Khóa thẻ tín dụng, bớt thanh toán bằng ví điện tử là hai trong số những cách giúp người trẻ tiết kiệm khi vật giá leo thang vẫn không rơi vào cảnh nợ nần.
Cắt giảm những khoản lãng phí hoặc không cần thiết giúp người tiêu dùng trẻ tiết kiệm, hạn chế lạm chi, nhất là trong khoảng thời gian thu nhập không đổi, các sinh hoạt phí đang trên đà gia tăng và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Hủy các gói dịch vụ giải trí trực tuyến
Với nhu cầu giải trí thường xuyên, người trẻ thường đăng ký các gói dịch vụ trực tuyến phổ biến trên mạng để xem phim, truyền hình trực tuyến.
Tuy nhiên, không ít người mua theo phong trào và thời gian thực sự dùng các dịch vụ này ở mức ít ỏi, không nhiều như họ tưởng tượng khi nhấn nút đăng ký. Trong khi đó, hàng tháng hệ thống vẫn tự động trừ tiền của người dùng.
Chi phí trung bình cho các dịch vụ trực tuyến thường dao động trong khoảng vài chục đến vài trăm nghìn, tùy thuộc vào gói cước người sử dụng lựa chọn. Nhân lên với mỗi tháng, con số phải trả ở mức đáng kể.
Để tránh khoản lãng phí không đáng có này, người dùng nên sớm ấn nút hủy đăng ký nếu thấy mình không có nhu cầu gia hạn hoặc hiện không có nhiều thời gian sử dụng. Đa số dịch vụ giải trí trực tuyến không tính phí hủy và bạn có thể đăng ký lại tài khoản khi nào bạn muốn.
Tuy nhiên, hãy đọc kỹ và làm theo đúng hướng dẫn của từng nền tảng, tránh trường hợp mới chỉ đăng xuất khỏi tài khoản hoặc xóa ứng dụng, đồng nghĩa với việc vẫn bị trừ phí như thông thường.
Khóa thẻ tín dụng
Với chức năng hỗ trợ người dùng thanh toán các khoản dù trong tài khoản không có sẵn tiền, thẻ tín dụng có thể như con dao 2 lưỡi trong việc chi tiêu.
Việc mua trước trả sau vô tình khuyến khích người trẻ chi tiêu vượt quá khả năng với suy nghĩ chỉ mất một ít tiền.
Khi trả nợ đủ và đúng hạn, bạn sẽ không bị tính phạt hoặc tính lãi. Mặc dù có thể lựa chọn trả khoản thanh toán tối thiểu, việc này rất dễ kéo bạn vào bẫy nợ. Phần dư chưa trả sẽ bị tính lãi và tăng chồng chất theo thời gian.
Ngoài ra, thanh toán thẻ tín dụng trễ hạn còn làm giảm điểm tín dụng của bạn. Trong thời buổi tăng giá, việc khóa thẻ để vừa tránh tiêu xài hoang phí lẫn cảnh nợ nần là điều nên làm với những ai nghiện mua sắm.
Hạn chế thanh toán bằng ví điện tử
Thanh toán qua ví điện tử ngày càng được ưa chuộng bởi tính tiện lợi, đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi giảm giá, hoàn tiền.
Tuy nhiên, vì không cần tự tay trả tiền mặt như truyền thống, nhiều người rơi vào tình huống “xuống tiền” một cách thoáng tay và khó kiểm soát hơn khi dùng ví điện tử. Càng ít sử dụng tiền mặt, người tiêu dùng càng khó theo dõi mình đang chi tiêu bao nhiêu.
Một số ví điện tử còn có tính năng ví trả sau, tương tự thẻ tín dụng, làm trải nghiệm mua sắm càng thoải mái hơn, hạn chế cảm giác mất mát khi phải chi tiền ngay lập tức.
Để khắc phục, bạn nên giới hạn hạn mức thanh toán mỗi tháng hay mỗi ngày trong ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng liên kết với ví. Hành động này giúp giảm thiểu trường hợp bạn lạm chi mà không ý thức được.
Giảm mua sắm online
Việc “dạo chơi” trên các sàn thương mại điện tử rất dễ đẩy người trẻ vào bẫy mua sắm bởi vô số các yếu tố hấp dẫn như deal hời, voucher ưu đãi, ngày hội giảm giá, mua 1 tặng 1.
Tâm lý sợ bỏ lỡ cùng niềm tin rằng mình đang mua với giá “hời” chính là lý do thúc đẩy chúng ta bỏ hàng vào giỏ, nhanh chóng thanh toán mà không suy nghĩ kỹ liệu mình có thực sự cần món đồ đó hay không.
Các sàn thương mại điện tử đã và đang tận dụng rất tốt tâm lý này để thúc đẩy người dùng chi tiền nhiều hơn.
Giải pháp cho những phút giây mua sắm bốc đồng là lên danh sách từ trước những món đồ cần mua dựa trên độ cần thiết của chúng với bản thân, tránh sa đà vào những món giảm giá khác.
Hoặc để ngăn việc mua sắm online không kiểm soát diễn ra, cách tốt nhất là xóa ứng dụng, đứng bên ngoài những ngày hội săn sale.
Ghi chép mọi khoản chi tiêu
Sử dụng sổ tay, ghi chú, Excel, các ứng dụng quản lý tài chính hay bất cứ công cụ nào bạn thấy quen thuộc, dễ dùng.
Thói quen này là lời khuyên phổ biến cho những người muốn quản lý tốt hơn ví tiền của mình và thực hành tiết kiệm. Trong bối cảnh vật giá leo thang, việc ghi chép càng trở nên cần thiết để tránh tình trạng “rỗng ví”, “cháy túi”.
Việc ghi lại các con số cụ thể giúp bạn nhận thức rõ mình đang tiêu bao nhiêu, còn lại bao nhiêu, khoản nào đang có xu hướng tốn kém, cần cắt giảm, từ đó tính toán, cân đối lại phương án chi tiêu.
Các ví điện tử và thẻ ngân hàng đều ghi lại những khoản giao dịch. Ngoài ra, hãy giữ tất cả hóa đơn để đảm bảo không bỏ sót khoản nào.
Nếu cảm thấy chi tiêu hàng ngày của mình có quá nhiều khoản lẻ tẻ và không thể kiểm soát, hãy tắt ví điện tử và cất thẻ tín dụng ở nhà. Thay vào đó, hãy sử dụng tiền mặt để kiểm soát xem bạn đang thật sự chi tiêu cho thứ gì.