Công nghệ mang tới nhiều tiện lợi và thay đổi cách chúng ta ứng xử trong thế giới trực tuyến theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, công nghệ kỹ thuật số thay đổi đáng kể cách chúng ta sản xuất tin tức và cách người dùng đọc tin tức.
Mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin lên ngôi
Cách đây không lâu, chúng ta thức dậy vào buổi sáng, pha một tách cà phê hay trà để khởi đầu ngày mới cùng một tờ báo giấy được giao trước đó. Thế nhưng, thói quen này đã thay đổi khi ngày nay mọi người chủ yếu cập nhật tin tức thông qua các nền tảng truyền thông xã hội trên các thiết bị di động.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của ReutersInstitute, có 21% người sử dụng Twitter để đọc tin tại Anh nói rằng, họ thấy đây là nền tảng hữu ích cho việc cập nhật những thông tin mới nhất. Trong khi đó, con số này đối với YouTube và Facebook lần lượt là 26% và 56%.
Những hình mẫu này trở thành đặc trưng tại nhiều nước phương Tây, gồm cả Mỹ. Mặc dù ít phổ biến hơn Facebook nhưng Twitter thường được sử dụng rộng rãi bởi các nhà báo và chính trị gia. Do đó, nền tảng này thường là nơi đầu tiên tin tức lan ra, từ đó thu hút nhiều người quan tâm tới thông tin.
Bên cạnh cung cấp nhiều chủ đề, đa dạng từ mọi loại câu chuyện và hình thức truyền tải, thì việc người đọc có thể tương tác với tin tức thông qua bình luận và thảo luận với những người dùng khác, cũng được cho là yếu tố thúc đẩy mọi người tìm đến các nền tảng mạng xã hội để đọc tin.
Cùng với đó, số lượng khổng lồ người dùng các ứng dụng nhắn tin như WeChat, WhatsApp hay Telegram cũng thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản tin tức. Các nền tảng chat-app giờ đây không chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích trao đổi tin nhắn giữa các cá nhân.
Xu hướng ứng dụng AI và tự động hoá trong quy trình sản xuất tin
Ứng dụng AI và quy trình tự động hoá sản xuất tin tức đã trở thành một xu hướng của các toà soạn và hãng tin lớn trên thế giới như AP, The New York Times, The Washington Post, Reuters hay Yahoo Sports.
Năm 2015, tờ The New York Times tiến hành thử nghiệm dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để biên tập, nhằm đơn giản hoá quy trình báo chí. Theo đó, khi viết một bài báo, nhà báo có thể sử dụng các thẻ (tag) để đánh dấu cụm từ, tiêu đề hay các ý chính của văn bản.
Các máy tính với công nghệ deep-learning sau đó học cách nhận biết các thẻ ngữ nghĩa này cũng như những phần nổi bật nhất của bài báo. Kết hợp với khả năng tìm kiếm dữ liệu theo thời gian thực và trích xuất thông tin dựa trên danh mục, ví dụ như sự kiện, con người, vị trí và ngày tháng, hệ thống biên tập AI cho phép hỗ trợ nhà báo truy cập, xác minh thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, đồng thời đơn giản hoá quy trình nghiên cứu.
Trong khi đó, tờ The Washington Post lại thử nghiệm hệ thống tự động hoá báo chí, còn được gọi là “báo chí robot”, sử dụng phần mềm thông minh Heliograf. Ứng dụng này ra mắt vào mùa hè năm 2016 với sự kiện Olympic Rio. Heliograf tổng hợp tin tức bằng cách phân tích dữ liệu về các trận đấu.
Thông tin này sau đó được sắp xếp theo các cụm từ có liên quan, tương ứng với các mẫu (template) tin có sẵn và máy tính bổ sung thêm chi tiết để tạo ra một bản tin có thể được xuất bản trên nhiều nền tảng khác nhau. Phần mềm này cũng có tính năng cảnh báo người dùng về những điểm bất thường trong dữ liệu.
Không chỉ vậy, các robot viết tin như Heliograf hay Wordsmith còn mang đến một năng suất đáng kinh ngạc. Wordsmith của Automated Insights có thể tạo ra 1,5 tỷ bài viết/năm, con số đánh bại bất kỳ một đội ngũ sản xuất con người nào.
Sự phát triển của công nghệ AI và tự động hoá đặt ra câu hỏi về vai trò của con người trong quy trình sản xuất tin. Thế nhưng, viễn cảnh các robot viết tin thay thế hoàn toàn cho con người vẫn còn ở rất xa khi chúng vẫn phụ thuộc vào cấu trúc bản tin được lập trình, cũng như không thể tự xác định bối cảnh (context) chính xác.