1. Kết thúc thoả thuận, Musk đóng tiền phạt phá hợp đồng
Theo lý thuyết, đây là lựa chọn nhẹ nhàng nhất cho các bên. Không cần kiện tụng và Musk đồng ý trả mức phí phá hợp đồng trị giá 1 tỷ USD, còn Twitter giữ định giá thấp hơn đáng kể so với 44 tỷ USD.
Tuy nhiên, “Chim xanh” đang có lợi thế về mặt pháp lý khi Musk tự ràng buộc vào đề xuất mua lại 54,20 USD/cổ phiếu. Ngoài ra, việc để CEO Tesla rút lui khỏi thương vụ sẽ đẩy giá cổ phiếu công ty xuống thấp hơn nữa.
2. Twitter thắng kiện, Musk phải mua công ty
Chưa từng có tiền lệ liên quan cái gọi là “hiệu suất cụ thể” để dừng một thoả thuận lên tới 44 tỷ USD. Ngược lại, tiền lệ yêu cầu bên mua thực hiện cam kết dù họ không muốn, thì có rất nhiều.
Năm 2001, toà án Delaware Chancery đã ra phán quyết công ty Tyson Foods phải mua IBP Inc, nhà phân phối thịt bò lớn nhất nước Mỹ với mức giá thoả thuận ban đầu là 30 USD/cổ phiếu. Tyson cố gắng rút khỏi thương vụ sau khi kết quả tài chính của cả 2 giảm sút so với thời điểm ký kết hợp đồng, tương tự như trường hợp của Musk.
Trong trường hợp này, cổ đông Twitter là người hưởng lợi nhiều nhất nhưng nền tảng này và các nhân viên của nó sẽ đối mặt với tương lai đầy biến động, khi công ty có thể trở thành món hàng sang tay nhiều chủ khác.
3. Twitter thắng kiện, Musk bồi thường thiệt hại
Cũng có khả năng thẩm phán sẽ lựa chọn phương án Musk bồi thường thiệt hại thay vì bắt buộc sở hữu, nhất là khi tỷ phú này nổi tiếng “lắm chiêu”. CEO Tesla hoàn toàn có thể biến quá trình chuyển đổi quyền sở hữu trở nên khó khăn gây ra thiệt hại tài sản thế chấp to lớn.
4. Musk dàn xếp với Twitter
Trong trường hợp này, Musk có thể đồng ý trả 1 tỷ USD phí phá hợp đồng và thoả thuận trả thêm vài tỷ USD cho phía “Chim xanh”. Số tiền sẽ phải đủ lớn để hội đồng quản trị Twitter có thể thuyết phục các cổ đông rằng, nhận tiền bồi thường sẽ tốt hơn việc theo đuổi kiện tụng kéo dài.
5. Musk thắng kiện, không mất phí phá hợp đồng
Nếu Musk chứng minh được Twitter đã cung cấp thông tin sai lệch che đi những chi tiết có thể tác động hữu hình đến công ty, tỷ phú này có thể thắng kiện mà không mất 1 tỷ USD bồi thường.
Matt Levine từ Bloomberg giải thích, nếu thẩm phán nghiêng về lập luận cho rằng Twitter không cung cấp đầy đủ thông tin như đã hứa, Musk cũng có thể được tuyên thắng kiện.
6. Musk thay đổi ý định
CEO Tesla là một nhân vật khó lường. Chỉ trong vài tháng, Musk liên tục có nhiều pha “quay xe”: Từ đồng ý 1 ghế trong hội đồng quản trị nhưng ngay sau đó rút lui, cho tới thông báo tạm ngưng thoả thuận rồi lại tiếp tục huy động tiền cho thương vụ.
Do đó không loại trừ khả năng tỷ phú này lại thay đổi quyết định 1 lần nữa. Musk có thể lấy thêm thông tin của Twitter về tài khoản spam rồi thông báo rằng hài lòng với dữ liệu và tiếp tục cuộc mua bán.
7. Hai bên thoả thuận giảm giá
Động thái của Musk có thể là chiến thuật trả giá để yêu cầu Twitter phải giảm giá. Thị trường, đặc biệt là cổ phiếu nhóm công nghệ và truyền thông đã suy giảm đáng kể từ thời điểm tỷ phú này đồng ý mua lại nền tảng mạng xã hội.
Hai bên có thể sẽ đàm phán một mức giá khác thấp hơn, nhưng kèm phí phá hợp đồng khổng lồ để trói chân CEO Tesla.
8. “Hoàng tử” xuất hiện mua lại Twitter
Một công ty khác có thể nhảy vào đưa ra đề nghị mua lại với giá thấp hơn 54,20 USD/cổ phần. Ban lãnh đạo Twitter có thể lập luận rằng thoả thuận mới chắc kèo hơn so với việc tham gia cuộc đấu pháp lý với Musk.
Dù vậy, kịch bản này chỉ có nhiều khả năng xảy ra sau khi vụ kiện tụng chấm dứt, khi Twitter thua kiện hoặc phải dàn xếp.