cảm thông với người khác”, anh kể.
Ban đầu, Garcia tìm cách phớt lờ những lời tấn công nhưng dần dần phản ứng tiêu cực đổ tới quá nhiều, anh rể anh phải xóa bức ảnh khỏi danh mục trên Getty Image.
Tuy nhiên, khuôn mặt của Garcia vẫn được gắn với cụm từ “người tồi tệ nhất bạn từng thấy”. Anh không thể thay đổi điều này.
Trên thế giới, Josep Maria Garcia không phải là nạn nhân duy nhất của hiện tượng bỗng dưng bị tai tiếng bởi Google. Năm 2019, một kỹ sư nghỉ hưu người Hungary tên là András Arató bỗng phát hiện khuôn mặt mình trở thành một biểu tượng trên mạng xã hội với chú thích “Che giấu nỗi đau”. Biểu cảm khuôn mặt trong ảnh chân dung của Arató cũng khá hợp với ý nghĩa đó.
“Lúc đầu, điều này khiến tôi rất sốc,” Arató, 73 tuổi, nói. “Tôi không biết phải làm gì”. Ông vội vàng đóng tất cả các tài khoản mạng, xóa ảnh có mặt mình. “Hy vọng duy nhất của tôi là mọi người sẽ dần quên đi”, ông nói. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Hàng ngày, ảnh của Arató vẫn được dùng đi dùng lại.
Cuối cùng ông quyết định đối mặt với thực tế. András Arató lập một fanpage để chia sẻ về cuộc sống và những chuyến đi của mình. Ông nhanh chóng nổi tiếng và những lời mời đóng video quảng cáo đến liên tục. Thậm chí, Arató còn xuất hiện trong một video để quảng bá cho câu lạc bộ bóng đá Anh Manchester City.
Theo VnExpress