“Mô hình đa cấp”, “không đáng tin cậy”, “vô giá trị” là những nhận xét được một số quan chức và chuyên gia tài chính hàng đầu đưa ra.
Những nhận xét trên xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 (WEF), diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 22 tới 26/5, trong bối cảnh hai tiền số thuộc hệ sinh thái Terra là Luna và UST biến động mạnh và mất gần hết giá trị gần đây.
Mô hình đa cấp
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), so sánh một số loại tiền điện tử với các mô hình đa cấp kim tự tháp.
“Khi ai đó hứa với bạn lợi tức 20% bằng một thứ gì đó không được cam kết với bất cứ tài sản thực nào, chúng ta sẽ gọi là gì?”, bà đặt câu hỏi cho mô hình gửi Luna và UST để lấy lãi 20% của Terra. “Tôi gọi nó là một kim tự tháp, một mô hình kim tự tháp trong thời đại kỹ thuật số”.
Cũng theo bà Georgieva, Bitcoin có thể được xem là một đồng xu có giá trị, nhưng không thể gọi là tiền vì điều kiện tiên quyết để một thứ được gọi là tiền là nó phải giữ giá trị ổn định.
Bà Georgieva cũng lưu ý, một số loại tiền kỹ thuật số sẽ có giá trị nhất định với các mức độ rủi ro khác nhau. Bà ví dụ, các loại tiền số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ có giá trị, vì được nhà nước hỗ trợ. “Nó mới xứng đáng với tên gọi là stablecoin vì được hỗ trợ bởi các tài sản trên cơ sở 1-1″, người đứng đầu IMF nhấn mạnh.
Bà cảnh báo người dùng rằng tiền số đang không nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý. “Khi tiền số càng ít sự ủng hộ, bạn càng nên chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với rủi ro sắp tới”, bà nói.
Dù phản đối, bà Georgieva cho rằng không nên từ bỏ hoàn toàn tiền kỹ thuật số. Thay vào đó, chúng nên được quản lý và kiến thức về chúng cần được triển khai phổ biến hơn nhằm giúp mọi người không đầu tư mù quáng.
Vô giá trị
Trả lời đài truyền hình Hà Lan ngày 22/5, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, khẳng định tiền số không hề có giá trị vì “nó không dựa trên gì cả, không có tài sản cơ bản nào để đảm bảo như một mỏ neo của sự an toàn”.
“Chúng là tài sản đầu cơ bởi giá trị thay đổi theo thời gian”, bà nói. “Chúng ta nên gọi một cái thuổng là cái thuổng. Tài sản là tài sản, nó phải được quy định như vậy, phải được các cơ quan quản lý tài sản giám sát. Không nên xem nó là tiền tệ”.
Trước đó, không ít chuyên gia cũng nhận định giá trị các loại tiền số như Bitcoin sẽ “về 0” và khuyên mọi người không nên đầu tư. “Tôi nghĩ Bitcoin không có giá trị. Tôi không muốn nói nhiều, nó không có ý nghĩa gì với tôi”, Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan, nói với CNBC. Giữa tháng 12 năm ngoái, đại diện Ngân hàng Trung ương Anh cho rằng người đầu tư Bitcoin và các loại tiền điện tử nên chuẩn bị tinh thần sẽ mất tất cả.
Không đáng tin cậy
François Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Pháp, nói ông không coi tiền điện tử là tài sản, “càng không phải phương tiện thanh toán đáng tin cậy”.
Cũng theo ông, để tiền điện tử trở thành một loại tiền tệ, phải có ai đó chịu trách nhiệm về giá trị của tiền điện tử. Chưa kể, nó phải được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện trao đổi. “Hiện nay, mọi thứ không phải vậy”, ông nói.
Nhận xét về sự sụp đổ của Luna và UST, Galhau tin “các công dân đã mất niềm tin vào tiền điện tử”.
Chỉ dùng để đầu tư
Theo Sethaput Suthiwartnarueput, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, tiền điện tử đơn giản là khoản đầu tư thay vì là phương tiện thanh toán.
“Bạn muốn đầu tư vào tiền điện tử cũng được, nhưng tôi không xem nó như một phương tiện thanh toán vì nó không phù hợp”, ông nói tại Davos.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đang phát triển một loại tiền kỹ thuật số. Đầu năm nay, nước này thông báo cấm dùng tiền điện tử làm phương thức thanh toán, đồng thời cho rằng việc sử dụng rộng rãi tài sản số là mối đe dọa đối với nền kinh tế Thái Lan.