Mẹo để trẻ tránh xa ổ cắm điện

Sự tò mò khiến trẻ lại gần ổ điện và dí tay vào đó để khám phá, gây ra các hậu quả nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Do đó, làm thế nào để trẻ không động vào ổ điện là việc rất quan trọng.

Trước hết, cần hiểu tâm lý của trẻ khi thò tay vào ổ điện. Đây là việc mà tất cả các trẻ đều làm, do chúng muốn tự khám phá thế giới. Nếu cha mẹ phạt trẻ khi thấy chúng sờ vào ổ điện, họ đã sai. Ở trường hợp này, cần dạy để trẻ hiểu vì sao không được cho tay vào ổ điện.

Với trẻ còn nhỏ (1-3 tuổi), chưa ý thức được hành vi, bạn buộc phải che/giấu ổ điện đi. Trẻ chưa thể hiểu nguy hiểm là gì, do đó, khi thấy trẻ chuẩn bị sờ tay vào ổ điện, nên lập tức đánh lạc hướng bé bằng cách bế bé ra khỏi khu vực đó, cho bé hướng sự quan tâm, hiếu kỳ vào những thứ khác. Dùng các vật dụng như cây cảnh, giấy dán, dụng cụ che ổ điện an toàn… để bịt ổ điện lại.

Nên để các ổ điện xa tầm tay trẻ em, có thể cao hơn tầm với của trẻ một chút. Một số người sử dụng mẹo đặt ổ điện nối dài ở tầng cao của kệ, trong khi các tầng thấp hơn đặt những món đồ mà trẻ thích, khiến trẻ bị tập trung vào đó và không quan tâm tới ổ điện phía trên.

Với trẻ đã lớn hơn (từ 3 tuổi trở lên), bạn có thể có giải pháp cụ thể hơn là mô phỏng nguy cơ điện giật. Cần hiểu, cha mẹ dù bảo vệ đến đâu cũng không ngăn được sự tò mò của trẻ, vì vậy mấu chốt là phải làm cho trẻ nhận thức được sự nguy hiểm của điện và các thiết bị điện.

Khi thấy trẻ chạm tay vào nguồn điện, bạn có thể làm theo trẻ, sau đó giả vờ bị điện giật, biểu hiện khóc lóc, co giật, ngất xỉu. Lúc này, trẻ sẽ chú ý đến hậu quả của việc cho tay vào ổ điện và sợ hãi. Cha mẹ nên nhân cơ hội này giải thích kỹ hơn cho con hiểu vì sao lại xảy ra hiện tượng này. Sau đó, lấy tay trẻ, kéo lại gần ổ điện, trẻ sẽ sợ hãi rụt lại. Sau vài lần thành phản xạ có điều kiện, cứ thấy ổ điện, bé sẽ không dám mò vào.

Một phương pháp khác cha mẹ có thể giúp trẻ trải nghiệm sự đáng sợ của điện giật, trong phạm vi an toàn. Khi bát canh còn hơi nóng, bạn cho trẻ sờ một ngón tay vào để cảm nhận độ nóng. Sau đó, bạn giải thích điện giật còn đau hơn như vậy rất nhiều. Điều này khiến trẻ hiểu được tính chất nguy hiểm của việc bị điện giật và càng cảnh giác khi lại gần ổ điện, phích điện.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *