Vì sao ‘Rear Window’ thừa sức ‘ăn đứt’ nhiều phim điện ảnh ngày nay?

Không nhiều cú máy phức tạp, không dùng nhiều ngoại cảnh khác nhau, nhưng Rear Window (1954) vẫn tạo được thành công vang dội và là nguồn cảm hứng cho nhiều hậu bối. 

Cửa Sổ Sau là một trong những tuyệt tác kinh dị của cố đạo diễn Alfred Hitchcock. Phim xoay quanh nhiếp ảnh gia L.B “Jeff” Jefferies (James Stewart) đang dưỡng thương ở nhà sau lần tai nạn nghề nghiệp. Nửa đầu phim cho khán giả thanh bình về một khu dân cư bình thường, tuy nhiên, dần về sau bí mật khủng khiếp tại đây mới được hé lộ.

Alfred Hitchcock là đạo diễn lừng danh, có đóng góp to lớn cho nền điện ảnh quốc tế. Được mệnh danh là ông hoàng phim giật gân, ly kỳ. Những phim tiêu biểu của ông có thể kể đến như Psycho, Rear Window, The Bird, Vertigo,… Bên cạnh đó, Hitchcock còn đặt ra nhiều lý thuyết mang tính vượt thời gian như quả bom Hitchcock, kỹ thuật Dolly Zoom được thường xuyên áp dụng trong nhiều phim sau này. 

Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim

“Để làm một phim hay, bạn cần ba thứ: kịch bản, kịch bản và kịch bản” 

Câu nói của Alfred Hitchcock tưởng chừng đề cao về câu chuyện được kể trong phim. Nhưng, thực tế, cố đạo diễn người Anh đang đề cập đến “cách kể” câu chuyện đó. Rear Window là minh chứng rõ ràng cho câu nói của ông. Hitchcock dẫn dắt khán giả từ những giây phút bình yên của cuộc sống thường nhật, đến những sự kiện rùng rợn, hồi hộp. 

Mở đầu phim, Jefferies đang ngồi tận hưởng buổi trị liệu tại gia và ngắm nhìn hàng xóm sinh hoạt. Đặc biệt, căn hộ của vợ chồng nhà Thorwald thường xuyên xảy ra cãi vả. Mọi chuyện tưởng chừng như diễn ra như bao khu phố bình thường khác, nhưng một ngày nọ, bà Thorwald bỗng dưng “về quê” đột ngột. Với tính tò mò của bản thân, Jefferies đã dùng ống kính quan sát căn hộ đối diện nhiều ngày liền và phát hiện sự thật kinh khủng đang diễn ra.

Tại đây, Hitchcock đã dẫn dắt cảm xúc khán giả từ bình yên đến hồi hộp, bất an, đẩy cao sự kịch tính trong câu chuyện ông đang kể. Ông đôi lúc sử dụng “quả bom Hitchcock” trong các phân cảnh sát nhân, khiến người xem căng thẳng, không biết tên sát nhân sẽ làm gì tiếp theo.

Qua đó, điểm mấu chốt để tạo nên một câu chuyện hay đó là tạo được khoảnh khắc “bước ngoặt” cho phim. Người đạo diễn cần dẫn dắt khán giả theo câu chuyện mình đang kể, tạo ra những chi tiết “vu vơ” để khán giả tự đoán mò và hành hạ chính bản thân. Sau đó, tạo ra tình huống bí ẩn mang tính bước ngoặt tương tự sự vắng mặt vô lý của bà Thorwald trong Rear Window. 

Khu vực đặt máy cố định 

Đúng như tựa đề bộ phim, bối cảnh phim sử dụng phía bên cửa sổ trong căn hộ của nhân vật chính. Hai bối cảnh thường thấy của phim đó là bên trong và ngoài căn hộ nhỏ. Vì vậy, khu vực đặt máy quay gói gọn trong diện tích giới hạn, nhưng kể được toàn bộ câu chuyện diễn ra xuyên suốt Rear Window. Để thực hiện điều này, Hitchcock luân chuyển các góc toàn-trung-cận (những góc quay cơ bản trong điện ảnh) một cách hợp lý để truyền tải câu chuyện của mình. 

Ngoài ra, việc đặt máy quay trong một diện tích nhất định giúp khán giả hòa mình vào góc nhìn của nhân vật và trải nghiệm câu chuyện một cách chân thật. Điển hình trong các phân cảnh Jefferies đối mặt với kẻ sát nhân, người xem dường như nghẹt thở khi chứng kiến kẻ thủ ác quan sát, tiến sát đến bên mình. Không cần di chuyển máy trên các đường ray hay người vác, Hitchcock chỉ đặt cố định một chỗ và bắt lấy từng khoảnh khắc mà ông muốn tường thuật lại cho người xem. Điều đó đơn giản, nhưng hiệu quả trong việc tạo một không khí đáng sợ cho phim của Alfred Hitchcock. 

Nhìn chung, điện ảnh ngày nay thường “lạm dụng” các công nghệ, kỹ xảo để làm phim, đặc biệt là các phim gắn mác “bom tấn” kéo theo hệ lụy thiếu đầu tư về mặt nội dung. Mặc dù các phim tăng trải nghiệm điện ảnh của người xem, doanh thu kỷ lục, các nhà làm phim gạo cội, giới phê bình không đánh giá cao. Vì vậy, những yếu tố về kỹ xảo, hình ảnh, các cú máy lộn nhào, “ấn tượng” không quyết định độ “hay” của phim. 

 

Rear Window dù có tuổi đời rất cao, cũng như các kỹ thuật đã lỗi thời, đơn giản, phim vẫn chứng minh được giá trị của cách kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong một bộ phim hay. Trong thời đại các tác phẩm đều “xào nấu” nội dung liên tục, thì khâu truyền tải “quyết định” số phận của tác phẩm đó. Nói về Rear Window, Martin Scorsese từng chia sẻ:“ Cái hay của phim đó là cách kể chuyện, dù bạn đoán được kết cục của nó, nhưng cách Hitchcock dẫn dắt khán giả đến từng phân đoạn hồi hộp thì bạn không thể rời mắt khỏi màn hình”. Qua đó, chỉ cần thực hiện chỉn chu các phân đoạn, góc máy và tập trung vào khâu kể chuyện, một bộ phim hay sẽ ra đời. 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *