Những sai lầm dễ dẫn đến đột quỵ

Tắm đêm, xông hơi sau khi uống rượu và vận động sai cách là những trường hợp dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), đột quỵ thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết hàng loạt trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

Bác sĩ Liệu chia sẻ thêm, tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca bị đột quỵ. Bệnh có xu hướng trẻ hóa, có thể xuất hiện ở những người độ tuổi 20, 30. Không ít người bị đột quỵ vì những sai lầm trong sinh hoạt thường ngày mà không lường trước được. Dưới đây là 3 tình huống dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Tắm sai cách

Nhiều trường hợp tắm sai cách như tắm đêm, đi nhậu về khuya hay đang đi ngoài trời nắng gắt về nhà tắm lạnh ngay dễ dẫn đến đột quỵ.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, khi cơ thể đang ở nền nhiệt cao như vừa đi hay hoạt động ngoài trời quá nắng, các lỗ chân lông mở rộng để bài tiết mồ hôi và các mao mạch đang giãn nở để tỏa nhiệt. Nếu cơ thể gặp nước lạnh, thân nhiệt sẽ giảm xuống nhanh, các vi mạch và nang lông lập tức co lại ngăn chặn quá trình lưu thông máu. Hậu quả là dễ gây ra rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng và hình thành cơn đột quỵ.

Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo, sau khi đi nắng về, bạn nên ngồi nghỉ ngơi 15-30 phút để cơ thể dần lấy lại mức nhiệt ổn định, các lỗ chân lông co lại, mồ hôi ráo hẳn thì mới nên tắm. Về tắm khuya, nhiệt độ đêm khuya thường giảm xuống thấp, ngay cả tắm nước ấm cũng có thể làm giãn tĩnh mạch và tụt huyết áp. Nếu phải tắm đêm thì bạn không nên tắm sau 21h bất kể tắm với nước nóng hay lạnh.

Tắm khuya có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Shutterstock

Tắm khuya có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Shutterstock

Người đi nhậu về tắm đêm cũng có nguy cơ gây đột quỵ. Nếu tắm nước nóng sẽ khiến nhiệt tích tụ trong cơ thể không được thoát ra, tăng thêm cảm giác say rượu, dễ dẫn đến nôn mửa, ngất xỉu. Tắm ngay sau khi uống rượu dễ khiến huyết áp tăng hoặc giảm bất thường, rất nguy hiểm. Đối với những bệnh nhân cao huyết áp, hành vi này có nguy cơ đột tử cao. Nếu có uống bia rượu thì nên để cơ thể nghỉ ngơi ít nhất 2-3 tiếng rồi mới tắm.

Xông hơi sau khi uống rượu

Bác sĩ Minh Đức chia sẻ thêm, xông hơi với suy nghĩ giúp giải rượu, tỉnh táo là quan niệm chưa đúng. Uống nhiều rượu sẽ làm giãn mạch, khi gặp hơi nóng đột ngột mạch máu sẽ giãn to hơn, tăng nhịp tim, choáng váng, khó thở. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong.

Xông hơi khi đang say hoặc uống nhiều bia rượu nếu không kiểm soát được nhiệt độ sẽ bị bỏng trong phòng kín do khí nóng hoặc hơi nóng gây nên. Bệnh nhân không chỉ bị bỏng ngoài da mà còn có thể bị cả bỏng đường hô hấp. Khi xông hơi hoặc massgae, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như ngộp thở, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn… thì bạn nên ngừng ngay và liên hệ bác sĩ hoặc đến bệnh viện.

Tập luyện quá sức

Vận động, tập luyện thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu người tập không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị các bệnh lý tiềm ẩn thì có thể gây chấn thương, các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp; có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, đột quỵ…

Bác sĩ Minh Đức khuyên người bình thường trước khi tập luyện một môn thể thao bất kỳ cần phải kiểm tra sức khỏe. Bạn có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc bác sĩ nội thần kinh, tim mạch để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý tiềm ẩn nào không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, tiểu đường, cơ xương khớp… Nếu sức khỏe có vấn đề gì bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị và lựa chọn môn thể thao và cường độ tập phù hợp, phòng tránh nguy cơ đột quỵ hoặc các bệnh lý khác có thể xảy ra.

Khởi động, tập luyện đúng cách để tránh chấn thương, nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Shutterstock

Khởi động, tập luyện đúng cách để tránh chấn thương, nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Shutterstock

Bạn cần sắp xếp thời gian tập luyện phù hợp, tránh tập quá sức khi trời quá lạnh, quá nóng, đủ giữ ấm cơ thể (khi tập vào mùa đông) hoặc làm thông khí, thoáng mát cơ thể (khi tập vào mùa hè), phòng tránh chấn thương đầu trong khi tập… Trong quá trình tập, nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng hay tụt… bạn cần nghỉ ngay và nhanh chóng đi khám, điều trị kịp thời.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *