Nga tăng gần gấp đôi doanh thu từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang Liên minh châu Âu (EU) sau 2 tháng chiến sự với Ukraine khiến Moscow hứng “bão” trừng phạt từ phương Tây.
Một nhà máy điện chạy bằng khí đốt của Đức – Ảnh: AP
Guardian đưa tin, thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho thấy, Nga đã tăng gần gấp đôi doanh thu từ việc bán nhiên liệu hóa thạch cho EU trong 2 tháng qua, kể từ khi họ mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cụ thể, Nga đã thu về 62 tỷ EUR (65 triệu USD) từ việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá trong 2 tháng qua. EU là bên đã nhập của Nga 44 tỷ EUR nhiên liệu. Trong khi đó, Nga thu được 140 tỷ EUR vào năm ngoái từ việc bán nhiên liệu cho EU, tương đương 12 tỷ EUR/tháng. Như vậy, doanh thu bán nhiên liệu của Nga cho EU đã tăng gấp đôi trong 2 tháng qua.
Kết quả này cho thấy, Nga vẫn đang thu về lợi ích từ việc châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của họ, dù chính phủ các nước đã tìm cách ngăn Moscow sử dụng các nguồn tài nguyên này như “vũ khí kinh tế”.
Dù sản lượng xuất khẩu từ Nga giảm sau chiến sự và lệnh trừng phạt, nhưng với vị thế của Moscow trong ngành năng lượng, các biện pháp hạn chế của phương Tây đã gây ra tác dụng ngược khi đẩy giá nhiên liệu lên cao trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục từ sau đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, dù Nga xuất khẩu ít hơn nhưng lại thu về nhiều tiền hơn.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích của CREA, cho biết khoản tiền này đã hỗ trợ cho ngân sách mà Nga đổ vào chiến sự với Ukraine. Ông Myllyvirta cho rằng, việc các nước tiếp tục nhập khẩu năng lượng của Nga là lỗ hổng lớn trong các biện pháp trừng phạt với Moscow và cách để “vá” lỗ hổng này là các nước cần sớm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Đức là nhà nhập khẩu lớn nhất năng lượng Nga trong 2 tháng qua, với khoảng 9 tỷ EUR. Italy và Hà Lan cũng nhập khẩu của Nga lần lượt là 6,8 tỷ EUR và 5,6 tỷ EUR.
Theo Guardian