Khoảng trống lớn ông Abe để lại trong chính trường Nhật Bản

Vụ ám sát Shinzo Abe, người có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản, để lại khoảng trống lớn khó bù đắp trong nền chính trị và dân chủ nước này.

Cựu thủ tướng Shinzo Abe qua đời ngày 8/7 ở tuổi 67 tại Bệnh viện Đại học Y Nara, tỉnh Nara, sau khi bị bắn lúc đang phát biểu. Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản trong hàng chục năm qua.

Michael MacArthur Bosack, cố vấn đặc biệt về quan hệ chính phủ tại Hội đồng Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương Yokosuka, đánh giá vụ ám sát là đòn giáng đối với nền chính trị Nhật Bản, để lại vết sẹo cũng như khoảng trống rất lớn trong tương lai.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi khai trương sân vận động mới ở Tokyo vào tháng 12/2019. Ảnh: Reuters.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi khai trương sân vận động mới ở Tokyo vào tháng 12/2019. Ảnh: Reuters

Với nhiều người nước ngoài, ông Shinzo Abe có thể chỉ là một cựu thủ tướng. Nhưng với những ai đã sống ở Nhật từ năm 2012, Abe vẫn thường xuyên hiện diện trên truyền hình, trong các sự kiện lớn hay trên những tấm áp phích vận động bầu cử.

Với các nhà quan sát, việc ông Abe từ chức năm 2020 không làm suy giảm ảnh hưởng. Bosack cho hay mọi khía cạnh của đời sống chính trị Nhật Bản dường như vẫn liên quan đến cựu thủ tướng.

Là lãnh đạo phe lớn nhất trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền từ tháng 11/2021, ông đã tham gia nhiều hơn vào các quyết định chính sách của chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida, đóng vai trò như “người gác cổng” và phản biện, theo Bosack.

Vụ ám sát để lại khoảng trống rất lớn trong LDP. Phe lớn nhất trong đảng do ông Abe lãnh đạo sẽ phải tìm một người dẫn dắt mới. Cánh bảo thủ của đảng cũng mất đi người có ảnh hưởng nhất, trong khi LDP không còn một “người gác cổng” vững vàng. “Nói cách khác, bối cảnh chính trị đã thay đổi hoàn toàn với đảng cầm quyền Nhật Bản sau biến cố này”, chuyên gia Bosack nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, em trai ông Abe, gọi vụ ám sát là “cuộc tấn công vào nền dân chủ”. Khẩu hiệu “chúng tôi muốn dân chủ, không phải bạo lực” đồng loạt xuất hiện trên truyền thông Nhật Bản ngay sau vụ ám sát.

Người Nhật không cho rằng đây là một vụ giết người ngẫu nhiên như thường thấy ở Mỹ. Họ có hai lý do để cho rằng động cơ gây án là rõ ràng khi nạn nhân là cựu thủ tướng và thời điểm xảy ra là trước cuộc bầu cử Thượng viện hai ngày.

Sự tương phản giữa Mỹ và Nhật Bản rất rõ rệt. Năm 2018, Nhật báo cáo 9 trường hợp tự sát bằng súng, trong khi Mỹ là 39.740 ca tử vong vì súng đạn, theo dữ liệu của Trường Y tế Công cộng Đại học Sydney.

Japan Times thậm chí cho biết họ dự định có một bài xã luận chỉ trích bạo lực súng đạn của Mỹ hiện tại. Trong bài viết thay thế về vụ ám sát ông Abe, tờ báo lưu ý rằng trong một nền dân chủ, “vụ ám sát cựu thủ tướng là cuộc tấn công vào tất cả chúng ta”.

Việc một chính trị gia bị sát hại luôn gây chấn động, nhưng cái chết của cựu thủ tướng Abe đã gây tác động to lớn ở cả trong nước và chính trường thế giới. Ông là người đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ rất thân thiết giữa Nhật với Mỹ.

Chỉ vài ngày sau khi cựu tổng thống Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016, ông Abe đã đến New York và trở thành lãnh đạo đầu tiên gặp trực tiếp tổng thống Mỹ tại Tháp Trump ở New York.

Quan hệ Mỹ – Nhật được củng cố, nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên. Trong tuyên bố ngày 8/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ca ngợi ông Abe là “đối tác phi thường”, người đã đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi ông Abe là “thủ tướng vĩ đại, người đã nỗ lực để mang lại sự cân bằng cho thế giới”.

Dù ông Abe có quan điểm cứng rắn và quyết liệt với Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên bày tỏ chia buồn với Nhật Bản, nói “chúng tôi rất sốc trước sự cố bất ngờ. Cựu thủ tướng Shinzo Abe đã góp phần cải thiện và phát triển quan hệ Trung – Nhật”.

Tại quê nhà, chính sách “Abenomics” nổi tiếng của ông Abe đã giúp khởi động nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều năm trì trệ. Tuy nhiên, chính sách nổi bật của ông lại tập trung vào quốc phòng. Ông Abe muốn Nhật Bản có quân đội mạnh mẽ, chứ không phải lực lượng “tự vệ” chịu nhiều ràng buộc theo hiến pháp hòa bình.

Với những vết sẹo chiến tranh chưa lành, kế hoạch tăng cường sức mạnh quân đội của ông đã vấp phải phản đối gay gắt từ dư luận và ông Abe không thể thúc đẩy thay đổi hiến pháp. Với sự ra đi của ông Abe, những nỗ lực này dường như càng trở nên mờ mịt.

“Chúng ta đang sống trong thời kỳ phân cực chính trị, xã hội bất ổn và bạo lực ngày càng gia tăng. Ngay cả Nhật Bản, nước theo chủ nghĩa hòa bình và gần như không có súng đạn, cũng trải qua điều đó. Sự ra đi của ông Abe là mất mát lớn của không chỉ Nhật Bản, phần còn lại của thế giới cũng cảm thấy điều đó”, Frida Ghitis, nhà phân tích của CNN, chia sẻ.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *