Trong “My Liberation Notes”, các nhân vật bày tỏ mong muốn được “giải phóng” khỏi cuộc sống thường ngày tẻ nhạt, đơn điệu. Nhiều người xem bày tỏ sự đồng cảm.
Ngày 22/5, tập 14 của bộ phim My Liberation Notes lên sóng. Theo Nielsen Korea, tập phim ghi nhận mức rating trung bình toàn quốc là 6,1%, đánh dấu tỷ suất người xem cao nhất từ trước đến nay của bộ phim.
Ngoài ra, theo kết quả bảng xếp hạng nội dung giải trí phổ biến vào tuần thứ 3 của tháng 5 do Good Data’s TV công bố, My Liberation Notes tiếp tục đứng đầu trong 3 tuần liên tiếp. So với tuần trước, mức độ phổ biến của bộ phim tăng 18,62%.
Khởi đầu với rating 2,9%, My Liberation Notes ngày càng chiếm được nhiều tình cảm từ khán giả khi tỷ suất người xem của bộ phim tăng đều đặn qua từng tập. Theo Big Issue, điểm cuốn hút của My Liberation Notes nằm ở việc bộ phim “an ủi người xem theo một cách rất riêng”.
Cuộc sống buồn tẻ, vô vị
Nhân vật chính của My Liberation Notes là ba người con của gia đình Yeom – hai cô con gái và một cậu con trai. Họ sống trong ngôi nhà nhỏ, khiêm tốn ở Gyeonggi, khu vực ngoại ô Seoul.
“Thuyết Gyeonggi-do” mà Chang Hee (Lee Min Ki thủ vai) nhắc đến ở đầu phim phần nào nói lên cuộc sống hàng ngày mệt mỏi của ba chị em.
Người dân ở nơi họ sinh sống không có lựa chọn nào khác ngoài kết bạn với nhau vì mật độ dân số thấp. Dường như không có bí mật nào tồn tại giữa mọi người.
Mỗi ngày, ba anh chị em nhà Yeom phải dành ra một tiếng rưỡi chỉ để di chuyển đến nơi làm việc tại Seoul. Họ rời công ty khi trời vẫn còn sáng, nhưng khi họ về đến khu phố này, trời đã chuyển đêm.
Không ai trong số họ sở hữu ôtô vì không được cha cho phép. Cha họ là người có phần cứng nhắc, bảo thủ. Ông coi thường hành động “chi tiêu một cách không cần thiết” và tin vào phẩm giá của lao động.
Giống với ba chị em nhà Yeom, bạn bè, đồng nghiệp, người thân xung quanh họ cũng cảm thấy kiệt sức vì người khác. Nhưng như Mi Jeong đã nói, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài cố gắng vươn lên và sống.
Họ cảm thấy khó chịu vì nhiều thứ, từ chiếc vỉ ruồi mẹ vung đi vung lại trước màn hình TV, bữa nhậu nhẹt rượu bia với bạn bè đến lời mắng nhiếc “con sẽ sống như này đến năm bao nhiêu tuổi?” bố đột nhiên nói. Tuy nhiên, họ chịu đựng tất cả và tập trung sống cuộc sống của họ.
“Liệu có khác biệt nào nếu chúng ta sống ở Seoul không?” là điều ba chị em nhà Yeom tự hỏi, mặc dù họ biết sẽ chẳng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng về một điều mới mẻ, viên mãn giúp chuyển biến cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu hiện tại. Cả ba đều có khát khao, mơ mộng riêng.
Người chị cả Gi Jeong (Lee El thủ vai) muốn tìm kiếm cho bản thân chàng trai hoàn hảo. Cô lập ra danh sách các tiêu chí, kỳ vọng đối với người trong mộng. Nếu gặp người không đủ tiêu chuẩn, cô lập tức từ chối họ. Mãi sau này, khi bước sang tuổi 40, Gi Jeong mới nhận ra bản thân có rất ít kinh nghiệm trong chuyện tình cảm.
Một ngày nọ, cô tuyên bố trước mặt em trai và em gái mình: “Chị sẽ yêu bất cứ ai kể từ bây giờ”.
Chang Hee, người con giữa và cũng là con trai duy nhất trong gia đình, tỏ ra khá dè dặt với các mối quan hệ tình cảm. Anh sợ bản thân làm thất vọng người yêu của mình. Theo Chang Hee, nếu anh không phải lo lắng về việc bắt chuyến tàu cuối cùng để về nhà sau khi hẹn hò, anh sẽ có nhiều cơ hội tốt đẹp hơn trong tình yêu.
Mi Jeong (Kim Ji Won thủ vai), người con út trong gia đình, luôn cố gắng để không làm phật ý ai, cả ở công ty và ở nhà. Tuy nhiên, trong trái tim cô luôn tồn tại lỗ hổng lớn về tình yêu. Mi Jeong cho biết cô chưa bao giờ nhận được tình yêu vô điều kiện, kể cả là từ cha mẹ.
Chính khao khát được yêu thương đã đưa Mi Jeong đến bên anh Gu (Son Seok Gu thủ vai), người đàn ông bí ẩn làm việc tại khu xưởng nhỏ sản xuất bồn rửa bát của cha cô. Không ai biết tên đầy đủ của anh. Anh thường chìm đắm trong men rượu. Anh hầu như không nói chuyện với người khác.
Thế hệ bị bó buộc bởi quy chuẩn xã hội
“Anh không có việc khác để làm ngoài uống rượu sao? Hãy tôn thờ tôi đi. Trái tim tôi chưa từng được lấp đầy, và tình yêu thì không đủ. Hãy sùng bái tôi”, Mi Jeong nói với Gu như thể một mệnh lệnh.
Phân cảnh này xuất hiện trong tập 4. Sau khi lên sóng, từ “chuang” – nghĩa là “sùng bái”, “tôn trọng” hoặc “tôn thờ” trong tiếng Hàn – trở thành cơn sốt trên mạng xã hội Hàn Quốc.
Giống với nhân vật anh Gu trong phim, nhiều khán giả phải tra từ điển để hiểu nghĩa chính xác của từ này. Từ này hiếm khi được sử dụng trong phim truyền hình hay cuộc đối thoại hàng ngày – đặc biệt giữa hai người có mối quan hệ tình cảm lãng mạn.
“Tại sao một từ đầy xa lạ lại gây tiếng vang lớn?”, “Tại sao mọi người đồng cảm với một nhân vật muốn trở thành đối tượng được tôn kính như phương thức giải phóng bản thân?”, “Sự giải phóng mà Mi Jeong khao khát ngay từ đầu là gì?” là câu hỏi mà một số người đặt ra.
Ba chị em nhà Yeom đều là người bình thường. Không có vấn đề đáng kể xảy ra trong cuộc sống của họ, ít nhất là trên bề mặt. Họ không thực sự chỉ ra được họ đã làm gì sai hay có điều gì sai, nhưng cùng lúc, họ cảm thấy cuộc sống của mình còn thiếu thốn thứ gì đó.
“Tôi muốn gọi cho ai đó và nói bất cứ điều gì. Tôi muốn có cuộc trò chuyện giúp tôi thư giãn, thay vì chỉ nói chuyện phiếm để chứng tỏ sự hiện diện của mình”, Gi Jeong nói.
Theo The Korea Herald, My Liberation Notes dường như là bức chân dung họa lại một thế hệ bị mắc kẹt bởi tiêu chuẩn họ tự đặt ra – hoặc những tiêu chí họ nghĩ bản thân cần đặt ra sau khi quan sát, học hỏi từ xã hội – cho các mối quan hệ.
Họ tiếp thu lối suy nghĩ, cách tiếp cận mang tính phán xét và phân loại mọi người dựa trên tiền bạc, của cải, hình ảnh bên ngoài và địa vị. Họ cố gắng hết mình để hòa nhập vào nhóm người họ muốn giao lưu cùng. Họ có sự chọn lọc nhất định khi lựa chọn bạn bè, bạn đời.
Tuy nhiên, danh sách “tiêu chí” để xếp loại khả năng kinh tế, địa vị của ai đó tại Hàn Quốc ngày càng dài. Chúng thường gây tác động, thậm chí là xác định, cách mọi người nhìn nhận giá trị của nhau. Điều này có thể khiến một số người cảm thấy lo lắng nếu họ không đạt được tiêu chuẩn cao mà họ hoặc người khác đề ra.
Khát khao được “giải phóng”
Trước đây, khi mọi thứ đơn giản hơn, con người sống với điều kiện vật chất ít dư dả hơn rất nhiều. Sự thiếu hụt này thúc đẩy mọi người phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp, trọn vẹn hơn.
Nhưng khi không có hy vọng rằng sự chăm chỉ sẽ được đền đáp xứng đáng, không còn nhiều người phấn đấu để đạt thành công. Họ khao khát được “giải phóng”.
The Korea Herald cho rằng My Liberation Notes gợi liên tưởng đến “thế hệ Sampo” – thuật ngữ tại Hàn Quốc chỉ thế hệ đã từ bỏ 3 điều gồm hẹn hò, kết hôn, sinh con do chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tình trạng thiếu thốn nhà ở.
Thuật ngữ này được tạo ra lần đầu vào năm 2011. Các từ ngữ có ý nghĩa tương tự tiếp tục xuất hiện, điển hình như “thế hệ Sippo” hay “thế hệ Wanpo” – từ chỉ thế hệ đã từ bỏ 10 điều gồm hẹn hò, kết hôn, sinh con, việc làm, sở hữu nhà, mối quan hệ cá nhân, hy vọng, sức khỏe, ngoại hình và cuộc sống, hay nói cách khác là từ bỏ tất cả.
Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm 1980, 1990 trở thành động lực thúc đẩy người trẻ Hàn Quốc dám nuôi hoài bão lớn, thì sự suy thoái kinh tế kéo dài suốt những thập kỷ sau đó đã thúc đẩy hành vi cạnh tranh rất gay gắt trong xã hội.
Giữa bối cảnh này, một số người ngừng hy vọng vào ngày mai tốt đẹp hơn và từ bỏ kế hoạch tương lai.
Do vậy, có lẽ người xem Hàn Quốc đồng cảm với nhân vật Mi Jeong và cách dùng từ “chuang” của cô ấy vì họ cũng muốn được yêu thương mà không bị ràng buộc. Họ khao khát được chấp nhận trong xã hội cạnh tranh, đầy tính phán xét này.