7 điều cha mẹ nên làm để trẻ biết đứng lên khi vấp ngã

Tiến sĩ thần kinh học Lisa Feldman Barrett (ĐH Harvard) chỉ ra 7 quy tắc nuôi dạy con để giúp trẻ xây dựng một não bộ linh hoạt, biết phục hồi sau thất bại hay khó khăn.

Cha mẹ nên là một người làm vườn, không phải là một thợ mộc

Những người thợ mộc chạm khắc gỗ thành hình dạng họ muốn. Những người làm vườn giúp mọi thứ phát triển một cách tự nhiên, thông qua việc trồng trọt, vun xới.

Tương tự như vậy, cha mẹ có thể là một người làm vườn, cung cấp một môi trường khuyến khích sự phát triển lành mạnh của trẻ theo bất kỳ hướng nào chúng muốn.

Nhiều cha mẹ muốn con thành nhạc sĩ, bác sĩ, nhưng việc ép chúng học (như cách tạo ra sản phẩm của người thợ mộc) chỉ cho ra những tác phẩm khô cứng. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận của người làm vườn lại là tạo ra nhiều cơ hội, xem trẻ quan tâm tới thứ gì. Khi bạn hiểu loại cây mình đang trồng, bạn có thể điều chỉnh cách chăm bón để nó bén rễ và phát triển.

Nên trò chuyện, đọc sách cho con nghe thật nhiều

Nghiên cứu cho thấy ngay cả khi trẻ mới vài tháng tuổi và không hiểu nghĩa của từ, não của trẻ vẫn có thể nắm bắt được từ đó. Điều này giúp xây dựng một nền tảng cho việc học sau này. Vì vậy, trẻ càng nghe nhiều từ, hiệu quả càng lớn.

Nên dạy cho chúng nhiều từ vựng về cảm xúc, ví dụ buồn, vui, thất vọng. Càng biết nhiều, trẻ càng có thể hành động linh hoạt hơn. Đừng quên diễn đạt cảm xúc của mình khi chứng kiến sự vật, hiện tượng nào đó cho trẻ nghe, ví dụ: “Con thấy bạn đang khóc kia không? Bạn ấy ngã đau và trầy đầu gối. Có lẽ bạn ấy rất buồn và muốn mẹ bạn ôm”.

Nên giải thích sự việc

Có thể bạn rất mệt mỏi bởi con liên tục hỏi “Tại sao?” nhưng khi bạn giải thích một chuyện với con, bản thân bạn cũng đã tiếp thu một điều gì đó mới mẻ từ thế giới xung quanh. Nên tránh việc giải thích cho xong, giải thích không cụ thể nội dung để trẻ cũng luôn đi vào trọng tâm vấn đề.

Thay vì nói: “Con không nên ăn nhiều bánh quy vì bố không cho phép”, hãy nói “Con không nên ăn nhiều bánh quy vì đau bụng và anh của con không có bánh ăn vào sáng mai”. Lý luận này giúp trẻ hiểu hậu quả của hành động của chúng và nuôi dưỡng sự đồng cảm.

Đánh giá hoạt động, không đánh giá con người

Khi con lớn của bạn đánh con bé, đừng mắng con “Đồ hư thân mất nết”. Hãy giải thích: “Đừng đánh em. Con làm tổn thương em, làm em cảm thấy đau”.

Quy tắc tương tự với lời khen. Thay vì khen ngợi “Con giỏi quá” khi trẻ làm việc tốt, hãy bình luận “Con đã làm đúng, mẹ thấy công việc đó có kết quả tốt”. Cách dùng từ ngữ như vậy giúp não bộ của trẻ xây dựng các khái niệm hữu ích hơn về hành động và bản thân chúng.

Điều này cũng được vận dụng để mô tả các nhân vật bạn quan sát thấy, và truyền đạt nó với con. Thay vì nói “Bạn đó là kẻ nói dối”, nên nói “Bạn đó đã nói dối”. Sau đó, nên đặt ra câu hỏi với con “Con nghĩ vì sao bạn ấy làm như vậy? Con nghĩ bạn ấy nên làm thế nào?”.

Thay vì đưa ra kết luận, nên đặt trẻ vào các tình huống thực tế và để chúng linh hoạt trong việc chọn lựa hướng giải quyết, đánh giá.

Hãy giúp con bạn sao chép

Trẻ em học hỏi một cách tự nhiên bằng cách quan sát, sao chép cách thức của người lớn. Đó là một cách học hiệu quả và mang lại cho trẻ cảm giác làm chủ. Vì vậy, đừng ngại giao cho chúng dụng cụ phù hợp độ tuổi và để việc bắt chước bắt đầu.

Nên cho trẻ tiếp xúc an toàn với nhiều người

Cùng với những người mà con bạn thường gặp như ông bà, cô dì chú bác, bạn bè, những đứa trẻ khác, nên cố gắng cho chúng tiếp xúc với mọi người nhiều hơn, kể cả khi chúng còn nhỏ.

Theo nghiên cứu, những em bé tiếp xúc thường xuyên với những người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể giữ lại trong não những “từ khóa” giúp chúng học các ngôn ngữ khác trong tương lai. Tương tự, những em bé nhìn thấy đa dạng các khuôn mặt có thể tự phân biệt và ghi nhớ nhiều khuôn mặt hơn trong cuộc sống sau này.

Cần để trẻ chủ động

Trẻ em thích tự mình thử mọi thứ mà không cần cha mẹ giúp đỡ, chẳng hạn như mặc quần áo hoặc lắp ráp đồ chơi. Điều này là tốt, do chúng giúp con bạn phát triển cảm giác tự chủ.

Đương nhiên, có những việc trẻ làm sai. Vậy thì, biết khi nào nên can thiệp và khi nào nên lùi lại có thể là một thử thách. Tuy nhiên, nếu bạn luôn có mặt, hướng dẫn con và quan tâm đến mọi nhu cầu của chúng, trẻ sẽ không học cách tự làm mọi việc. Đôi khi, để trẻ tự xây dựng khả năng phục hồi và giúp trẻ hiểu được hậu quả của hành động của mình rất quan trọng.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *