Vì sao bố làm việc chăm chỉ mà vẫn nghèo?

Một câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu thu hút sự thảo luận của nhiều người.

Một người mẹ kể, trong bữa tối cậu con trai 8 tuổi chỉ vào những vết chai sần trên tay bố hỏi: “Sao bố làm việc vất vả mà nhà mình vẫn nghèo?”. Người bố cúi đầu không nói gì.

Ở một gia đình khác, có thể cậu bé đã bị mắng, nhưng người mẹ đã không làm vậy. Cô trả lời con: “Con có biết, ai là người tiêu tiền nhiều nhất trong gia đình mình không?”. Cậu bé lắc đầu. Người mẹ nói tiếp: “Con xem nhé, đồ chơi, sách vở, đồ ăn vặt bố đều mua cho con. Không phải công việc của ai cũng kiếm được nhiều tiền, nhưng bố đã làm việc rất chăm chỉ để con có cuộc sống thoải mái, vui vẻ. Nhưng đó cũng không phải điều quan trọng nhất, bởi tình yêu thương và sự đồng hành của bố mẹ mới khiến con hạnh phúc và bình an”.

Nói rồi, người mẹ giải thích thêm, gia đình chỉ chi tiêu những thứ cần thiết để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của con cái. “Bố mẹ đã cố gắng hết sức kiếm tiền, nên con không phải so sánh với gia đình khác. Mẹ tin chỉ cần làm việc chăm chỉ, chúng ta sẽ sớm có cuộc sống tốt hơn và dọn vào một ngôi nhà lớn như mơ ước”, người mẹ nói.

Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Ảnh minh họa: kknews

Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Ảnh minh họa: kknews

Trong cuộc sống, không ít trẻ từng có thắc mắc tương tự.

Nhà văn, người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc Phó Thủ Nhĩ từng nói: “Không nói dối con để ra vẻ mình giàu có nhưng cũng không than nghèo kể khổ. Cần để trẻ chủ động nhìn nhận và thấu hiểu các thành viên trong gia đình, đó mới là cách giáo dục tốt nhất”.

Vậy với gia đình không khá giả, làm thế nào để trẻ không thấy mặc cảm, biết cầu tiến?

1. Nói rõ với trẻ cha mẹ đang làm việc rất chăm chỉ

Trẻ cần được biết điều quý giá nhất trong cuộc sống không phải hiện tại tài giỏi ra sao mà cần chăm chỉ làm việc mỗi ngày để cuộc sống trở nên tốt hơn.

Với gia đình điều kiện hạn chế, không nên ngày này qua tháng khác nhắc lại điệp khúc “nhà mình nghèo”. Cần chỉ cho trẻ thấy việc kiếm tiền không dễ dàng và để chúng cảm nhận được sự vất vả của việc kiếm ra tiền. Khi biết quý trọng sức lao động, trẻ mới biết cách sử dụng tiền hợp lý, không đòi hỏi hay tiêu xài lãng phí.

Còn nếu như cha mẹ thường xuyên than nghèo có thể gây ám ảnh tâm lý cho trẻ lâu dài. Trẻ có cảm giác như nhà nghèo là thứ khiếm khuyết, “nghèo là cái tội”. Bởi vậy câu than nhẹ của bố mẹ lại trở nên nghiêm trọng với trẻ khi chúng phải nghe quá nhiều.

2. Nói với trẻ nghèo hiện tại không có nghĩa là nghèo trong tương lai

Cần khẳng định với trẻ, gia đình hiện tại có thể không giàu nhưng tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn. Có thể so sánh điều kiện gia đình ở quá khứ và hiện tại, nếu không có chuyện thực tế, có thể kể chuyện ở những gia đình khác.

Câu chuyện để minh họa cho luận điểm trên thực chất không quan trọng, miễn là thông điệp được truyền tải tới trẻ như thế nào. Bố mẹ luôn nhớ: “Nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là luôn nghĩ rằng mình luôn nghèo”.

3. Tích cực khen ngợi và nêu gương tốt với trẻ

Cha mẹ luôn là người thầy lớn và quan trọng nhất của trẻ. Bởi vậy, muốn trẻ tích cực thì cha mẹ phải làm gương cho con, để chúng nhìn vào học hỏi. Đồng thời, cha mẹ phải chú ý khen ngợi, công nhận để phát huy tối đa tinh thần chiến đấu của con mình.

Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Có một câu nói luôn đúng đó là “Nếu chúng ta không làm điều đó, thì người khác sẽ thay chúng ta làm điều đó”. Cha mẹ không dạy con về tiền, thì con sẽ học từ người khác hoặc tự học. Khi đó con có thể học sai hướng và điều này là một sự thiệt thòi cho con. Khi trẻ có thái độ đúng về tiền bạc và biết cách quản lý tiền bạc đúng đắn, những việc khác sẽ trở nên dễ dàng.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *