Những tác nhân hàng ngày đe dọa thính giác

Tiếng nhạc cường độ cao, âm thanh lớn ở quán bar, nhà máy, máy cắt cỏ… có thể là những tác nhân gây tổn thương nặng cho tai, dẫn đến mất thính giác.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, giảm thính lực do tiếng ồn ảnh hưởng đến khoảng 17% người lớn, là kết quả của việc tiếp xúc nhiều lần hoặc với tiếng ồn quá mức. Tổn thương tai nó không phụ thuộc vào âm thanh to hay nhỏ mà phụ thuộc vào loại sóng âm tác động đến cấu trúc tai.

Mất thính lực xảy ra khi bất kỳ phần nào của tai hoặc các dây thần kinh truyền thông tin về âm thanh đến não không hoạt động theo cách thông thường. Trong một số trường hợp, mất thính lực có thể là tạm thời. Tuy nhiên, nó có thể trở thành vĩnh viễn khi các bộ phận quan trọng của tai bị hư hại không thể sửa chữa được. Tổn thương bất kỳ phần nào của tai đều có khả năng dẫn đến mất thính giác.

Tiếng ồn lớn đặc biệt có hại cho tai trong (ốc tai). Tiếp xúc một lần với âm thanh quá lớn hoặc nghe âm thanh lớn trong thời gian dài có thể gây giảm thính lực. Tiếng ồn lớn làm hỏng các tế bào và màng trong ốc tai. Nghe tiếng ồn lớn trong thời gian dài khiến các tế bào lông trong tai làm việc quá sức và các tế bào chết đi. Tình trạng mất thính giác sẽ tiến triển nặng hơn nếu tiếp tục tiếp xúc.

Đau tai kéo dài có khả năng dẫn đến mất thính lực. Ảnh: Freepik

Đau tai kéo dài có khả năng dẫn đến mất thính lực. Ảnh: Freepik

Trong cuộc sống hằng ngày, một số tiếng ồn trở thành nguy cơ dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho ốc tai hoặc các cấu trúc tế bào của tai trong.

Tiếng nhạc lớn

Mức độ âm thanh của buổi hòa nhạc, câu lạc bộ đêm và quán bar có thể đạt tới 120 dB hoặc lớn hơn. Tổn thương ở tai có thể xảy ra sau 9 giây khi tiếp xúc với âm thanh 120 dB. Vì vậy, mọi người nên đeo thiết bị bảo vệ để che chắn tai khi tiếp xúc với tiếng ồn quá mức.

Âm thanh lớn ở công trường, nhà máy

Âm thanh pha trộn từ những công trường, nhà xưởng cũng là tác nhân gây nên những ảnh hưởng cho tai. Các loại dụng cụ như máy khoan, máy đầm, tiếng ồn từ máy xúc, phá dỡ những ngôi nhà hỏng đều đe dọa thính giác người tiếp xúc. Tiếp xúc với tiếng ồn ở mức 85 dB trong khoảng thời gian 8 giờ được coi là nguy hiểm. Hầu hết mất thính lực do tiếng ồn là kết quả của thiệt hại tích lũy do tiếp xúc nhiều lần với tiếng ồn nguy hiểm.

Vì vậy, sử dụng thiết bị bảo vệ tai giúp làm dịu mức độ tiếng ồn là điều bắt buộc đối với những người tiếp xúc với tiếng ồn quá mức ở những nơi làm việc như công trường, nhà máy.

Tiếng máy cắt cỏ

Với định mức decibel là 90 dB, một người nếu phải nghe tiếng ồn từ máy cắt cỏ trên 3 giờ liên tục thì tai sẽ bị tổn thương. Do vậy, người làm nghề cắt cỏ nên đeo thiết bị bảo vệ tai khi sử dụng máy cắt cỏ, máy thổi lá, máy chia khúc gỗ và dụng cụ điện. Những người vô tình phải nghe tiếng ồn từ máy cắt cỏ cũng nên lưu ý, bịt tai và tìm nơi khác tạm thời tránh xa tiếng ồn.

Lưu ý tránh nghe nhạc khi cắt cỏ hoặc sử dụng các công cụ tương tự vì điều này làm tăng nguy cơ mất thính giác. Mọi người thường tăng âm lượng nhạc của họ để khắc phục tiếng ồn của máy cắt cỏ, việc pha trộn nhiều loại tiếng ồn khiến âm thanh ở mức rất nguy hiểm.

Tiếng ồn từ máy cắt cỏ có định mức cao trên 90dB. Ảnh: Freepik

Tiếng ồn từ máy cắt cỏ có định mức cao trên 90 dB. Ảnh: Freepik

Tiếng súng

Súng bao gồm súng trong các trò chơi, súng cho các vận động viên thi đấu và cả súng cầm tay. Súng tạo ra mức âm thanh lên đến 140 dB vì thế một phát bắn từ súng có thể gây tổn thương nặng cho tai. Các tế bào lông trong ốc tai bị hư hỏng, gây mất thính giác dây thần kinh giác quan, không thể phục hồi được. Bảo vệ tai là điều bắt buộc khi sử dụng súng.

Các tác động có hại có thể tiếp tục ngay cả khi ngừng tiếp xúc với tiếng ồn. Tổn thương tai trong hoặc hệ thần kinh thính giác nói chung là vĩnh viễn. Tiếng ồn có thể làm hỏng dây thần kinh thính giác mang thông tin về âm thanh đến não. Ảnh hưởng ban đầu có thể không hiển thị trong bài kiểm tra thính giác nhưng nó tạo ra ‘mất thính giác ẩn’ khiến bạn khó hiểu lời nói ở những nơi ồn ào.

Bên cạnh việc giảm độ nhạy cảm với âm thanh, mất thính giác do tiếng ồn còn gây ra các triệu chứng như luôn có cảm giác đầy tai, tiếng ồn bị bóp nghẹt, ù tai… Mức độ thiệt hại đến tai do tiếng ồn quá mức được xác định bằng khoảng thời gian một người tiếp xúc với tiếng ồn lớn, âm lượng của tiếng ồn và mức độ nghỉ ngơi của tai giữa các lần tiếp xúc. Âm thanh càng lớn thì thời gian mất thính giác càng ngắn.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *