So sánh – liều thuốc độc của hôn nhân

Sau buổi họp lớp, biết chồng mấy cô bạn thân hồi cấp 2 đều là trưởng phòng, giám đốc, Thu Quỳnh về trút hờn lên chồng vì thấy anh “mãi chỉ là nhân viên quèn”.

Cả tối hôm đó, cô vợ thở dài thườn thượt. Anh Hoàng Văn Hùng kéo vợ lại ôm, hỏi chuyện. Thu Quỳnh bảo: “Ngày xưa em xinh hơn hẳn chúng nó, thế mà giờ chúng nó có nhà, có xe, dùng hàng hiệu, mình thì chẳng có gì. Đúng là đàn bà hơn nhau tấm chồng”.

Kể lại chuyện hôm đó, anh Hùng vẫn thấy “nuốt chưa trôi cục tức”. Biết tranh luận với vợ sẽ lại cãi nhau to, anh quay mặt vào tường, thao thức đến sáng.

Đây chẳng phải lần đầu Thu Quỳnh, 33 tuổi, ở Hà Đông (Hà Nội) mang chồng, mang hôn nhân của mình ra so sánh với người khác. Gặp ai, đến nhà nào cô cũng tìm được tấm gương cho anh Hùng. Thấy bạn đăng ảnh đang bế con, kể được chồng chăm lo lúc sinh nở thế nào, cô chép miệng “đúng là chồng người ta”. Thấy anh bạn cùng quê đăng ảnh đi công tác nước ngoài, cô hồn nhiên kể: “Anh này trước có tình ý mà em không chịu. Biết thế lấy người ta có phải giờ sướng rồi không”.

“Ai nghe cô ấy nói chắc cũng nghĩ tôi là loại đàn ông chẳng ra gì, không tiền tài, sự nghiệp, cũng không thương vợ chăm con”, anh Hùng, 35 tuổi, nói.

Chị Thanh Hương, 28 tuổi, ở quận 7, TP HCM cũng chung cảm giác của anh Hùng. Ngày nào chị cũng được chồng dạy dỗ kiểu: “Em cẩn thận bằng nửa mẹ thôi anh cũng được nhờ”, “Dì Hoa ăn mặc cho con đâu ra đấy, em thì để con mình lếch thếch như đứa ăn mày”, “Bảo cô Cúc hàng xóm dạy cho mà chọn đồ, người ta mặc cái áo phông thôi cũng đẹp hơn em đắp cái váy vài triệu vào người”…

Thanh Hương kết hôn với anh Đức sau một năm yêu. Vừa về nhà chồng cô đã mang bầu. Sinh con lớn chưa đầy một năm lại vỡ kế hoạch. Hai năm nay, cô chỉ ở nhà chăm con nhỏ. Ngày ngày nghe chồng ca thán, cô mệt mỏi và ngơ ngác trước thái độ của anh.

“Ai chả muốn bằng chị bằng em. Nhưng tiền không nhiều, không có nội ngoại giúp, một mình cả ngày đánh vật với con, lại bán hàng đến nỗi chẳng có thời gian chải qua cái tóc hay nhìn vào gương chứ đừng nói làm đẹp”, người vợ thở dài. Anh Đức là công nhân, tăng ca ngày lên 14 tiếng, về tới nhà, ăn, tắm xong, đặt lưng xuống giường là ngủ.

Diễn giả, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng tâm lý thích so sánh như anh Đức hay chị Thu Quỳnh khá phổ biến trong xã hội và là tâm lý thông thường, vì con người luôn có tư duy hướng thượng, nghĩa là hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn. Vì yêu, họ đặt kỳ vọng vào bạn đời, muốn người đó tốt hơn, như mình mong muốn. Tuy nhiên, ông Tú cho rằng hành động so sánh lặp lại thường xuyên, gây tổn thương là một dạng bạo lực tinh thần.

“So sánh còn bởi muốn giành quyền kiểm soát, khẳng định quyền lực với bạn đời. Thế nhưng nhiều khi những người hay so sánh vợ/chồng lại không nghĩ hành động lặp lại của mình là bạo hành”, ông Tú nhận định.

Anh Đức bật cười khi nghe nói việc mình so sánh vợ với người khác là bạo hành. Người chồng cho biết hoàn toàn không có ý khiến vợ buồn mà chỉ mong cô hoàn thiện bản thân hơn. “Tôi tìm sẵn hình mẫu cho vợ để học hỏi, không hề có ý châm chọc thì có gì mà tổn thương”, anh phân bua.

Trái với suy nghĩ của Đức, thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 31/5 về dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung viện dẫn hàng loạt hành vi bạo lực tinh thần khó nhận biết, gây khủng hoảng tâm lý, tinh thần, ví dụ chồng đi làm về nhưng im lặng không nói gì, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; giận dỗi vô cớ…

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng nhận diện các hình thức bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế khá dễ, song bạo lực tinh thần không hề đơn giản. Khi báo cáo dự án luật trước cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội, có thành viên Ủy ban cũng nêu thực trạng hiện nay nhiều ông chồng giống như anh Hùng, đang chịu sức ép từ các bà vợ, đòi hỏi phải làm ra thật nhiều tiền, phải lên chức…

Ngoài đặc thù tâm lý, theo tiến sĩ tâm lý Robert Puff (Mỹ), ngày nay, mọi người gần như không thể tránh khỏi sự so sánh bởi mạng xã hội cho phép chúng ta liên tục “truy cập vào cuộc sống của nhau”.

Vào bất cứ thời điểm nào, chúng ta đều có thể mở điện thoại, nhìn một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời người khác rồi so sánh. “Suy nghĩ này chỉ gây hại và lãng phí năng lượng vì mạng xã hội chỉ là một lát cắt nhỏ của cuộc sống”, vị chuyên gia nói.

Ảnh minh họa: MSN

Ảnh minh họa: MSN

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành cho rằng, bị đem ra so sánh hoàn toàn không giúp người bị so sánh tiến bộ mà chỉ làm họ tự ti, buồn bực, nảy sinh tâm lý chống đối.

“Càng bị so sánh họ càng thấy không được tôn trọng nên cũng chẳng tôn trọng, thậm chí chán ghét bạn đời. Hôn nhân vì vậy có nguy cơ tan vỡ”, bà Kim Thành nói.

Trong hơn 300 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress, có 90% cho biết không thấy thoải mái khi bị bạn đời đem ra so sánh với người khác.

Chuyên gia Hoàng Anh Tú gọi việc so sánh bạn đời với người khác giống một liều thuốc độc giết chết hôn nhân.

“Việc chúng ta nhìn những người xung quanh để biết mình đang đứng ở vị trí nào trong xã hội là chuyện bình thường. Việc chúng ta nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày là bình thường. Nhưng dùng ai đó làm thước đo cho bạn đời mình là sai, là sự thiếu tôn trọng”, ông Tú nói.

Anh Hùng từng loay hoay rất nhiều với câu hỏi “mình là loại đàn ông gì” để vợ thất vọng đến vậy. Khi yêu nhau, Hùng hứa với Thu Quỳnh sẽ cho cô một cuộc sống đủ đầy. Biết vợ thích làm chủ, anh nhân viên IT dự định khi vốn đủ khá sẽ mở một nhà hàng ở Hạ Long, quê mình, thuê người quản lý.

Nguồn thu nhập thụ động đó giúp vợ con thoải mái hơn trong chi tiêu, anh cũng bớt áp lực ở thành phố. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã chuẩn bị chu toàn, Covid-19 ập đến. Cầm cự chưa đầy một năm, nhà hàng đóng cửa, bao nhiêu vốn liếng tích góp mất sạch. Khủng hoảng tâm lý, một thời gian dài, anh phải uống thuốc để tìm một giấc ngủ.

Hùng không tìm thấy sự đồng hành ở vợ. Quỳnh chỉ than thân trách phận và so sánh. Thương vợ và muốn khẳng định bản thân, Hùng tìm cách kiếm tiền nhanh. Anh vay mượn đầu tư chứng khoán nhưng vì nóng vội nên thua lỗ, khiến nợ chồng thêm nợ.

Từ một người đàn ông biết nghĩ cho gia đình, anh trở nên cộc cằn, bất cần đời. Vợ chồng Hùng phải bán căn hộ chung cư ở Hà Nội để có tiền bù lỗ, ngày nào cũng cãi vã vì những lý do nhỏ nhặt.

Khi cuộc hôn nhân chạm tới bờ đổ vỡ, Thu Quỳnh mới ý thức được hậu quả. Người vợ luôn biết không nên so sánh chồng mình với người khác nhưng trong phút nóng lòng mong anh Hùng đạt thành quả, cô khó kiểm soát lời nói. Việc so sánh lặp lại khiến bản thân cô cũng thấy dằn vặt, ăn năn.

Thu Quỳnh tìm đến chuyên gia trị liệu hôn nhân. Cô ngồi xuống trò chuyện với chồng, thừa nhận sai lầm. Thay vì ở nhà chăm con, lướt mạng xã hội ngắm những bức ảnh lung linh của bạn bè, Thu Quỳnh nhờ bạn thân tìm giúp việc để đi làm, cùng động viên chồng cố gắng trả nợ. Kiếm tiền, cô nhận ra kiếm tiền không dễ và quả thực mạng xã hội chỉ là một lát cắt trong cuộc đời.

“Một cô bạn kể với tôi đứa khoe chồng là trưởng phòng công khai có bồ mà vợ chẳng dám ly hôn. Còn đứa là phu nhân giám đốc muốn mua cái váy đẹp cũng phải báo cáo chồng”, Quỳnh kể, cơ mặt giãn ra.

Cô nhận ra chồng tuy chưa thành công nhưng luôn nghĩ đến vợ, sẵn sàng mua quần áo thanh lý để dành tiền mua mỹ phẩm cho mình.

Các chuyên gia đều nhận định, giải pháp tự gỡ rối của Thu Quỳnh là phù hợp. Bà Kim Thành khuyên nên trò chuyện với bạn đời, thẳng thắn nhưng hài hước nói về những nhược điểm của anh/cô ấy, thay vì so sánh.

Đồng thời, đưa ra lời khuyên để cải thiện tình hình. “Lúc đó, bạn đời sẽ cảm thấy bạn là đồng minh của mình, đang ủng hộ và muốn vun đắp cho hôn nhân chứ không phải dè bỉu, thiếu tôn trọng mình”, bà nói.

Trong lúc anh Hùng và vợ đã tìm được tiếng nói chung, Thanh Hương vẫn nhẫn nhịn, chờ đợi sự thay đổi ở chồng nhưng Đức vẫn chứng nào tật ấy. “Phải chăng, người cần thay đổi là tôi, là cuộc hôn nhân này, không phải anh”, người vợ trầm giọng nói.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *