Nha đam có nhiều nước, giúp lợi khuẩn đường ruột hoạt động tốt hơn, có tác dụng nhuận tràng, cải thiện tình trạng táo bón, ợ chua.
Nha đam (lô hội) cung cấp vitamin A, B12, C, E và các khoáng chất như magie, kali, canxi, kẽm, crom. Những khoáng chất này giúp tế bào chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể hiệu quả hơn. Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (Mỹ), nha đam chứa aloin có đặc tính nhuận tràng. Nó chứa nhiều nước giúp lợi khuẩn đường ruột hoạt động hiệu quả hơn, góp phần làm giảm táo bón.
Tiêu thụ một lượng nha đam vừa đủ có lợi cho tiêu hóa, làm dịu và hỗ trợ chữa các bệnh về dạ dày, trong đó, có hội chứng ruột kích thích (rối loạn có liên quan đến ruột già, thường gây co thắt, đau bụng, chướng bụng đầy hơi…). Jenna Volpe, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Texas (Mỹ) cho biết, nước ép nha đam góp phần làm mát niêm mạc đường tiêu hóa bị viêm, cải thiện tình trạng bệnh cho những người viêm loét đại tràng.
Theo Tạp chí Y học Cổ truyền Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra chiết xuất nha đam trong siro giúp làm giảm một số triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) như ợ chua, ợ hơi, nôn mửa. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, khi tiêu thụ quá nhiều nha đam, cả gel và mủ có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy. Hàm lượng polysaccharide có trong nước ép nha đam gây đầy hơi, chướng bụng ở những người có bệnh lý phát triển quá mức hệ vi khuẩn ruột non.
Uống mủ nha đam (phần nhựa màu vàng) dẫn đến chuột rút, làm mất cân bằng điện giải, có thể gây tổn thương thận. Các chất có trong mủ nha đam làm cho một số loại thuốc đang dùng kém hiệu quả.
Bác sĩ Okamoto (Đại học California, Mỹ) phân loại mức độ an toàn khi sử dụng nha đam như: gel nha đam sử dụng tại chỗ có thể an toàn (chế biến tại nhà); gel nha đam được sử dụng bằng đường uống có thể an toàn (các sản phẩm chiết xuất từ nha đam như nước ép, viên nang); mủ nha đam khi sử dụng tại chỗ hay được sử dụng bằng đường uống với liều lượng cao có thể không an toàn.
Theo tờ Everyday Health (Mỹ), chưa thể đánh giá nha đam có hoàn toàn tốt cho những người mắc bệnh tiêu hóa hay không do chưa đủ bằng chứng khoa học. Vì vậy, những người có tình trạng tiêu hóa kém nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng.
Bên cạnh công dụng cho tiêu hóa, nha đam cũng được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng ẩm, mặt nạ do đặc tính dưỡng ẩm, chống lão hóa, loại bỏ mụn trứng cá. Gel nha đam được ưa chuộng để làm dịu chứng viêm do cháy nắng. Nha đam trong nước súc miệng có thể cải thiện sức khỏe răng miệng.
Nó hỗ trợ cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở những người bị tiền tiểu đường khi được sử dụng như một chất bổ sung. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nha đam hỗ trợ kiểm soát đường huyết nhờ vào khả năng làm giảm sự hấp thụ glucose trong đường tiêu hóa và giảm sản xuất glucose. Nhưng cần có nhiều nghiên cứu chất lượng hơn nữa để xem xét tác động của thực phẩm này đối với việc kiểm soát đường huyết.
Theo VnExpress