VÌ SAO EU “BẬT ĐÈN XANH” KẾT NẠP UKRAINE GIỮA LÚC “NƯỚC SÔI LỬA BỎNG”?

Liên minh châu Âu (EU) dường như muốn phát đi thông điệp quan trọng khi cấp tư cách ứng viên cho Ukraine, trong bối cảnh chiến sự với Nga vẫn “căng như dây đàn”.

Thời điểm lịch sử

Vì sao EU bật đèn xanh kết nạp Ukraine giữa lúc nước sôi lửa bỏng? - 1
Lãnh đạo các nước châu Âu họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ ngày 23/6 (Ảnh: Reuters).

Lần cuối cùng Liên minh châu Âu (EU) kết nạp thành viên mới cũng đã 9 năm khi Croatia gia nhập khối này vào năm 2013. Tuy nhiên, trước khi trở thành thành viên chính thức EU, quốc gia nộp đơn phải được công nhận là ứng viên để có thể bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập. Quốc gia gần nhất được trao tư cách ứng viên là Albania vào năm 2014.

Ngày 23/6, các nhà lãnh đạo EU đã tạo nên “thời điểm lịch sử” khi đã trao cho Ukraine tư cách ứng viên chính thức trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã diễn ra hơn 120 ngày và đang bước qua tháng thứ 5. Quyết định này của EU được đưa ra bất chấp các cảnh báo trước đó từ Nga.

Thời điểm được chọn để trao tư cách ứng viên cho Ukraine và Moldova được coi là “liều thuốc tinh thần” đúng lúc cho Ukraine, khi Nga từ từ đánh bật lực lượng Ukraine ra khỏi khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Sức mạnh pháo binh vượt trội đã giúp quân đội Nga chiếm ưu thế chiến trường trước binh lính Ukraine thiếu vũ khí tương xứng để đáp trả. Viễn cảnh binh lính Nga kiểm soát hoàn toàn khu vực Donbass không còn xa nếu phương Tây không có các biện pháp nhanh chóng hỗ trợ Ukraine.

Ukraine đã từ lâu mong muốn gần gũi hơn với phương Tây sau sự kiện Maidan 2014. Cuộc xung đột với Nga đã tạo thành chất xúc tác thúc đẩy Ukraine nhanh chóng nộp đơn gia nhập EU vào ngày 28/2/2022, tức chỉ 4 ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Tư cách ứng viên EU không tự động đảm bảo tư cách thành viên chính thức của Ukraine sau đó và vị thế này cũng không được cung cấp phòng thủ tập thể như các thành viên khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) được hưởng, nhưng cũng đủ làm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hứng khởi.

Tổng thống Zelensky đã viết trên Twitter sau thông báo chính thức của EU: “Tương lai của Ukraine là ở EU”. Các nhà lãnh đạo của EU cũng chia sẻ cùng quan điểm với ông Zelensky. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã bình luận: “Một khoảnh khắc lịch sử … Tương lai của chúng ta là cùng nhau”.

Cả EU và Ukraine xem việc Ukraine gia nhập EU như một cách để quốc gia thành viên cũ của Liên Xô tiến gần hơn với phương Tây và vượt ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga. Quá trình “hỏa tốc” (fast-track) công nhận tư cách ứng viên của Ukraine được thúc đẩy bởi chuyến thăm thủ đô Kiev cùng nhau mới đây của các nhà lãnh đạo 3 nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, Pháp, Italy. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ bỏ quan điểm dè dặt trước đây khi nói: “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”, trong khi Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh: “Thông điệp quan trọng nhất của chuyến thăm của chúng tôi là Italy muốn Ukraine gia nhập EU”.

Trở ngại trên con đường gia nhập

Vì sao EU bật đèn xanh kết nạp Ukraine giữa lúc nước sôi lửa bỏng? - 2
Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự cuộc họp báo chung ở Kiev, Ukraine ngày 16/6 (Ảnh: Reuters).

Về mặt cấu trúc, EU là một liên minh kinh tế và chính trị chặt chẽ giữa 27 quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đối với Ukraine hiện nay, mong muốn gia nhập EU lớn hơn các lý do kinh tế, mặc dù các lợi ích tài chính đối với Ukraine là không thể bỏ qua trong giai đoạn hiện nay. Việc Ukraine trở thành ứng viên EU sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga rằng, quốc gia này là một thực thể chính trị độc lập và họ có quyền tự quyết đối với đường hướng chính trị của đất nước, khác với quan điểm trước đây của Tổng thống Putin. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ đánh dấu một chương mới trong lịch sử khi “rũ bỏ” những ảnh hưởng chính trị, kinh tế, văn hóa từ nước Nga láng giềng to lớn.

Các quốc gia thuộc khối Đông Âu trước đây đã có nhiều cải thiện kinh tế khi gia nhập EU. Theo hãng thông tấn BBC, EU đã viện trợ hàng chục tỷ euro cho Bulgaria và Romania để hỗ trợ hai nước này xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng đường sá và cảng mới để phát triển kinh tế. Từ năm 2014 đến năm 2020, Bulgaria nhận được 11,2 tỷ Euro và Romania 35 tỷ Euro. Kể từ khi gia nhập cách đây 15 năm, thu nhập quốc dân của Romania đã tăng gấp 3 và của Bulgaria đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, hai quốc gia này vẫn còn khoảng cách cần phải bắt kịp với các nền kinh tế khác trong EU.

Về mặt thủ tục, việc nộp đơn xin gia nhập EU khá đơn giản. Theo điều 49 của Hiệp ước EU, bất kỳ quốc gia châu Âu nào tôn trọng các giá trị nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền và tôn trọng các quyền con người được đề cập trong Điều 2 và cam kết thúc đẩy các giá trị đó đều có thể đăng ký trở thành thành viên của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, gia nhập EU theo thông lệ là một quá trình kéo dài, do các thành viên tiềm năng phải điều chỉnh hệ thống chính trị và tư pháp của họ tương ứng với hệ thống của khối. Đối với các quốc gia tham gia gần đây là Bulgaria, Romania và Croatia, thời gian trung bình từ ứng viên trở thành thành viên chính thức đầy đủ phải mất từ 10-12 năm.

Các quan chức châu Âu cho biết Ukraine đã thực hiện được khoảng 70% các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng “công việc tốt đã được thực hiện”, nhưng Ukraine phải thực hiện “những cải cách quan trọng” hơn nữa. Ủy ban châu Âu, nhánh hành pháp của EU, đưa khuyến nghị các bước mà họ muốn Ukraine thực hiện cải cách chính trị và kinh tế, tăng cường pháp quyền, và cải thiện nhân quyền như thực hiện cải cách luật để đảm bảo lựa chọn các thẩm phán có năng lực; hạn chế ảnh hưởng của giới đầu tài phiệt; và cải tiến tư pháp bao gồm cải thiện hồ sơ theo dõi về các cuộc điều tra, truy tố và kết án đối với hành vi tham nhũng. Ủy ban châu Âu sẽ theo dõi tiến trình của Ukraine và báo cáo lại cho Hội đồng châu Âu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa gia nhập giữa EU và Ukraine dự kiến sẽ không bắt đầu cho đến ít nhất cuối năm nay.

Rất nhiều trở ngại khác trong quá trình đàm phán gia nhập đang chờ đón Ukraine. Về mặt kinh tế, Ukraine được coi là tụt hậu khá xa với các quốc gia thành viên EU hiện nay. GDP bình quân đầu người hàng năm của Ukraine chỉ khoảng 3.724 USD – 1/9 mức trung bình của EU. Bulgaria, quốc gia hiện nay được coi có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất EU, cũng đã đạt mức gấp hơn 3 lần Ukraine với 11.237 USD. Ngoài ra, các vấn đề về toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine do cuộc xung đột với Nga cũng như hệ thống tòa án thiếu minh bạch, và tình trạng tham nhũng cũng có thể là các trở ngại tiềm ẩn cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Một điểm cũng cần lưu ý là nếu EU ưu tiên rút ngắn khoảng cách thời gian cho Ukraine trở thành thành viên chính thức EU có thể gây ra sự mất đoàn kết cũng như e ngại tới các quốc gia ứng viên vẫn còn trong danh sách chờ một thời gian khá dài. Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Albania là các ứng viên chính thức trong nhiều năm, nhưng việc gia nhập đã bị đình trệ. Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên nộp đơn vào năm 1987 và nhận được tư cách ứng cử viên vào năm 1999, nhưng các cuộc đàm phán cho quá trình trở thành thành viên chính thức đã bị đình trệ kể từ đó do lo ngại về hồ sơ nhân quyền của nước này. Bắc Macedonia là ứng cử viên từ năm 2005, trong khi Serbia và nước láng giềng Montenegro là ứng cử viên từ năm 2010. Còn Albania trở thành ứng cử viên vào năm 2014. Quá trình đàm phán vẫn còn chưa biết đang ở đâu.

Câu chuyện dài tập của Ukraine

Vì sao EU bật đèn xanh kết nạp Ukraine giữa lúc nước sôi lửa bỏng? - 3
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau tại Kiev, Ukraine ngày 16/6 (Ảnh: Reuters).

Nhìn tổng thể, việc EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine không chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia này, mà còn cho cả châu Âu. Về mặt diện tích, Ukraine với diện tích 603.550 km2, sẽ là một sự đóng góp đáng kể vào khối này khi lớn hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào. Về mặt dân số, Ukraine, một quốc gia với khoảng hơn 43 triệu dân và là “vựa bánh mì của châu Âu” sẽ là một sự bổ sung lớn khi EU nhập khẩu 30% các loại ngũ cốc từ Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng bình luận trên Twitter sau quyết định cấp tư cách thành viên của Ukraine rằng: “Hôm nay là một ngày tốt lành đối với châu Âu”. Bà nói thêm rằng quyết định này củng cố sức mạnh của Ukraine và Moldova, hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ “khi đối mặt với chủ nghĩa đế quốc Nga”. Mặc dù Ukraine có thể tốn thời gian tính bằng thập niên để cuối cùng có thể chính thức gia nhập EU, nhưng việc EU quyết định chính thức chấp nhận nước này là ứng viên mang một ý nghĩa biểu tượng đối với cấu trúc an ninh chính trị kinh tế châu Âu khi EU cho thấy ý định mở rộng tới các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, và quan trọng hơn, khối này với vỏ bọc là cộng đồng chính trị kinh tế cũng tạo sức hút đáng kể đối với các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn bên ngoài.

Cách EU nhanh chóng đồng ý trao tư cách ứng viên cho Ukraine cũng thể hiện tinh thần đoàn kết của các quốc gia châu Âu, vượt qua các sức ép từ phía Nga. Điều này càng củng cố thêm quan điểm của chính quyền Tổng thống Zelensky hiện nay rằng, chính sách thoát khỏi ảnh hưởng Nga để gần gũi với phương Tây không phải là lựa chọn tồi. Một bước Ukraine tiến gần hơn với phương Tây cũng đồng nghĩa một khoảng cách xa hơn với Nga. Về mặt nghĩa vụ pháp lý, hiện nay EU không bị ràng buộc phải viện trợ cho Ukraine, nhưng những gì 27 quốc gia thành viên EU đã hỗ trợ Ukraine trong thời gian xung đột vừa qua cho thấy họ ủng hộ chính quyền Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền và phản kháng chống lại quân đội Nga ở khu vực Donbass. Trong thời gian sắp tới, EU chắc chắn sẽ phải viện trợ nhiều hơn cho Ukraine, nhưng phạm vi tới đâu thì vẫn là một câu hỏi lớn, khi các quốc gia châu Âu vẫn còn lệ thuộc với các mức độ khác nhau vào nguồn năng lượng từ Nga.

Đối với nước Nga, họ hiểu rằng tư cách ứng viên của Ukraine chỉ là trang mở đầu của một câu chuyện rất dài tập. Ngoài ra, vì EU không phải là liên minh quân sự nên Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tự tin khẳng định việc Ukraine gia nhập EU không đặt ra mối đe dọa nào cho nước này. Do vậy, Nga không có gì phải phản ứng quá mạnh mẽ khi họ tin rằng tư cách ứng viên EU sẽ không tạo ra một thay đổi chuyển biến nào cho Ukraine trên chiến trường. Đây cũng là cách ứng xử của Nga trong những ngày qua. Rõ ràng, EU của các quốc gia châu Âu sát vách Nga không là mối e ngại đối với Moscow, trừ khi tổ chức này được Mỹ dẫn dắt như NATO.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *