Everything Everywhere All At Once của nhà A24 tái định nghĩa cách đa vũ trụ thật sự hỗn loạn.
Phim lấy cùng đề tài với Doctor Strange in The Multiverse of Madness, khi đặt nhân vật chính vào chuyến phiêu lưu khắp đa vũ trụ, từ đó mở khoá sức mạnh đánh bại phản diện. Evelyn Wang (Dương Tử Quỳnh) là một người Mỹ gốc Á đang chật vật với đống hóa đơn kiểm toán. Bỗng dưng chồng cô, Waymon Wang (Quan Kế Huy) đến từ thế giới song song lôi Evelyn vào một cuộc chiến với thực thể đa vũ trụ Jobu Tupaki (Stephanie Hsu).
Dù cùng đề tài với phim nhà Marvel, Everything Everywhere All At Once nhỉnh hơn về cốt truyện với các tình tiết có lớp lang, dễ hiểu. Ngoài ra, phim không lạm dụng kỹ xảo để khắc họa bối cảnh đa vũ trụ, nhưng vẫn tạo được vẻ đặc trưng của nhân vật chính trong từng thế giới.
Khai thác tối đa tiềm năng chủ đề “Đa vũ trụ”
Thế giới song song là một thử thách đối với nhà làm phim vẫn diễn viên tham gia. Chủ đề không chỉ “đánh đố” khả năng phân tách, tạo đặc trưng của đạo diễn, biên kịch, mà còn đòi hỏi tài năng diễn xuất hóa thân nhiều vai trong cùng một phim của diễn viên. Doctor Strange in The Multiverse of Madness đã làm tốt trong khâu tách biệt đặc trưng của từng “Phù thủy tối thượng”, nhưng sự khác biệt trong tạo hình không rõ ràng, diễn xuất của Benedict Cumberbatch cũng không thể hiện nét đa chiều trong từng phiên bản. Với Everything Everywhere All At Once, mỗi Trái Đất mang một tông màu riêng biệt, Evelyn Wang làm mỗi ngành nghề khác nhau ở các thế giới, nên người xem dễ dàng phân biệt nhân vật trong từng cảnh quay. Bên cạnh đó, tài năng diễn xuất của Dương Tử Quỳnh lần nữa được khẳng định khi cô thực hiện xuất sắc các phiên bản khác nhau của mình, từ người biểu diễn đường phố đến minh tinh màn ảnh.
Sự phát triển nhân vật trong phim diễn ra hợp lý, không bị quá nhanh. Với Evelyn, dù khai phá tiềm năng bản thân trễ hơn so với Jobu Tupaki, cô vẫn có những tác nhân khách quan như Waymond Wang tác động để làm bệ phóng thúc đẩy mặt nhận thức. Waymond Wang ở đầu phim là một ông chồng nhút nhát, nhu nhược, nhưng dần về sau, anh lại thể hiện rõ được vai trò cầu nối, bệ phóng của mình xuyên suốt mạch phim. Còn Jobu Tupaki, động cơ lẫn hành vi của cô là hợp lý, được đúc kết sau những trải nghiệm ở khắp đa vũ trụ. Chính vì vậy, khán giả dễ đồng cảm, thấu hiểu cho nhân vật.
Mặt khác, phim khéo léo lồng ghép các yếu tố văn hóa đại chúng. Trong phân cảnh Evelyn và Waymond trở thành ngôi sao lớn nhưng không đến được với nhau, kỹ thuật step-printing, ánh đèn neon được sử dụng như gợi nhắc lại sắc màu buồn trong các phim tình cảm của Vương Gia. Ngoài ra, trong các cảnh chiến đấu, người xem dễ dàng bắt gặp các thế thủ Thái Cực, Vịnh Xuân, Thiếu Lâm quen thuộc trong các phim võ thuật xưa.
Tuy nhiên, thông điệp của phim truyền tải không mới, còn có phần “gượng gạo”
Everything Everywhere All At Once xoay quanh vấn đề gia đình người nhập cư và khoảng cách giữa các thế hệ. Evelyn Wang và con gái Joy Wang (Stephanie Hsu) là cặp mẹ con “kiểu mẫu” trong gia đình gốc Á ở Mỹ. Bối cảnh phim sử dụng có phần tương tự Turning Red và nhiều tác phẩm khác. Ngoài ra, khâu truyền tải của phim bị gượng ép trong nhiều phân cảnh.
Bên cạnh đó, motif phim có xu hướng đi theo lối mòn của những tác phẩm khác thuộc nhà A24. Nếu Hereditary có Peter Graham (Alex Wolff) đối đầu với giáo phái thờ phụng chúa quỷ Paimon, Midsommar có Dani hoà nhập và cộng đồng dân tộc thiểu số Thuỵ Điển, thì Evelyn chiến đấu với Jobu Tupaki cùng những “con chiên” trong Everything Everywhere All At Once. Vì thế, tuyến truyện phim không mang tính đột phá so với những tác phẩm tiền nhiệm với motif nhân vật chính chiến đấu với một giáo phái cuồng tín.
Tuy nhiên, phim vẫn mang giá trị điện ảnh cao và dàn diễn viên duyên dáng
A24 là nhà sản xuất các phim mang hướng hàn lâm. Tiêu biểu có thể kể đến Moonlight từng giành giải Oscar cho phim xuất sắc năm 2017, hoặc tác phẩm được đánh giá cao về mặt nghệ thuật như The Lighthouse. Cho nên, Everything Everywhere All At Once được kế thừa từ những tinh hoa của các phim trước trong khâu hình ảnh. Từng khung hình đều tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc bố cục, nhằm tăng giá trị xem lại, trải nghiệm của khán giả. Phim còn ghi điểm với kỹ thuật hậu kỳ sáng tạo trong nhiều phân đoạn cắt cảnh.
Bên cạnh Dương Tử Quỳnh, tuyến nhân vật phụ đảm đương một phần trách nhiệm trong việc khắc họa bối cảnh đa vũ trụ của phim. Quan Kế Huy và Stephanie Hsu đã làm tròn vai của mình. Ngoài thành công trong việc lột tả nhiều “nhân cách” của nhân vật, nam diễn viên đôi khi còn khiến người xem lầm tưởng anh là Lương Triều Vỹ trong một số phân cảnh. Mái tóc 7/3, đôi mắt buồn sâu thẳm, cùng lời nói nhẹ nhàng, làm người hâm mộ không khỏi liên tưởng đến “diễn viên ruột” của Vương Gia. Khán giả không khỏi bất ngờ vì độ tuổi thật của cô bé Joy Wang, con gái cưng của mẹ Evelyn. Stephanie Hsu, nữ diễn viên 31 tuổi có màn hóa thân xuất sắc và màn chuyển đổi thần thái liên tục từ một cô bé thiếu niên bồng bột, cho đến một thực thể vũ trụ nguy hiểm. Đồng thời, màn thể hiện của cô có phần tốt hơn nữ đồng nghiệp Elizabeth Olsen khi động cơ, lẫn hành động của Wanda thiếu thuyết phục hơn Jobu Tupaki.
Sau khi làm phim kinh dị, phim độc lập quy mô nhỏ, A24 quyết định làm phim hơi hướng “vĩ mô” đến cấp độ “đa vũ trụ” như Everything Everywhere All At Once. Phim vừa đảm bảo yếu tố hàn lâm lẫn giải trí. Đồng thời, bộ phim ghi điểm qua sự chỉn chu về mặt hình ảnh, hậu kỳ lẫn tài năng diễn xuất của các diễn viên. Tuy nhiên, tác phẩm chưa thể hiện hết tiềm năng cốt truyện của mình, thông điệp truyền tải có phần lỗi thời, cũng như gượng gạo. Nhưng, Everything Everywhere All At Once, đã có phần trình diễn xuất sắc khi lột tả đa vũ trụ phong phú của phim nhưng không cần sử dụng nhiều kỹ xảo.