Thực vật có ‘sống’ được trên Mặt trăng?

Lần đầu tiên cây trồng trên mặt đất có thể nảy mầm và phát triển trong đất lấy từ Mặt trăng trong một thử nghiệm mang tính cột mốc vừa được công bố.

Thực vật có sống được trên Mặt trăng? - Ảnh 1.

Nhà khoa học Anna-Lisa Paul (trái) và Rob Ferl nghiên cứu đất Mặt trăng – Ảnh: UNIVERSITY OF FLORIDA

“Khi nền văn minh con người đi đến nơi nào, chúng ta luôn mang theo nền nông nghiệp của mình. Ý tưởng từ (trồng cây trên) đất Mặt trăng đến nhà kính Mặt trăng là giấc mơ đang chờ được khám phá”, nhà nghiên cứu Rob Ferl cho biết.

Nhưng câu hỏi con người có thể xây dựng một nhà kính trên “xứ sở của chị Hằng” không thì vẫn còn để ngỏ.

Đầu tháng 5-2022 các nhà khoa học thuộc ĐH Florida (Mỹ) đã thành công khi trồng cây trên mẫu đất lấy từ Mặt trăng (còn gọi là “regolith” – “lớp đất mặt”) do các tàu vũ trụ thuộc chương trình Apollo của NASA đưa về. Nghiên cứu này có thể đặt nền tảng cho việc trồng các loài cây cung cấp oxy và thực phẩm cho con người trên Mặt trăng.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Communications Biology dù mới được thông qua 18 tháng trước nhưng thực tế đã trải qua một quá trình đề xuất cách đây 15 năm. Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu trên 12 gam (gần ba muỗng cà phê) đất Mặt trăng mang về trong sứ mệnh Apollo 11, 12 và 17 (từ 1969 – 1972).

Họ đặt các mẫu đất “lịch sử” này vào nhiều khay nhựa, mỗi khay 1 gam đất cùng với nước và chất dinh dưỡng để ươm các hạt cây Arabidopsis thaliana (cải xoong thale). Họ chọn loài thực vật có hoa nhỏ có nguồn gốc từ Á – Âu (Eurasia) và châu Phi này vì nó đã được nghiên cứu kỹ và giải mã bộ gene, cho phép họ theo dõi ảnh hưởng của đất Mặt trăng lên cây.

Kết quả nghiên cứu khá mỹ mãn khi hầu hết hạt giống đều nảy mầm và phát triển trên loại đất sẫm màu. “Chúng tôi đã bất ngờ. Điều đó cho thấy đất Mặt trăng không cản trở hormon hoặc tín hiệu liên quan đến sự nảy mầm của thực vật” – bà Lisa Paul, giáo sư nghiên cứu về khoa học làm vườn tại Viện Khoa học nông nghiệp và thực phẩm thuộc Đại học Florida, cho biết.

Tuy nhiên những cây cải xoong cho thấy một thực tế chúng rất khó sinh trưởng trên đất Mặt trăng. Cây trồng trên đất này có xu hướng nhỏ hơn, phát triển chậm, rễ còi cọc và chứa các sắc tố màu tía là biểu hiện của “sự căng thẳng”.

Nghiên cứu diễn ra vào thời điểm NASA dự kiến đưa người trở lại Mặt trăng trong chương trình Artemis. Từ kết quả này, nhóm khoa học muốn nghiên cứu thêm về việc trồng cây trên Mặt trăng, nơi thực vật sẽ đối mặt với điều kiện khắc nghiệt hơn như các tia vũ trụ, gió mặt trời, các hạt trong không gian.

Nhà khoa học Sharmila Bhattacharya của NASA cho rằng kết quả trên rất lý thú và mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu khác. “Chúng ta cần tìm cách làm cho cây phát triển tốt hơn trên nền regolith này. Ví dụ, chúng ta có cần thêm các thành phần khác để giúp cây trồng không, và nếu có thì chúng là gì? Có những loại cây nào khác có thể thích nghi tốt hơn không, và nếu có, những đặc điểm nào khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn?”, bà Bhattacharya nói thêm.

 

Theo Tuổi Trẻ online

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *