Điện ảnh Hong Kong có bước chuyển mình mới trong giai đoạn các nhà làm phim kỳ cựu chỉ tập trung sản xuất tác phẩm cho thị trường Trung Quốc đại lục.
Theo SCMP, Em của thời niên thiếu (Better Days) do Tăng Quốc Cường đạo diễn đã làm nên lịch sử khi trở thành phim đầu tiên của Hong Kong tranh giải Phim quốc tế xuất sắc ở Oscar lần thứ 93 (2021).
Tuy nhiên, niềm hãnh diện này rất ít được nhắc đến tại xứ Cảng thơm, và thậm chí không nhiều người cổ vũ, chúc mừng cho đạo diễn họ Tăng.
Phim không được đón nhận nhiệt tình đơn giản vì giới chuyên môn không thấy triển vọng nhận giải của tác phẩm này. Cũng có thể vì Oscar 2021 bị kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc và lần đầu tiên kể từ năm 1969, lễ trao giải của Viện Hàn Lâm không được phát sóng ở Hong Kong.
Lý do điện ảnh Hong Kong thất thế
Những gì xảy ra xung quanh Em của thời niên thiếu đã phản ánh cho sự thờ ơ của phần lớn người Hong Kong.
Tác phẩm tình cảm tuổi mới lớn với sự tham gia của dàn diễn viên Trung Quốc như Châu Đông Vũ, Dịch Dương Thiên Tỉ thu hơn 200 triệu USD phòng vé (chủ yếu ở Trung Quốc đại lục), song không gây tiếng vang ở thị trường Hong Kong.
Edmund Lee, nhà báo mảng phim của SCMP, cho rằng thành công thương mại và sự công nhận từ giới phê bình quốc tế đối với Em của thời niên thiếu đã xóa tan hai lầm tưởng phổ biến: Các dự án hợp tác giữa Hong Kong và Trung Quốc không mang tính nghệ thuật, đội ngũ làm phim địa phương nhạt nhòa hơn các bậc tiền bối của thời hoàng kim những năm 1980-1990.
Năm 2003, đánh dấu bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp điện ảnh, giúp các nhà làm phim có cơ hội sản xuất tác phẩm kinh phí lớn và thu về hàng tỷ USD, nhưng cùng với đó cũng là thách thức đối với Hong Kong.
Sau thỏa thuận ấy, các đạo diễn nổi tiếng như Châu Tinh Trì (Tân vua hài kịch), Ngô Vũ Sâm (Thiên la địa võng), Từ Khắc (Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên Vương) và Trần Khả Tân (Leap) đều tập trung sản xuất phim có nguồn vốn khổng lồ, ngừng làm phim phục vụ cho thị hiếu khán giả Hong Kong.
Lần lượt, các nhà làm phim kỳ cựu đến từ xứ Cảng thơm đã đổ tới Trung Quốc đại lục làm phim và đạt doanh thu cao cho Mỹ nhân ngư, Truy lùng quái yêu, Điệp vụ biển đỏ, Chuyến bay sinh tử…
SCMP cho rằng cùng với sự chuyển hướng của các nhà sản xuất, việc kỳ vọng quá cao vào nền điện ảnh Hong Kong, đường dây kiểm duyệt gắt gao và việc phục vụ cho thị trường Trung Quốc, là những nguyên nhân dẫn đến sa sút rõ rệt của điện ảnh Hong Kong.
Từng góp mặt xuyên suốt giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, nhưng phim Hong Kong có giai đoạn vắng mặt gần như hoàn toàn ở những hạng mục chính của ba Liên hoan phim (LHP) Cannes, Venice và Berlin.
Thật vậy, chỉ duy nhất Dương Phàm – đạo diễn người Hong Kong với phim No.7 Cherry Lane thắng giải Kịch bản xuất sắc ở LHP Venice 2019 – được mời tham gia tranh giải chính tại các LHP kể từ sau khi Hứa An Hoa và Đỗ Kỳ Phong làm được điều tương tự ở LHP Venice 2011.
Sự nổi lên của thế hệ đạo diễn mới
Điện ảnh Hong Kong đang được khôi phục nhờ thế hệ nhà làm phim mới. Họ có những bộ phim tuy nhỏ ở giai đoạn khởi đầu, song đáng được công nhận và chú ý.
Bất ngờ thắng giải Phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong 2011 cho tác phẩm hành động hài kinh phí thấp Đả lôi đài, cặp đạo diễn Quách Tử Kiện và Trịnh Tư Kiệt đã trở thành niềm hy vọng. Theo SCMP, đây có thể xem là bước ngoặt.
Kể từ đó, hạng mục Phim hay nhất liên tục gọi tên các tài năng tương đối lạ với khán giả đại chúng, không thuộc hàng kỳ cựu của thế hệ trước, có thể kể đến Lục Kiếm Thanh và Lương Lạc Dân cho phim Chiến tranh lạnh.
Năm 2016, 10 năm (Ten Years) giành giải Phim hay nhất Kim Tượng gây tranh cãi lớn.
Nhà báo Edmund Lee cho rằng việc Ten Years bị chỉ trích liên lụy đến điện ảnh Hong Kong là điều tất nhiên và dễ hiểu. Thế hệ đạo diễn mới có thể mang đến luồng gió mới, nhưng cùng với đó cũng là những rủi ro.
Cùng năm đó, Đạp huyết tầm mai là thành công đáng chú ý ở Kim Tượng. Mặc dù bị Ten Years “giành” giải Phim hay nhất, Đạp huyết tầm mai lại là phim duy nhất trong lịch sử lâu dài của lễ trao giải thắng cả 5 hạng mục diễn xuất.
Và lần lượt, từ năm 2017 đến 2020, hạng mục này cũng vinh danh phim của toàn đạo diễn mới hoặc chưa thực sự được biết đến rộng rãi trước đó.
SCMP nhận định: “Những gương mặt mới nổi lên nhờ sáng kiến trong việc nuôi dưỡng thế hệ nhà làm phim mới”.
Đối với khán giả, họ không cho rằng thế hệ kỳ cựu bị soán ngôi ở các lễ trao giải. Chỉ đơn giản rằng thế hệ mới đang cố gắng bảo tồn bản sắc của điện ảnh Hong Kong vốn được rất nhiều đối tượng khán giả yêu mến.
Trong vài năm trở lại đây, khán giả có dịp thưởng thức các phim được đánh giá cao của đạo diễn trẻ như Hơn cả giấc mơ, Kẻ lưu lạc, Thuốc lá cuộn tay, Hạnh phúc giản đơn…
Theo SCMP, khác với thời của Thành Long hay Châu Tinh Trì, bức tranh điện ảnh Hong Kong của hôm nay hiện lên với sự vui mừng, nhộn nhịp theo kiểu mới, tiếp cận được với xu thế thời đại.
“Đây là thời điểm tốt nhất để các đạo diễn Hong Kong có ý thức xã hội, ham hiểu biết và trí tuệ cao bắt đầu sự nghiệp”, tờ báo nhấn mạnh.