Cách phát hiện tiềm năng thể thao của trẻ

Trẻ có thể thích xem chương trình thể thao; bộc lộ năng khiếu về sức mạnh, sức bền, sự khéo léo trong các môn bóng đá, bóng rổ, thể dục nhịp điệu.

Trẻ năng động, khỏe mạnh có thể giúp phòng tránh nhiều bệnh tật, tăng cường sức khỏe để học tập tốt hơn. Một trong những cách rèn luyện sức khỏe cho trẻ là qua hoạt động thể thao. Bên cạnh tiềm năng về ngôn ngữ, âm nhạc, toán học…, một số trẻ cũng có thể bộc lộ năng khiếu thể thao từ sớm.

Cha mẹ có thể nhận thấy con yêu thích một vài trò chơi vận động, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ… và hòa mình cùng bạn bè mà không chán. Bé có thể giữ được sức bền, sự dẻo dai tốt hơn các bạn khác trong các cuộc chạy đua ở lớp, trường… Sự khéo léo qua các môn như aerobic, yoga… cũng có thể bộc lộ sớm ở các bé. Một số khác có thể hứng thú hơn khi xem các chương trình thể thao cùng cha mẹ trong nhiều giờ liền.

Không giống như các chỉ số đo lường trí thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ, năng khiếu thể thao của bé khó có thước đo chính xác. Ngoài việc quan sát các biểu hiện của trẻ, hiện nay, một số nhà khoa học còn nhận thấy gene có ảnh hưởng.

Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh, tư vấn di truyền tại công ty Genetica cho biết, tiềm năng thể thao của trẻ có thể xem xét trên các khía cạnh như sức bền, sức mạnh, nguy cơ chấn thương, khả năng phục hồi… Một số gene di truyền có liên quan đến khả năng chịu đựng và sức mạnh của con người. Bên cạnh các yếu tố như dày công tập luyện, một số vận động viên thể thao có những gene giúp họ đạt kết quả tốt, nổi bật như ACTN3.

Bác sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, ACTN3 còn gọi là “gene tốc độ”, giúp sản sinh ra một loại protein có trong cơ bắp là alpha-actinin-3. Protein này điều khiển các sợi cơ nhanh, khỏe và tế bào chịu trách nhiệm cho sự co duỗi cơ tốc độ cao trong quá trình vận động, chẳng hạn như chạy nước rút, cử tạ… Để tìm hiểu tiềm năng thể thao của trẻ, các nhà di truyền có thể khảo sát gene ACTN3 và các gene liên quan đến sức mạnh – sức bền cơ bắp khác như ACTN3, AGT, AGTR2, AMPD1, NOS3…

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng (Australia) đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, kiểu gene ACTN3 có liên quan đến thành tích thể thao nổi bật của một người. Còn theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Tây Ban Nha năm 2020, việc thiếu hụt protein alpha-actinin-3 có ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích thể thao như hiệu suất chạy nước rút, khả năng chống lại các bài tập gây hại cho cơ thấp hơn. Một người mang nhiều biến thể có lợi của gene AGT có khả năng điều hòa glucose khi tập luyện tốt hơn so với người khác. Từ đó, người này có thể giảm mệt mỏi và cải thiện hiệu suất sử dụng cơ từ các bài tập.

Trẻ có thể bộc lộ năng khiếu khi chơi các môn thể thao. Ảnh: Freepik

Trẻ có thể bộc lộ năng khiếu khi chơi các môn thể thao. Ảnh: Freepik

Để tìm hiểu về khả năng sức mạnh của trẻ, các đơn vị di truyền, chẳng hạn như Genetica phân tích 29 gene để xem xét cách cơ bắp tạo ra lực trong các chuyển động nhanh và mạnh; các mạch máu sử dụng oxy như thế nào trong các hoạt động cần sức mạnh. Phân tích các gene có liên quan nhằm xác định cách thức cơ thể tạo ra các protein mô liên kết nhanh và hiệu quả, giúp sửa chữa các tổn thương trong cấu trúc của dây chằng, gân và sụn. Các gene còn có ảnh hưởng đến cách hệ miễn dịch đáp ứng nhanh, hiệu quả với những căng thẳng do tập luyện và cách cơ thể kiểm soát tình trạng viêm.

Hiểu rõ các vấn đề liên quan đến tiềm năng thể thao do gene chi phối giúp cha mẹ có thể định hướng, đưa ra lời khuyên hữu ích để cải thiện thành tích tập luyện cho trẻ. Dưới sự tư vấn của các huấn luyện viên, cha mẹ giúp con thiết lập kế hoạch tập luyện nếu có định hướng trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy gene có ảnh hưởng đến tiềm năng thể thao và có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mỹ Hạnh, để trẻ đạt được thành tích tốt trong thể thao, phụ huynh không chỉ dựa vào yếu tố di truyền. Bởi đây là quá trình trẻ cần phấn đấu để rèn luyện, luôn nỗ lực và không bao giờ bỏ cuộc. Cha mẹ cũng nên đồng hành, hỗ trợ trẻ bằng những bữa ăn đủ chất, ngủ đủ giấc…

Cha mẹ có thể khuyến khích cho trẻ hình thành thói quen tập thể dục phù hợp với lứa tuổi và yêu thích các môn thể thao từ sớm. Chẳng hạn, trẻ 6 tuổi có thể phù hợp với các hoạt động vận động tự do như chạy nhảy, đá banh, bơi lội, bóng rổ…. Các bé từ 6 tuổi trở lên có thể tăng cường các bài tập luyện chú trọng vào khả năng kết nối, giữ thăng bằng. Các hoạt động tập thể như bóng rổ, bóng đá…. dạy cho trẻ từ 8 tuổi trở lên các bài học về tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh. Dù trẻ có hay không có định hướng theo đuổi đam mê này, song con siêng năng vận động sẽ khỏe khoắn, năng động, tránh thừa cân và nhiều bệnh tật khác.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *