Phô mai là sản phẩm từ sữa cung cấp đầy đủ chất béo, trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi cần chất béo để cơ thể và trí não phát triển.
Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi bắt đầu ăn được phô mai nhưng an toàn nhất là thời điểm trẻ được 8-10 tháng tuổi. Cha mẹ cho trẻ ăn phô mai để bổ sung chất béo nhưng lưu ý chọn loại được tiệt trùng để đảm bảo an toàn.
Để tránh cho trẻ bị ngộ độc khi ăn phô mai, cha mẹ không nên cho bé ăn phô mai chín mềm hoặc bị mốc (phô mai dê, brie, camembert). Các loại phô mai có đường vân xanh như roquefort cũng không phù hợp với trẻ bởi chứa vi khuẩn listeria, một loại vi khuẩn có hại khiến bé bị ngộ độc thực phẩm.
8-10 tháng tuổi là khoảng thời gian an toàn cho bé làm quen với thức ăn rắn như phô mai. Ảnh: Freepik
Lợi ích của phô mai với trẻ sơ sinh
Người lớn giúp trẻ làm quen với phô mai bằng cách cho bé ăn từ 28,3-46,7 g mỗi ngày đối với trẻ từ 6-8 tháng tuổi, trẻ từ 8-10 tháng tuổi có thể ăn gấp đôi lượng này. Lượng phô mai này cung cấp 87 miligam (mg) canxi, 167 mg phốt pho và 10,2 microgam selen, đồng thời tăng cường cho em bé của bạn vitamin A, vitamin B12, riboflavin, một lượng chất béo lành mạnh.
Phô mai nguyên chất là nguồn cung cấp canxi, protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, một nửa chén phô mai có 12 gram protein. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh dễ dị ứng với loại thực phẩm này nếu như bé dị ứng với sữa bò. Nếu trẻ bị dị ứng với phô mai sẽ có biểu hiện tiêu chảy, nôn mửa, đau quặn bụng, đầy hơi, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, táo bón có biểu hiện là đi tiêu không thường xuyên, khó đi và đau đớn. Nếu cha mẹ nhận thấy con mình có các triệu chứng táo bón, hãy loại bỏ phô mai khỏi thực đơn một thời gian để theo dõi.
Các dấu hiệu dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng, phản ứng nặng nhất là sốc phản vệ, đưa trẻ đến trạm y tế và điều trị bằng cách tiêm thuốc epinephrine càng sớm càng tốt.
Trong năm đầu đời, ngay cả khi trẻ đã ăn dặm, sữa mẹ hay sữa công thức vẫn phải là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh. Trong thời gian này, thức ăn rắn được coi là thức ăn bổ sung. Phô mai ngon và dễ sử dụng, thuận tiện đưa sữa vào chế độ ăn của trẻ nhỏ (canxi trong sữa rất quan trọng cho sự phát triển chắc khỏe của xương).
Cách chế biến phô mai cho bé
Là một loại thức ăn đặc, phô mai có thể gây nguy cơ mắc nghẹn. Cha mẹ cần theo dõi sát sao trẻ khi chúng đang tập ăn phô mai, tránh phô mai dạng khối hoặc miếng, thay vào đó là phô mai cắt nhỏ, nấu chảy hoặc phô mai tươi. Cha mẹ tránh cho trẻ ăn phô mai mozzarella nóng chảy, rất dai dễ khiến trẻ mắc nghẹn nếu không được cắt thành những miếng nhỏ.
Để an toàn, cha mẹ nên cắt phô mai thành miếng nhỏ, tiện cho trẻ bốc tay và dễ nhai. Bên cạnh cắt nhỏ, cha mẹ cũng có thể rắc hoặc bào lên các món mì ống, phết mỏng kem phô mai lên trên bánh mì nướng. Phô mai cottage là một lựa chọn tốt khác, mềm nhưng an toàn. Mẹ cũng có thể trộn phô mai tươi với trái cây và rau nghiền nếu bé thích ăn theo cách đó.
Đối với trẻ sơ sinh, phô mai có thể đút bằng thìa là lựa chọn tốt để bắt đầu. Phô mai cottage, ricotta đều là những lựa chọn phù hợp với trẻ. Khi trẻ lớn hơn và đã phát triển khả năng cầm nắm, cha mẹ có thể trộn nhiều loại thức ăn hơn. Sau khi trẻ làm quen với phô mai, nếu chúng tỏ ra thích thú cha mẹ có thể cho trẻ thử phô mai parmesan, romano.
Theo VnExpress