Lưu ý với gia đình có người cao tuổi

Người cao tuổi thường có thể hành động như một người hoàn toàn khác, khiến chúng ta cảm thấy gặp khó khăn trong việc chung sống và chăm sóc.

Điều gì khiến người cao tuổi trở nên thay đổi như vậy?

Theo các chuyên gia lão khoa, có bốn nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vấn đề của người cao tuổi.

Ảnh minh họa: YesMagazine.

Ảnh minh họa: YesMagazine

Bệnh tật: nhiều căn bệnh tuổi già dẫn đến khó khăn về trí nhớ và chức năng nhận thức. Điều này dẫn đến những thay đổi hành vi ở người cao tuổi, nhất là khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Tác dụng phụ của các tình trạng bệnh tật: Một số người mất khả năng ngôn ngữ sau khi đột quỵ. Điều này làm cho họ gặp khó khăn trong giao tiếp, không thể biểu đạt các nhu cầu của bản thân như đói, khát, đau, dẫn tới sự thất vọng, tức giận…

Căng thẳng từ cuộc sống hàng ngày: Thu nhập ít hơn và chi phí y tế cao hơn có thể là vấn đề khiến những người cao tuổi gặp áp lực, căng thẳng. Ngoài ra, cảm xúc tiêu cực này còn có thể xuất hiện khi người già cảm thấy cô đơn và sợ hãi suy giảm chức năng.

Đối diện với đau buồn, mất mát: Việc mất người thân hoặc bạn bè có thể dẫn đến trầm cảm ở người cao tuổi, nếu họ không được xoa dịu, vỗ về kịp thời.

Các hành vi khác biệt của người cao tuổi và giải pháp ứng phó.

Các hành vi hung hăng

Người già đột nhiên trở nên khó chịu và có thể buông lời lăng mạ hoặc chửi rủa khó nghe. Đây là cú sốc với người thân chịu trách nhiệm chăm sóc họ. Nếu không được kiểm soát, người già sẽ có hành vi ngược đãi người chăm sóc.

Cách đối phó.

Nên tìm hiểu nguyên nhân sau các hành vi hung hăng là do bệnh tật, đau đớn thể xác hay tinh thần. Nếu đó là do bệnh tật, cần tìm cách chữa trị kịp thời. Với các vấn đề về tinh thần, cần lắng nghe, xoa dịu, thấu hiểu.

Ngoài ra, bạn cần đặt ra các quy tắc cơ bản với người cao tuổi. Hãy cho họ biết bạn đang chăm sóc họ và sẽ không chấp nhận hành vi ngược đãi như vậy. Bạn có thể giúp họ thấy hành vi của họ có hại như thế nào bằng cách nói cho họ biết, người thân yêu hoặc bạn đời sẽ cảm thấy thế nào khi nghe những lời khó nghe đó. Một số người già chỉ nổi đóa với một số đối tượng nhất định, ví dụ con dâu/con gái… Trong trường hợp này, bạn có thể thuê người giúp việc để hỗ trợ.

Bạn cũng có thể sử dụng thuật phân tâm, tức là cố gắng chuyển sự chú ý của người già khỏi những cảm xúc tiêu cực họ đang có.

Các hành vi gây sự chú ý

Hành vi tìm kiếm sự chú ý bao gồm làm mình làm mẩy, dỗi, yêu cầu người chăm sóc hoặc người thân phải thường xuyên trong tầm mắt mình, không được làm công việc gì khác ngoài chăm sóc họ. Trong trường hợp này, dù vẫn có khả năng tự làm mọi việc, người bệnh cao tuổi vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc về tất cả nhu cầu thể chất và tình cảm.

Cách đối phó.

Trong trường hợp này, bạn cần đặt ra ranh giới cụ thể với người cao tuổi. Nên giải thích cho họ hiểu, bạn cũng có cuộc sống của mình và cần kiếm tiền chăm sóc gia đình, con cái. Nên để họ tương tác nhiều hơn với những người khác bằng cách đưa họ đến các trung tâm dành cho người cao tuổi, câu lạc bộ sách… để họ hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn và giảm bớt sự phụ thuộc vào bạn. Bạn cũng nên cân nhắc thuê một người chăm sóc tại nhà để hỗ trợ, nếu cần.

Các hành vi hoang tưởng, ảo tưởng

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi có thể khiến họ bị hoang tưởng, gặp ảo giác về các vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Họ có thể buộc tội ai đó về hành vi trộm cắp hoặc lạm dụng dù điều đó không hề xảy ra. Họ cũng có thể nhìn thấy những thứ không có thật hoặc tin rằng ai đó đang làm hại họ.

Cách đối phó.

Các ảo giác và ảo tưởng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về thể chất hoặc tinh thần. Nên trao đổi với bác sĩ để nghe tư vấn, bởi đó có thể là do tác dụng phụ của thuốc hay sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, bạn không nên lớn tiếng phủ nhận những gì người già nói. Nên giả bộ thừa nhận những gì họ nhìn thấy, đồng thời trấn an họ rằng họ an toàn và bạn luôn ở đó để giúp đỡ họ. Đừng cố thuyết phục rằng những gì họ đang thấy là không có thật, vì điều này có thể dẫn đến sự nghi ngờ, lo sợ nhiều hơn.

Các vấn đề về miếng ăn, giấc ngủ

Nhiều người già không chịu tắm giặt, ăn rồi lại nói không ăn, tối không chịu đi ngủ… “Hội chứng Sundown” – một hội chứng xảy ra ở người cao tuổi, thường là vào buổi chiều, khiến họ nhầm lẫn, kích động, bồn chồn.

Cách đối phó.

Để giải quyết vấn đề này, bạn nên giữ thói quen và lịch trình ngủ cho người già ổn định. Tạo cho họ môi trường ngủ tốt, để họ có giấc ngủ ngon. Cho họ sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt điều độ, đúng giờ giấc để họ thành thói quen sinh hoạt. Đừng càu nhàu khi họ không đi tắm, điều đó có thể tạo ra tác dụng ngược.

Các vấn đề về tiền bạc

Một số người cao niên chuyển sang một trong hai thái cực cực đoan là chi tiêu quá mức hoặc tiết kiệm quá mức. Họ có thể dễ tin vào những lời đường mật, cho tiền người lạ, bị lừa đảo… Ngược lại, họ có thể vô cùng keo kiệt, thậm chí không bỏ một xu nào cho ai.

Cách đối phó.

Bạn có thể nhờ bên thứ ba hòa giải, lắng nghe người cao tuổi và đưa ra lời khuyên một cách khách quan. Bạn cũng có thể in ra giấy tờ, văn bản “giấy trắng mực đen” làm bằng chứng, cho thấy dòng tiền đang được chi tiêu ra sao.

Với một số người cao tuổi, quản lý tiền bạc không đúng cách có thể là một trong những dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ.

Tích trữ

Nhiều người già, khi phát hiện mình đã “gần đất xa trời” sẽ có xu hướng nhặt nhạnh, tích trữ những món đồ họ cho là hữu ích. Điều này gây khó chịu cho người trong gia đình, do điều kiện sống mất vệ sinh hoặc không an toàn.

Trong trường hợp này, bạn có thể mua cho họ một chiếc hộp/tủ/hòm, là nơi tích trữ đồ, giúp họ lưu lại những thứ đặc biệt với họ.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *