Sếp tinh tế và sáng tạo, nhân viên sẽ luôn muốn đi team building

Theo những người làm ở bộ phận nhân sự, sếp cần xác định ý tưởng, mục đích của hoạt động tập thể là gì. Khi đủ vui vẻ và hứng thú, nhân viên sẽ luôn chủ động tham gia.

Hoat dong team building anh 1

Vừa đi làm 2 tháng, Thanh Mai (23 tuổi), nhân viên công ty nhập khẩu và phân phối thực phẩm tại quận Long Biên, Hà Nội, có 2 chuyến team building với công ty.

Chia sẻ với Zing, Mai cho hay là nhân viên mới, cô muốn tham gia các hoạt động tập thể để nhanh chóng hòa nhập và thân thiết hơn với mọi người. Bên cạnh đó, sự thoải mái và cởi mở của cấp trên, đồng nghiệp cũng là động lực để cô đăng ký.

“Đi team building là tự nguyện. Sếp cũng động viên, khuyến khích mọi người tham gia theo tinh thần gắn bó với nhau thay vì để đạt chỉ tiêu. Ban đầu, mình chỉ định đi vì không muốn bị đánh giá là không hòa đồng. Thế nhưng khi tham gia, mình thấy không khí thoải mái, vui vẻ và hiểu thêm tính cách mọi người, cảm nhận được mình là một phần của tổ chức nên khi quay trở lại làm việc cũng dễ dàng hơn”, cô nói.

Theo Mai, để team building thật sự thu hút nhân viên tham gia, yếu tố cần thiết là kịch bản hấp dẫn, cân đối các hoạt động vui chơi và nghỉ ngơi, địa điểm phù hợp.

Cô cho rằng điều quan trọng hơn là leader tạo cảm hứng. Bởi trong tập thể, chỉ cần 1-2 cá nhân không tham gia mà không có lý do chính đáng cũng dễ làm người khác thấy chán nản.

Chủ động tham gia

Anh Nguyễn Tường Phú, Giám đốc Bancassurance Nam A Bank, nhận định team building đóng vai trò khá quan trọng trong một tổ chức. Đây là dịp để mọi người gắn kết, hiểu về tính cách nhau thông qua các hoạt động để qua đó phối hợp, hỗ trợ cho công việc sau này tốt hơn. Ngoài ra, nó cũng nằm trong chính sách phúc lợi dành cho nhân viên.

Theo anh Phú, nhà tổ chức team building cần xác định ý tưởng, mục đích hướng tới là gì để tạo ra sự đồng lòng trong nội bộ. Nếu lần đầu tiên thấy vui và hứng thú, nhân viên sẽ chủ động tham gia những lần sau.

Team building phụ thuộc vào mục đích của nhà tổ chức là gì, ví như nhằm gắn kết, xả stress hay khơi dậy sự sáng tạo ở mọi người. Với mỗi chủ đích, công ty có thể tìm đơn vị tổ chức giúp hiện thực hóa ý tưởng của mình và đưa ra trò chơi phù hợp.

Chị Đỗ Ngọc Duyên, công tác ở bộ phận HR (nhân sự) của một công ty viễn thông tại Hà Nội, cho biết các hoạt động chăm sóc tinh thần cho cán bộ nhân viên (CBNV) thường được phòng hành chính nhân sự (HCNS) tổ chức theo từng quý trong năm.

Công ty đề cao tính nghỉ dưỡng vì bình thường, tần suất công việc nội bộ đã chiếm khá nhiều thời gian của mọi người. Bên cạnh đó, các hoạt động khác kèm theo cũng được đan xen như trò chơi tập thể, mini game vào tiệc tối.

Theo chị Duyên, khoảng 95% CBNV tham gia khá nhiệt tình trong tất cả chuyến đi của công ty. 5% còn lại không thể tham gia thường do hoàn cảnh như có con nhỏ, gia đình có việc riêng… và cảm thấy tiếc nuối.

Là người tổ chức, chị Duyên cảm nhận đa số CBNV đều hào hứng và tham gia với tinh thần tích cực, không có tình trạng chê bai để ảnh hưởng tới tinh thần chung của mọi người. Nếu có, họ sẽ góp ý trên tinh thần chân thành, cởi mở để các chuyến đi sau được tổ chức tốt hơn.

“Để xây dựng thành công chương trình team building hay các hoạt động gắn kết khác, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất là văn hóa doanh nghiệp, rồi tới nội dung chương trình. Ở công ty có văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và thân thiện, CBNV đi làm với tinh thần luôn thoải mái và thường không phải chịu áp lực từ phía đồng nghiệp hay ‘drama’ công sở. Bởi vậy, team building là dịp để mọi người vui vẻ với nhau hơn nữa. Ngược lại, trong các đơn vị có nội bộ lục đục và bất ổn, dù nội dung team building là gì, đa số vẫn khó chịu, không hào hứng và trở nên ghét các hoạt động của công ty”, chị nói.

Hoat dong team building anh 5
Theo chị Duyên, chương trình gắn kết thành công sẽ có ban tổ chức thực sự để tâm, sâu sát và thấu hiểu tới toàn thể CBNV trong chuyến đi.

Chị Duyên cho rằng nội bộ công ty nào cũng có nhân sự không thích tham gia team building. Lúc này, vai trò của người tổ chức cần được sâu sát hơn, ví như hiểu tính cách của từng người để thiết kế trải nghiệm phù hợp với họ hoặc biết ai đó dị ứng món ăn nào thì khi lên menu nên lưu ý. Qua đó, mọi người sẽ cảm thông và ghi nhận sự quan tâm của ban tổ chức chương trình.

“Khi lãnh đạo, quản lý hiểu tâm tư của CBNV, việc tổ chức các chương trình nghỉ dưỡng hay gắn kết sẽ rất hiệu quả. Ví dụ, thời điểm này tất cả nhân sự đang làm việc rất căng thẳng, người tổ chức không nên yêu cầu mọi người tham gia văn nghệ để góp vui cho chương trình vì như vậy sẽ làm cho họ trở nên áp lực và không muốn tham gia. Hoặc đơn giản như chị em phụ nữ thì hay bị say xe, ban tổ chức nên chuẩn bị thuốc say xe để ai có nhu cầu sẽ có sẵn để hỗ trợ. Khi sự chu đáo được thấu hiểu, chuyến đi nào cũng sẽ trở nên hào hứng cho tất cả”, chị nói.

Phẩm chất lãnh đạo cần thiết

Theo Stray Boots, team building là quá trình liên tục tại nơi làm việc. Leader (người lãnh đạo) đóng vai trò then chốt trong việc này. Về cơ bản, họ có trách nhiệm đưa nhân viên xích lại gần nhau như một tập thể gắn kết.

Có sự khác biệt lớn giữa việc trở thành ông chủ và người lãnh đạo. Bởi lẽ, ông chủ chỉ biết ra lệnh, còn leader thì dẫn dắt nhân viên.

Mối quan hệ truyền thống giữa ông chủ – nhân viên thường diễn ra như sau: sếp chỉ đạo cấp dưới cần làm gì và khi nào thực hiện. Thay vào đó, leader giỏi là những người áp dụng phương pháp làm việc nhóm (teamwork) để giải quyết vấn đề và hoàn thành công việc hiệu quả nhất.

Thực tế, team building là phẩm chất lãnh đạo quan trọng. Leader làm việc hiệu quả có vài đặc điểm cơ bản như giao tiếp tốt, đáng tin cậy và nuôi dưỡng mối quan hệ với nhân viên của mình.

Hoat dong team building anh 6
Leader giỏi không chỉ điều phối teamwork khéo léo tại công sở mà còn tổ chức các hoạt động team building thú vị để gắn kết nhân viên.

Team building không bị giới hạn trong các cuộc họp và thảo luận hàng ngày. Hoạt động hiệu quả nhất là đưa nhân viên ra khỏi văn phòng và tổ chức các trò chơi thú vị. Những loại hoạt động này có thể giúp nhân viên hiểu nhau hơn trong môi trường mới, tăng cường sự kết nối giữa họ.

Những thử thách cũng có tác dụng mở rộng kỹ năng của mọi người khi phải đối mặt với vấn đề mới cần giải quyết.

Team building có thể là công cụ phá băng hiệu quả cho nhân viên mới hoặc thổi luồng sinh khí cho nhân sự đã gắn bó một thời gian.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *