Những người khóa tài khoản Facebook, Instagram, Twitter nói họ thấy hạnh phúc hơn, nhưng vẫn có cảm giác thiếu thốn điều gì đó trong cuộc sống.
Khi Twitter thông báo sẽ bán lại nền tảng cho tỷ phú Elon Musk, nhiều người tuyên bố sẽ khóa tài khoản. Điều tương tự cũng diễn ra trong quá khứ khi hàng loạt người dùng khẳng định từ bỏ Facebook và Instagram mỗi khi có scandal liên quan đến các mạng xã hội này xảy ra.
Tuy nhiên, ít người thực sự “cai” được mạng xã hội. Khoảng 70% người Mỹ sử dụng mạng xã hội trong năm 2021 và tỷ lệ này không thay đổi suốt 5 năm qua, theo khảo sát của Pew Research. Facebook lần đầu ghi nhận số người dùng hàng ngày sụt giảm vào quý IV/2021, nhưng con số này đã tăng trở lại trong quý vừa qua.
Một số nghiên cứu chỉ ra, bộ não sản sinh dopamine khi người dùng thấy người khác “lile” bài viết. Nhiều người gọi dopamine là “hormone hạnh phúc” bởi chúng có tác dụng tốt đối với tinh thần và thể chất. Nhưng đây cũng không phải điều tốt nếu diễn ra quá thường xuyên.
“Các cảm giác như vậy thúc đẩy người dùng tăng thời gian họ dành cho mạng xã hội”, Kate Rosenblatt, Giám đốc tại công ty trị liệu trực tuyến Talkspace, cho hay.
Những người bỏ được Facebook, Instagram và Twitter nói họ cảm thấy hạnh phúc hơn, nhưng cũng thiếu vắng một số yếu tố trong cuộc sống. Trước đây, họ có thể mở ứng dụng và lướt qua các dòng tin một cách vô thức.
“Tôi bị cuốn vào những bài viết tiêu cực và gây tranh cãi trên Twitter đến mức tôi thường xuyên mở ứng dụng và bắt đầu lướt. Tôi đã vượt qua được cảm giác đó bằng cách cất điện thoại sang chỗ khác. Sau một tuần, cảm giác thèm lướt mạng xã hội nhanh chóng biến mất”, Kimberly Katiti, nghệ sĩ 28 tuổi ở bang California, bỏ dùng Twitter từ tháng 4/2021, cho hay.
Không dùng mạng xã hội vẫn có thể kết nối với thế giới
Khởi điểm của mạng xã hội là kết nối giữa những người bạn. Tuy nhiên, các nền tảng nhanh chóng biến thành nơi chia sẻ tin tức và làm nổ ra các cuộc tranh cãi. Đi kèm với đó là sự gia tăng tin giả và hàng loạt vấn đề khác. Rời khỏi mạng xã hội thúc đẩy người dùng tìm kiếm những nguồn tin tức mới, có nghĩa là họ vẫn không bỏ lỡ những xu thế và khoảnh khắc quan trọng nếu không lướt mạng xã hội.
“Tôi tham gia Twitter năm 2008 vì nó là phương thức liên lạc mới và khác biệt. Khi đó, tôi lo sợ mình trở thành người đứng ngoài trào lưu và không liên quan đến thế giới mạng”, Christopher Britton, chủ doanh nghiệp ở bang Florida, nhớ lại.
Anh xóa tài khoản từ năm 2011 và giờ thường đọc tin tức qua Reddit và nhiều nguồn khác. “Ứng dụng nhắn tin của tôi hoạt động tốt như các mạng xã hội khi duy trì liên lạc với người quen”, Britton cho hay.
Trên Facebook và Twitter chứa đầy các bài viết thể hiện sự thù ghét, cũng như các cuộc tranh cãi nảy lửa mà người dùng khó chứng kiến ngoài đời. Khi ngừng lướt mạng xã hội và tương tác với người thật, góc nhìn của họ có thể thay đổi hoàn toàn.
“Đăng những bài viết gây sốc thật dễ dàng khi ngồi trước bàn phím. Nhưng khi gặp mặt trực tiếp, người đối diện dường như ít nghĩ tới việc đề cập những chủ đề như vậy. Bạn có thể chơi với họ thoải mái hơn khi không đọc quan điểm của họ trên mạng”, J.J. Garcia, nhà phân tích kinh doanh 54 tuổi ở bang Texas, nhận xét.
Không ai nhớ người rời đi
Kristen Womack từng hoạt động tích cực trên Facebook và Instagram. Cô điều hành nhiều hội nhóm và quản lý một tài khoản doanh nghiệp nhỏ trên các nền tảng. Nhưng dường như không ai để ý khi Womack bỏ Facebook năm 2016 và Instagram sau đó 4 năm.
“Không một ai nói rằng ‘tôi không còn thấy cô trên Facebook hay Instagram’ hay ‘tôi nhớ cô’. Khi rời khỏi đó, hoàn toàn không ai nhớ đến bạn”, Womack nói.
Những thông báo và bài viết chúc mừng sinh nhật trên Facebook cũng biến mất, nhưng đây không phải điều tồi tệ. “Vào sinh nhật tôi, có khoảng 300 người sẽ chia sẻ lời chúc và tôi phải trả lời bình luận của cả người ít quen biết. Giờ đây, những tương tác như vậy chân thật hơn. Chỉ khoảng 20 người nhắn tin vào ngày sinh nhật tôi và tôi hạnh phúc với điều đó”, Verlin Campbell, quản lý dự án IT 42 tuổi ở Los Angeles, cho hay.
Rời mạng xã hội cung mang đến nhiều thời gian rảnh rỗi, cho phép người dùng làm những điều họ ít nghĩ tới. “Tôi ngạc nhiên khi nhận ra mình lãng phí bao nhiêu thời gian lướt mạng xã hội. Bạn viết bài trên máy tính và rất dễ mất tập trung. Sau khi tách khỏi mạng xã hội, tôi thường dành thời gian nghỉ giữa công việc để đọc sách, quây quần với gia đình hoặc nấu ăn mà không chạm vào điện thoại”, Lindsey Zitzmann, cây bút 39 tuổi ở Minnesota, nói.
Tuy nhiên, cũng có những người hụt hẫng vì các mối quan hệ phai nhạt dần khi họ rời nền tảng mạng xã hội. “Thật buồn khi nghĩ đến điều đó”, Oliver Murray, họa sĩ kỹ thuật số 18 tuổi ở Arkansas, nói. Cậu mất liên lạc với một số người bạn trên mạng sau khi xóa tài khoản Instagram năm 2019. Giờ họa sĩ này chia sẻ các tác phẩm của mình trên Tumblr và Twitter, nơi không tạo ra áp lực đăng bài thường xuyên.
“Tôi thấy khó chịu với những bài viết mang vẻ ngoài phù phiếm. Điều duy nhất khiến tôi trở lại Instagram là nếu Elon Musk hủy hoại Twitter”, Murray nói.