Chủ quản BTS mất 1,5 tỷ USD vốn hóa khi nhóm dừng hoạt động

Cổ phiếu lao dốc hai ngày liên tiếp, vốn hóa công ty giải trí Hybe mất hơn 1,5 tỷ USD khi nhóm nhạc BTS tuyên bố dừng hoạt động.

Hôm 15/6, nhóm nhạc BTS nổi tiếng của Hàn Quốc thông báo tạm dừng hoạt động để các thành viên theo đuổi sự nghiệp cá nhân. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của công ty quản lý Hybe tuột thẳng đứng từ 192.500 won khi đóng cửa phiên 14/6 xuống đáy 139.000 won, mất gần 28% thị giá. Đây là mức thấp nhất mọi thời đại của cổ phiếu Hybe kể từ khi công ty giải trí này được niêm yết tháng 10/2020.

Sang phiên 16/6, cổ phiếu này tiếp tục giảm về quanh mốc 140.000 won, sau đó có tăng nhẹ nhưng chốt phiên ở 147.500 won một đơn vị. Lũy kế hai ngày qua, vốn hóa thị trường của Hybe bị cuốn đi hơn khoảng 1,5 tỷ USD.

Thông báo dừng hoạt động được công bố thông qua một video trên tài khoản YouTube chính thức của nhóm BTS. 7 thành viên và Hybe khẳng định nhóm sẽ không tan rã mà chỉ tập trung cho hoạt động cá nhân của mỗi người.

“Đây sẽ là thời điểm phát triển cho mỗi thành viên thông qua các hoạt động khác nhau, từ đó sẽ nuôi dưỡng tầm nhìn dài hạn của nhóm”, đại diện Hybe cho biết.

Bất chấp lời khẳng định BTS không tan rã, các công ty chứng khoán vẫn hạ giá mục tiêu của cổ phiếu Hybe xuống mức đáng kể. Hana Financial Investment – một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Hàn Quốc, đã hạ giá mục tiêu của cổ phiếu này xuống 16%, chỉ còn 360.000 won (từ mức 430.000 won). Đơn vị này cho rằng, thu nhập quý III của Hybe giảm là điều không thể tránh khỏi.

Lee Ki Hoon – nhà phân tích tại Hana Financial Investment, chỉ ra: “Các thành viên cho biết đây không phải là sự tan rã, nhưng các nhà đầu tư cần thận trọng tính đến khoảng trống của BTS trong ước tính lợi nhuận của Hybe vào năm 2023”.

Theo đó, doanh thu dự kiến và lợi nhuận hoạt động của Hybe vào năm 2023, khi BTS ngừng hoạt động, ước tính lần lượt vào khoảng 1.600 tỷ won và 200 tỷ won. Mức này tăng lần lượt gần 27% và hơn 5% so với con số thực tế năm ngoái. Nếu đúng dự đoán, Hybe sẽ tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Sau thành công của nhóm nhạc BTS, Hybe từ công ty nhỏ trở thành một doanh nghiệp giải trí lớn tại Hàn Quốc, xếp cạnh “Big 3” gồm SM, YG và JYP. Các thần tượng đến từ 4 công ty giải trí kể trên chiếm hơn 60% tổng doanh thu vào năm 2021.

Là nhóm nhạc hàng đầu của Hybe, BTS là động lực doanh thu chính của công ty, mặc dù tỷ trọng doanh thu của nhóm đã giảm dần trong những năm gần đây. Trong 9 năm kể từ khi ra mắt, nhóm nhạc nam đã chiếm 27% doanh số bán album và stream của Hybe tại Mỹ, đồng thời chiếm gần như tất cả thu nhập từ các chuyến lưu diễn của công ty.

Gần 90% doanh thu của Hybe trong nửa đầu năm 2020 liên quan đến BTS. Riêng doanh thu từ các buổi hòa nhạc (concert), nhóm 7 thành viên này đã mang về 147 triệu USD trong năm 2019. Năm ngoái, BTS chịu trách nhiệm gần một phần ba doanh số bán album của công ty tại thị trường Mỹ và 50% tại Nhật Bản. Tính riêng quý cuối năm 2021, BTS đã thúc đẩy doanh số bán vé concert tăng 980,5% so với cùng kỳ, mang về cho Hybe khoảng 42 triệu USD. Phần lớn đến từ các concert “Permission to Dance” ở Los Angeles (Mỹ).

Không chỉ gần đây, áp lực “hậu BTS” đã đè nặng lên Hybe từ nhiều năm về trước. Các thần tượng ra mắt về sau chưa đạt thành công như những gì đàn anh đã thực hiện, trong khi các đối thủ như SM, YG, JYP… liên tiếp ra mắt nhiều nhóm nhạc có thành tích tốt. Áp lực “hậu BTS” được nhiều đơn vị cho rằng sẽ khiến Hybe khó phát triển bền vững. Trong cuộc họp thường niên hồi đầu năm, ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ đa dạng hóa cơ cấu doanh thu trong các lĩnh vực kinh doanh mới như trò chơi, NFT và ứng dụng tương tác giữa thần tượng với người hâm mộ.

Nhiều năm qua, âm nhạc Hàn Quốc (K-pop) cùng với làn sóng văn hóa xứ kim chi trở thành “món hàng” xuất khẩu hấp dẫn của nước này. Theo Gaon Chart của Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, doanh số của 400 album K-pop phổ biến nhất trên toàn thế giới đã ghi nhận một bước nhảy vọt chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2015, khoảng 8,4 triệu album K-pop được bán ra. Đến năm 2019, con số trên tăng gần gấp 3 lần, lên 24,6 triệu bản. Tính đến tháng 11 năm ngoái, hơn 54,6 triệu đĩa nhạc đã được bán, tăng gần hai lần so với năm 2019. Trong đó, 60% doanh số bán đĩa là từ thị trường nước ngoài.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *