Hơi thở có mùi đôi khi không phải bởi thức ăn mà có thể từ các dấu hiệu sức khỏe khác như sỏi amidan, suy thận,…
Nhiều nguyên nhân gây hôi miệng có thể dễ dàng giải quyết. Tuy nhiên, đôi khi hơi thở có mùi phản ánh một tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những vấn đề sức khỏe là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản và viêm xoang là những nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng. Theo các nhà khoa học lý giải, khi cơ thể bị nhiễm trùng đường hô hấp sẽ phá vỡ hoặc làm viêm các mô trong hệ thống hô hấp. Điều này khiến cơ thể thể kích hoạt sản xuất các chất nhầy gây chảy dịch mũi. Dịch mũi khi bị tắc nghẽn quá lâu sẽ buộc cơ thể phải thở bằng miệng, từ đó hình thành nên hơi thở có mùi.
Khô miệng
Vào buổi sáng, hơi thở của mỗi người sẽ có mùi nặng hơn bình thường. Nguyên nhân là do ban đêm cổ họng thường ít tiết ra nước bọt hơn. Từ đó, dẫn đến khoang họng không thể gội rửa những mảng thức ăn và gây nên tình trạng hôi miệng. Ngoài yếu tố trên, người có thói quen hút thuốc lá, uống cà phê, trà hoặc người hay thở bằng miệng cũng có nguy cơ mắc chứng khô miệng.
Sỏi amidan
Sỏi amidan là sự tích tụ vôi hóa của các mảnh vụn tế bào và các mảnh thức ăn bị mắc kẹt lại trong miệng. Theo các chuyên gia y tế, sỏi amidan không gây nguy hiểm nhưng chúng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu kèm hơi thở có mùi hôi. Thông thường, những người được chẩn đoán mắc amidan sẽ có khả năng bị sỏi amidan. Để loại bỏ chúng, mỗi người nên tập thói quen chải răng thường xuyên, ít nhất 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám sau bữa ăn.
Trào ngược dạ dày
Một nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng trào ngược dạ dày sẽ có triệu chứng hôi miệng. Nguyên nhân là do thức ăn đang tiêu hóa trong dạ dày và axit dịch vị sẽ bị trào ngược lên thực quản và vòm họng; khiến hơi thở người bệnh có mùi chua. Tuy nhiên, một khi gặp phải triệu chứng này chứng tỏ bệnh tình của bạn đang ở mức nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời.
Suy thận
Thận có nhiệm vụ loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi máu bằng cách tạo ra nước tiểu. Khi thận bị tổn thương, khả năng lọc sẽ trở nên yếu ớt. Nếu tình trạng này không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến các chất cặn bã và hóa chất tích tụ lại bên trong và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và kể cả hệ hô hấp. Lúc này, hơi thở sẽ dần có mùi tanh tương tự như mùi amoniac. Theo các chuyên gia y tế, đây có thể là dấu hiệu của bệnh suy thận nặng.
Ngưng thở khi ngủ
Những người gặp các rối loạn như ngưng thở khi ngủ và ngáy có thể bị khó thở đường mũi. Do đó, người mắc hội chứng này sẽ thở bằng miệng, làm tăng sự khô miệng và gây hôi miệng. Ngoài ra, việc sản xuất nước bọt giảm trong khi ngủ cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Ung thư dạ dày
Các nhà nghiên cứu ở Israel đã nghiên cứu các mẫu hơi thở của 484 người nhịn ăn trong 12 giờ và tránh hút thuốc trong ít nhất 3 giờ trước khi thử nghiệm. Kết quả cho thấy có đến 90 người trong số những người tham gia đã được chẩn đoán ung thư dạ dày nhưng vẫn chưa bắt đầu điều trị.
Đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường có thể khiến người bệnh dễ mắc các bệnh về nướu và khô miệng. Nguyên nhân do lượng đường trong máu không được ổn định sẽ cơ thể suy yếu; từ đó khiến cơ thể không thể chống lại vi khuẩn và gây nhiễm trùng cho nướu. Cũng chính những bệnh nhiễm trùng này là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi.
Ngoài ra, hơi thở có mùi trái cây hoặc mùi tương tự như axeton (thường được sử dụng trong chất tẩy sơn móng tay) cũng có thể chỉ ra một biến chứng nghiêm trọng. Bởi khi cơ thể không có đủ insulin, nó sẽ sử dụng axit béo để tạo năng lượng. Quá trình này sẽ hình thành nên xeton có tính axit, một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa chất béo. Những axit này có thể tích tụ trong máu và dẫn đến hôn mê hoặc tử vong cho người bệnh.
Theo VnExpress