Trong cuộc đời ai cũng có thể phạm sai lầm. Có những sai lầm sửa được, có những sai lầm chỉ để lại sự nuối tiếc.
1. So sánh mình với người khác
“Khi luôn so sánh mình với người khác, chúng ta đã tự cướp đi hạnh phúc của bản thân, dù kém cỏi hay vượt trội”, tiến sỹ tâm lý Robert Puff (Mỹ) từng nói.
Theo vị tiến sỹ này, so sánh bản thân với người khác chỉ khiến tinh thần thêm khó chịu và rối loạn. Quá trình suy nghĩ này chỉ gây hại và lãng phí năng lượng của bản thân.
Cuộc sống hiện đại khiến con người không thể tránh khỏi sự so sánh bởi mạng xã hội cho phép chúng ta liên tục “truy cập vào cuộc sống của nhau”. Ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta đều có thể mở điện thoại, nhìn một lát cắt trong cuộc đời người khác rồi suy nghĩ: “Tại sao mình không làm những gì cô ấy đang làm?” hoặc “Mình giỏi hơn anh ta nhiều”.
Luôn so sánh minh với người khác chỉ khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi, lãng phí năng lượng. Ảnh minh họa: zhuda6
Người Trung Quốc có câu chuyện ngụ ngôn về người đàn ông câu cá bên sông. Ông ta bắt được nhiều cá nhưng mỗi khi bắt được con nào, lại mang thước ra đo. Nếu con cá to dài hơn chiếc thước là ông ném xuống sông. Người khác lấy làm lạ, bèn hỏi: “Mọi người muốn bắt cá lớn chẳng được, tại sao anh lại ném hết cá lớn xuống sông?” Người đàn ông nhẹ nhàng đáp: “Vì cái chảo của tôi chỉ dài bằng cái thước, cá lớn quá sẽ không đặt vừa chảo”.
Thực tế cũng vậy, đừng để những ham muốn vô tận cuốn lấy trái tim mình. “Vừa đủ” cũng là một thái độ sống tốt. Cuộc đời con người dù là đau khổ hay hạnh phúc, nếu biết đủ và biết trân quý những gì mình đang có, thì tất cả những gì mà họ cảm nhận về cuộc sống mỗi ngày đều là tươi đẹp.
2. Tốt bụng đi kèm với EQ thấp
Nhà văn Mỹ Mark Twain từng nói: “Lòng tốt là một ngôn ngữ mà người mù có thể cảm nhận được và người khiếm thính có thể nghe thấy được.”
Một số người rõ ràng muốn giúp đỡ người khác với thiện ý nhưng lại sử dụng sai phương pháp. Hành động của họ không những không giúp được đối phương mà còn gây ra những tình huống khó xử, khiến người khác xấu hổ. Ai cũng có lòng tự trọng và sĩ diện, có thể bạn cho rằng lòng tốt của mình là bình thường nhưng đối phương lại không cùng suy nghĩ. Vì vậy dù có tấm lòng nhân hậu cũng nên thể hiện đúng lúc, đúng người và đúng phương pháp, nếu không sẽ phản tác dụng.
Nhà triết học Bertrand Russell cũng từng nói: “Nếu thiện lương mà không có lý trí, đó chỉ là lòng tốt vô nghĩa”. Có nhiều người đã phạm phải sai lầm này, không hiểu gì về sự việc, chỉ thấy phiến diện, hiểu nông cạn, không biết cách giải quyết, nói và làm theo cảm tính nhưng rất nhiệt tình, chẳng những không gỡ rối cho người ta được mà còn làm cho sự việc rối rắm thêm.Vì thế, dù muốn giúp ai đó nhưng sự việc nằm ngoài khả năng hiểu biết, hãy cẩn trọng đừng biến mình thành kẻ phá hoại.
3. Những hối tiếc vô nghĩa
Không chịu vạch ra mục tiêu mới mà luôn tiếc nuối vì những điều đã bỏ lỡ trong quá khứ sẽ khiến bạn chẳng thể nào hạnh phúc, vì đã không dành thời gian để tận hưởng những điều tốt đẹp trong hiện tại.
Hối hận không thể bù đắp và sửa chữa sai lầm trong quá khứ mà còn khiến bạn đau đớn ở hiện tại. Chuyện gì đã qua rồi bản thân không thể bù đắp được nữa, bình yên trong lòng quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Nhiều người khi không cứu vãn được mối quan hệ bắt đầu hành hạ bản thân như hút thuốc không ngừng, uống rượu hoặc tự đắm mình trong những thú tiêu khiển hại sức khỏe. Rõ ràng mối quan hệ đã không thể hàn gắn, lại còn hại chính bản thân mình. Hối hận không thể giúp bạn cứu vớt một người, cũng không thể bù đắp những lỗi lầm mà bạn đã gây ra trong quá khứ.
Người quá chìm đắm vào quá khứ mà không buông bỏ được là người hèn nhát, lòng dạ hẹp hòi, thiển cận. Điều đúng đắn nên làm là thừa nhận và chấp nhận kết quả, sau đó tập trung vào tương lai.
4. Luôn phàn nàn, ca thán
Người hay phàn nàn giống như trong cơ thể tồn tại một khối u ác tính, nhanh chóng lây lan và trở nặng khi tâm trạng đi xuống. Kiểm soát cảm xúc chính là liều thuốc duy nhất để thoát khỏi trạng thái này.
Với nhiều người, khi việc gì đó không đạt được như ý muốn thì thường oán trách và phàn nàn. Họ tin rằng điều này có thể giải quyết và đảo ngược được vấn đề. Tuy nhiên, mọi việc vẫn còn đó. Phàn nàn không khiến khó khăn biến mất mà chỉ tốn thời gian, khiến tâm trạng con người nặng nề không thể bình tĩnh tìm ra biện pháp giải quyết.
Có một khái niệm triết học nói rằng: “Bất cứ điều gì tồn tại đều hợp lý.” Sự đối xử bạn nhận được dựa trên xuất thân, điều kiện và lý do cho sự “tồn tại” của nó. Đừng để kêu ca phàn nàn trở thành thói quen mỗi khi bạn nói chuyện. Việc than phiền về những khó khăn trên con đường sự nghiệp của bạn chỉ chứng tỏ một điều: Bạn đang bất lực với nó.
Theo VnExpress