Người béo phì phẫu thuật giảm cân có thể giảm gần một nửa nguy cơ mắc bệnh ung thư liên quan và tỷ lệ tử vong do ung thư theo một số nghiên cứu.
Béo phì chia thành ba loại gồm loại một với chỉ số BMI từ 30 đến dưới 35, loại 2 từ 35 đến dưới 40, loại 3 từ 40 trở lên. Phẫu thuật giảm béo được tiến hành khi người đó có chỉ số BMI từ 40 trở lên (loại 3). Tuy nhiên, BMI từ 35 đến dưới 40 (loại 2) có thể thực hiện phẫu thuật nếu họ có tình trạng liên quan đến bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh tim mạch, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, một số loại ung thư (ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết)…
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, béo phì làm tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư, chiếm 40% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán có khối u mỗi năm ở Mỹ. Trọng lượng dư thừa có thể làm tăng tốc độ phát triển của khối u vì nó gây viêm, làm suy giảm khả năng sử dụng hormone insulin của cơ thể để biến đường từ thức ăn thành năng lượng và làm tăng sản xuất hormone sinh dục đóng vai trò trong sự phát triển của một số bệnh ung thư.
Các nhà nghiên cứu so sánh nguy cơ chẩn đoán mắc ung thư và tử vong của hơn 30.000 người mắc bệnh béo phì, bao gồm hơn 5.000 người đã phẫu thuật bọng mỡ. Phẫu thuật liên quan đến việc giảm 32% nguy cơ mắc bệnh ung thư và giảm 48% nguy cơ tử vong do ung thư.
Ali Aminian, Giám đốc Viện trao đổi chất và bệnh tật tại Cleveland Clinic (Mỹ) chia sẻ với tờ Everyday Health, bệnh nhân giảm 20-40% trọng lượng cơ thể sau khi phẫu thuật giảm cân và có thể duy trì trong nhiều năm. Những phát hiện của nghiên cứu chỉ ra rằng giảm cân càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư liên quan đến béo phì càng thấp.
Phẫu thuật giảm cân giúp giảm nhiều kg, có thể duy trì cân nặng với chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp. Ảnh: Freepik
Những người trải qua phẫu thuật giảm cân trung bình giảm được 25,5 kg sau 10 năm và giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì, bao gồm khối u ác tính ở vú, buồng trứng, niêm mạc tử cung, ruột kết, gan, tuyến tụy và tuyến giáp. Khoảng 4,9% những người béo phì không phẫu thuật sẽ phát triển các khối u này. Trong khi đó, tỷ lệ này là 2,9% đối với những người phẫu thuật giảm cân.
Ngoài việc giảm viêm, giảm cân có thể làm giảm nồng độ estrogen (đặc biệt là một yếu tố nguy cơ được biết đến đối với ung thư vú) và những thay đổi có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột. Những người trải qua phẫu thuật tuyến vú ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hơn trong thời gian nghiên cứu 10 năm (1,4%) so với những người không phẫu thuật (2,7%).
Một nghiên cứu đăng ngày 3/6 trên tạp chí JAMA cho biết, phẫu thuật cắt lớp đệm giúp giảm nguy cơ chẩn đoán và tử vong do tất cả các bệnh ung thư, bao gồm cả các khối u không liên quan đến béo phì. Sau 10 năm, tỷ lệ tử vong ở nhóm tiến hành phẫu thuật là 0,8% so với 1,4% ở nhóm không phẫu thuật. Nhiều người sau khi phẫu thuật giảm cân vẫn tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh như hạn chế rượu bia, thuốc lá, chú ý chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Điều này cũng góp phần ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Phẫu thuật giảm béo có nhiều dạng như cắt nối tắt dạ dày, nội soi đặt bóng giảm cân, thắt đai dạ dày… những phương pháp trên nhằm thu nhỏ kích thước dạ dày, tạo cảm giác nhanh no, giảm lượng tiêu thụ thức ăn. Tuy nhiên, việc rút ngắn hoặc thay đổi cấu trúc của đường tiêu hóa kéo theo một số hệ lụy như làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng kém, rủi ro trong lúc phẫu thuật.
Hạn chế của nghiên cứu này là những người tham gia đa số là phụ nữ da trắng. Do đó, kết quả có thể khác đối với nam giới, cá nhân thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc khác.
Theo VnExpress