Dấu hiệu cha mẹ đang chăm con thái quá

Nhiều cha mẹ có thể dễ dàng rơi vào cái bẫy của việc chăm con cái quá mức, xuất phát từ quan điểm trẻ cần được nuôi dạy tốt nhất trong thời thơ ấu.

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Judith Locke (Mỹ) nuôi dạy con quá mức có thể được định nghĩa theo những cách sau đây.

Ảnh minh họa: CNBC.

Ảnh minh họa: CNBC

Biểu hiện đầu tiên là cha mẹ, có thể với mục đích tốt, hỗ trợ con quá mức trong các nhiệm vụ từ nhỏ đến lớn. Điều này có thể khiến đứa trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng thiết yếu.

Theo chuyên gia, điều này còn liên quan tới sự đáp ứng tình cảm một cách quá mức mà cha mẹ dành cho con. Nó được thể hiện ở mức độ yêu thương, chăm sóc, tình cảm và lời khen ngợi mà cha mẹ dành cho con cái vượt mức độ cần thiết.

Khi được khen ngợi thái quá, trẻ sẽ không quen với bất kỳ lời chỉ trích mang tính xây dựng nào, thậm chí luôn cần tới lời khen ngợi, trấn an đó thường xuyên.

Locke, tác giả của cuốn The Bonsai Child, sử dụng phép so sánh việc chăm nuôi cây cảnh bonsai để mô tả cách nuôi dạy một đứa trẻ trong một môi trường được bảo vệ quá mức, khiến chúng không thể đối phó tốt trong thế giới thực.

Một cách để kiểm tra xem bạn có đang làm quá nhiều điều cho con mình với tư cách là cha mẹ hay không là xem xét xem trẻ và những em bé cùng độ tuổi khác có sự tương đồng kỹ năng hay không. Ví dụ, nếu bạn thấy tất cả những đứa trẻ khác có thể đi cắm trại ở trường trong khi con bạn không thể, thì đó là một dấu hiệu đỏ cho thấy bạn đang chăm nuôi con thái quá.

Ngoài việc khen ngợi quá nhiều, Locke cho biết còn có những dấu hiệu khác cho thấy cha mẹ đang đáp ứng quá mức các nhu cầu của trẻ, với nỗ lực làm cho chúng luôn vui vẻ. Ví dụ, trong những ngày nghỉ, thay vì để trẻ có “không gian buồn chán”, cha mẹ tìm mọi cách lấp đầy thời gian rảnh đó của con bằng các hoạt động. Điều này vô tình cản trở sự chủ động, linh hoạt của trẻ để xoay sở một tình huống.

Biểu hiện thứ hai của sự chăm nuôi thái quá của cha mẹ là tin tất cả những gì trẻ nói. Tin rằng tất cả những gì một đứa trẻ nói cũng có thể trở thành một vấn đề, Locke chỉ ra. Ví dụ, khi con bạn về nhà và nói rằng bạn học đã bắt nạt mình, cô giáo đối xử bất công với mình, cha mẹ có xu hướng tin con hơn những người khác.

Đương nhiên, Locke cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng mỗi khi con nói dối. Bà nhận định: “Ở một mức độ nhất định, nói dối ở trẻ em thực sự là sự phát triển của kỹ năng linh hoạt, nhằm thay đổi sự thật, làm cho nó phù hợp với hoàn cảnh mà trẻ rơi vào”. Do đó, trong tình huống này, cha mẹ nên bình tĩnh để có cái nhìn khách quan với mọi vấn đề.

Biểu hiện thứ ba của việc cha mẹ chăm nuôi con thái quá là gượng ép con phát triển lòng tự trọng ở mức cao. Điều này thể hiện ở việc cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào đứa trẻ, gượng ép đứa trẻ không được quyền nhút nhát, không được quyền thua kém các bạn…

Trong cuốn sách The Optimistic Child của nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman, tác giả lập luận: “Cha mẹ không thể khiến một đứa trẻ cảm thấy tốt khi làm tốt”. Locke cũng đánh giá rằng những can thiệp của cha mẹ để yêu cầu trẻ không nhút nhát, với mong muốn rằng chúng sẽ trở nên tự tin, thể hiện sự đòi hỏi cao độ của cha mẹ.

Locke chỉ ra, trẻ em cần được phát triển 5 kỹ năng thiết yếu: khả năng phục hồi, tự điều chỉnh, linh hoạt, tôn trọng và trách nhiệm. Chuyên gia nhắc nhở các bậc cha mẹ nên nghĩ một cách nghiêm túc về cách họ giúp con, cũng là giúp mình. Cô nhấn mạnh rằng “vai trò làm cha mẹ của bạn ngày càng ít đi khi con bạn lớn lên”.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *