Mới đây, ca khúc “Đi trong mùa hè” được thể hiện bởi rapper nổi tiếng Đen Vâu và nhạc sỹ Trần Tiến đã được ra mắt nhằm cổ vũ đội tuyển Việt Nam tại SEAGAMES 31. Ca khúc này nhận được nhiều phản hồi tích cực, và được đánh giá là một ca khúc cổ động hay. Thế nhưng, phải chăng khán giả Việt đang bị cuốn vào những giai điệu bắt tai của ca khúc, mà không nhận ra rằng phần lời của “Đi trong mùa hè” đang truyền bá những tư tưởng sai lệch về tinh thần thể thao và cổ suý cho những hành động bạo lực và phân biệt giới tính?
Xuyên tạc về tinh thần thể thao?
“Đối thủ cũng như là người tình, bám theo mình theo cách đầy vấn vương
Nhưng người tình thì mong cho mình khoẻ, còn đối thủ thì muốn mình chấn thương”
Là một người hâm mộ thể thao lâu năm. Tôi chẳng thể tưởng tượng được những lời lẽ phi thể thao như thế này có thể xuất hiện trong một ca khúc cổ động cho một đội tuyển bóng đá, khi đội tuyển này thi đấu ở một Đại hội Thể thao mang tầm cỡ khu vực. Đáng lẽ, một bài hát như thế cần phải truyền tải được tinh thần thượng võ, tinh thần thể thao, chơi đẹp và sự tôn trọng đối thủ. Thế nhưng, hai câu rap này lại đang đánh đồng những vận động viên của các đối thủ của đội tuyển Việt Nam là “muốn mình chấn thương”. Câu rap này, với tôi, và với các vận động viên nước ngoài nếu họ có thể nghe và hiểu được tiếng Việt, là một sự phỉ báng, bởi nó đã phủ định hoàn toàn tinh thần thể thao và fair play của những vận động viên chuyên nghiệp.
Đối với khán giả, và nhất là những khán giả nhỏ tuổi, hoặc mới tiếp cận với thể thao, câu hát này còn tai hại hơn nữa. Với sức ảnh hưởng và độ viral của Đen Vâu, tư tưởng cạnh tranh thiếu công bằng này khi thi đấu thể thao hoàn toàn có khả năng bị bình thường hoá trong mắt khán giả. Khi mà tư tưởng “cứ Việt Nam là đá đẹp, nước ngoài là đá bẩn” ăn sâu vào suy nghĩ của những khán giả mới bắt đầu xem thể thao, thì liệu còn có ai có đủ sự tỉnh táo để nhìn nhận một cách công bằng về trình độ và nỗ lực mà vận động viên các nước bạn đã bỏ ra để giành được huy chương. Hay lúc đó, những khán giả của chúng ta sẽ lại coi đó là những chiến thắng “ăn may”, “xấu xí”, vì trong mắt họ, chỉ có đội tuyển Việt Nam là đội tuyển đá đẹp, còn lại đều đá bẩn.
Thiếu tôn trọng phụ nữ và những người không xem bóng đá, cổ suý bạo lực?
“Và khi anh nói là Việt Nam muôn năm, mong em trật tự như một người thủ thư
Lời em nói theo thống kê xác suất, tỉ lệ 1 phần triệu biến anh thành người vũ phu
Ở trên mạng anh là phe ôn hoà, đôi khi về nhà anh là phe bảo thủ
Lúc bình thường thì em là chủ nhà, nhưng khi nổi còi phải sang tên đổi chủ
Sách tử vi nói anh đại lâm mộc, nhưng xem bóng đá anh lại là lửa dễ lan
Em mà chuyển kênh, anh sẽ từ một cậu bé, hoá thân thành lực lượng vũ trang.”
Kỳ thực, khi nghe đến những dòng rap này, tôi đã tròn mắt ra và tự hỏi: “Đen Vâu đây ư?”
Tôi không hiểu tại sao một rapper nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn trong nền văn hoá đại chúng Việt Nam lại có thể viết ra những dòng rap mang nặng tính coi thường phụ nữ và cổ suý bạo lực như thế này. Nếu như ca khúc của một ca sỹ trẻ nào đó vừa mới bị cấm tuần trước vì cổ suý cho hành động nguy hiểm, thì đáng lẽ ra, ca khúc này cũng không thể được duyệt để trở thành nhạc cổ động cho một đội tuyển thể thao đang thi đấu tại SEAGAMES.
Tôi hiểu rằng Đen Vâu chưa chắc đã là người coi thường phụ nữ, và cũng chưa chắc đã có suy nghĩ xấu khi viết ra những dòng này, mà có thể máu nghệ sỹ của anh lúc viết ra nó đang phiêu quá, nên anh không giữ được sự bình tĩnh để nhìn lại chính tác phẩm của mình. Tuy thế, đúng ra, anh phải nhận ra rằng những hành động mà anh nói đến trong đoạn rap này là cực kỳ cực đoan. Nhân vật giả định trong ca khúc này ơi, anh có thể yêu bóng đá, yêu đội tuyển, nhưng làm ơn, đừng đe doạ những người phụ nữ trong đời anh bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng như “trật tự”, “vũ phu”, và nếu người bạn đời của anh có lỡ chuyển kênh khi anh xem bóng đá, mong rằng anh sẽ biết góp ý nhẹ nhàng và chuyển lại kênh như cũ, thay vì “hoá thành lực lượng vũ trang”. Hãy tôn trọng sự khác biệt, không phải ai cũng hâm mộ bóng đá, và không phải ai cũng thích theo dõi SEAGAMES.