Vân đã tính toán rất kỹ thời gian để đi hết quãng đường 7 km từ công ty về nhà của chồng nên chỉ cần anh về muộn 5 phút, lập tức cô gọi điện tra hỏi.
Hồi mới quen, anh Minh Đức (chồng Vân) thấy hành động này dễ thương bởi nghĩ “chỉ những người yêu nhau thật lòng mới quan tâm đến vậy”. Nhưng khi về chung một nhà, người đàn ông 31 tuổi lại thấy ngộp thở bởi luôn trong trạng thái bị dò xét bất cứ lúc nào.
Vân có thói quen đợi chồng ngủ say, sau đó đọc toàn bộ tin nhắn trong điện thoại của anh Đức. Không ít lần giữa đêm, ông chồng bị dựng dậy để trả lời hàng loạt câu hỏi: “Đây là ai”, “Mối quan hệ giữa hai người là gì?”, “Nhắn tin cho nhau với mục đích gì?”.
Mỗi lần công ty liên hoan, dù Đức luôn báo trước nhưng anh chưa lần nào ngồi được đến cuối bởi vợ liên tục gọi điện giục về. Dần dà anh chẳng có tâm trạng ăn uống vui vẻ, chỉ nhanh chóng ăn xong để về “cho vợ khỏi léo nhéo”. “Nhiều hôm hết giờ làm muốn ngồi uống cốc bia với bạn, nhưng điện thoại réo liên hồi khiến ai cũng ngại, sau chẳng rủ rê nữa”. Đức kể. Cũng chính vì bị vợ quản chặt nên chơi với hội nhóm nào, anh cũng có biệt danh “Đức SV” – nghĩa là “Đức sợ vợ”.
Vương Linh, 33 tuổi, sống tại Hưng Yên cũng bị chồng kiểm soát gắt gao không kém. Sáu năm trước, cô kế toán gặp tình yêu sét đánh và kết hôn chỉ sau một tháng qua lại. Hết tuần trăng mật, anh Hùng (chồng Linh) bắt đầu áp dụng chế độ “thiết quân luật” với vợ, bắt cô hàng ngày phải báo cáo lịch trình, ví dụ gặp ai, làm gì, bao lâu. Anh còn vào Facebook và Zalo của cô để kiểm tra. Thấy vợ “like” bức ảnh của người khác giới, anh tra khảo: “Sao lại tương tác với anh ta?”. Vợ bình luận khen ai, Hùng kết bạn ngay với người đó.
Hùng cũng hay phàn nàn vợ nói chuyện điện thoại quá lâu với mẹ và em gái. Một lần Linh cắt tóc ngắn thay vì mái tóc dài, anh trách cứ vợ tự ý cắt tóc mà không hỏi ý kiến mình. Để mọi chuyện lắng xuống, Linh hứa sẽ nuôi lại tóc dài.
Nhưng rồi, Linh cảm thấy lời nói và hành động của mình ngày càng không vừa lòng chồng. Cô cũng không còn cảm nhận được tình yêu của anh. Hùng khống chế mọi việc làm của vợ, còn Linh ngày càng hạ thấp giọng, nhường nhịn mong gia đình yên ổn. “Cảm giác lo lắng nhỡ bản thân làm việc gì đó không vừa lòng chồng ngày càng tăng lên, khiến tâm trạng lúc nào cũng bất an”, người mẹ hai con nói.
Cũng giống như Đức, quan hệ xã hội của Vân cứ thu hẹp dần. Họ còn thêm điểm chung là luôn phải đối phó với sự tra khảo của bạn đời dù bản thân chẳng làm gì có lỗi.
Kiểm soát bạn đời sẽ khiến cả hai cùng sống trong sự ngột ngạt của hôn nhân. Ảnh minh họa: shutterstock
“Đức và Linh đang bị chính bạn đời khống chế, kiểm soát cuộc sống. Đây là một dạng bạo hành gia đình”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc, nhận định. Theo bà, kiểm soát bạn đời là khi nửa kia luôn đưa ra các quyết định hàng ngày, từ những việc nhỏ như đối phương sẽ ăn gì, mặc gì, đặc biệt sẽ rất tức giận mỗi khi đối phương mắc lỗi, dù là nhỏ nhất.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2012 đến 2017, ở Việt Nam ghi nhận 51.227 vụ bạo lực tinh thần liên quan tới gia đình. Bạo lực tinh thần không sử dụng vũ lực thông thường mà chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá, kiểm soát hoạt động của nạn nhân, lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình.
Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình năm 2020 ở Việt Nam cho thấy, 54% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành tinh thần. Bạo hành khiến nạn nhân phải chịu những hậu quả nghiêm trọng như chấn thương về thể chất, khiến họ mắc bệnh trầm cảm, thậm chí muốn tự tử.
“Tôi từng phải điều trị trầm cảm do bị chồng kiểm soát, mất hết tự do”, Thu Lý, 32 tuổi, làm nội trợ toàn thời gian, ở Hà Nội chia sẻ.
Khi mới kết hôn, cuộc sống của cô trôi qua êm đẹp. Nhưng sau đó, người chồng bắt đầu kiểm soát vợ cả lời nói lẫn hành động. Trong chuyến du lịch cùng gia đình hai năm trước, anh thậm chí mắng vợ giữa chỗ đông người bởi cô cười đùa với một nam lễ tân trong khách sạn.
Trước kia, ưu tiên hàng đầu của Thu Lý là làm hài lòng chồng, tuân theo mọi quy tắc anh đặt ra, như chọn trái cây nào anh thích, cách lựa quần áo, cách đi đứng trong nhà. “Nếu làm không tốt, tôi sẽ bị chồng mắng mỏ, nhiếc móc. Mọi thứ luôn như vậy: Làm theo ý anh ta hoặc sẽ gặp rắc rối”, bà mẹ hai con chia sẻ.
Theo chuyên gia Lê Thị Túy, mối quan hệ bị kiểm soát giống như một lỗ đen vô hạn nuốt chửng tất cả ánh sáng trong cuộc sống. Sự kiểm soát có thể phá hủy những cảm xúc và tình cảm đẹp nhất của hôn nhân.
“Để giải quyết vấn đề, hãy nói chuyện thẳng thắn với nhau và hỏi rằng liệu đối phương có nhận ra sự vô lý của những hành động kiểm soát hay không. Nói thẳng với nửa kia và cho họ biết bạn đã bị tổn thương như thế nào”, bà Túy tư vấn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên tâm lý Học viện hành chính quốc gia phân viện TP HCM lại cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến bạn đời thích kiểm soát như truyền thống gia đình, quan điểm chiếm hữu hoặc chính bản thân họ luôn tự ti, sợ bị lừa dối.
“Cần tìm rõ nguyên nhân mới tìm ra giải pháp đối phó tương ứng”, bà Minh nói. Nếu người vợ bị chồng kiểm soát bởi không làm ra tiền, hãy tự chủ làm việc kiếm tiền. Nếu bị bạn đời dè bỉu vì học thức, hãy nâng giá trị bản thân bằng cách bổ sung kiến thức… “Nên thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn. Nửa kia sẽ không tôn trọng bạn nếu bạn không học cách tôn trọng chính mình”, bà Minh khẳng định.
Nửa tháng trước, Vân nổi trận lôi đình khi phát hiện tin nhắn trao đổi qua lại giữa chồng và một cô gái với giọng điệu thân mật. Chuyện ầm ĩ đến nỗi hai bên gia đình phải vào cuộc. Cô vợ được phen muối mặt khi danh tính cô gái được tiết lộ là em họ Đức. Sự việc khiến Vân mất điểm trong mắt người lớn, còn Đức có một buổi nói chuyện thẳng thắn với vợ về những ấm ức trong lòng.
Anh chia sẻ bản thân bị tổn thương bởi hành động kiểm soát gắt gao. “Dù hôn nhân là sự vun đắp, nhưng không có nghĩa cả hai sẽ là một. Ngoài gia đình, ai cũng cần có khoảng trời riêng”, Đức nói với vợ và mong cô thay đổi.
Còn với Thu Lý, biết không thể thay đổi bản chất thích chiếm hữu của chồng, cô đơn phương đệ đơn ly hôn. Người phụ nữ 30 tuổi sau đó tìm được công việc phù hợp, dần lấy lại sự tự tin, thay vì sống không mục đích như trước kia.
“Tôi đã biết cách yêu thương bản thân để nâng tầm giá trị, như vậy sẽ chẳng ai kiểm soát được mình”, cô nói.
Theo VnExpress