Tôi nhớ như in giọt nước mắt uất nghẹn của vận động viên Phan Thị Bích Hà tại SEA Games 2019.
Khi đó, Bích Hà và đối thủ Elena Gohling Yin cạnh tranh quyết liệt ở nội dung đi bộ 10.000 m. Vận động viên nước chủ nhà Gohling Yin đã chạy thay vì đi, nhưng vẫn được ban tổ chức công nhận thành tích để giành huy chương vàng.
Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ khiến SEA Games thường bị cho là một giải “ao làng”.
SEA Games 31 vừa kết thúc. Chủ nhà Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn, với 205 huy chương vàng, con số tương đương ba đoàn thể thao xếp sau là Thái Lan, Indonesia và Philippines cộng lại. Nhưng tôi nghĩ, sẽ phải rất cân nhắc và có cái nhìn thấu đáo về những gì vừa diễn ra tại Đại hội thể thao Đông Nam Á ở Việt Nam, nếu tiếp tục muốn gán cho nó định danh “ao làng”.
Năm nay, tổng cộng 40 bộ môn được đưa vào tranh tài, với 523 bộ huy chương. 19 trong tổng số 40 môn tại giải đấu lần này không phải là môn thi Olympic, nhưng lại phổ biến trong khu vực hoặc đã có trong chương trình thi đấu ở ASIAD: dancesport (Philippines), bóng ném bãi biển (Philippines), futsal (Thái Lan), Muay Thai (Thái Lan), Pencak Silat (Indonesia), cầu mây (Thái Lan), cờ tướng (Singapore)…
Những môn khác như esports, wushu, bowling, kurash, karate, jujitsu, cờ vua… không phải môn Olympic nhưng đã quen thuộc trên toàn thế giới. Để dần giảm bớt tính “ao làng” cho SEA Games, Việt Nam đã loại bỏ nhiều môn kém phổ biến khỏi chương trình đại hội, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng ở những môn khác.
Sẽ có những ý kiến xoay quanh Vovinam, môn thi đấu tại kỳ đại hội này với 15 bộ huy chương. Vovinam là môn thể thao địa phương theo đúng nghĩa đen. Nhưng môn này xứng đáng góp mặt tại một kỳ SEA Games và 2022 là thời điểm thích hợp để Vovinam trở thành môn chính thức.
Thứ nhất, SEA Games không chỉ là một đại hội thể thao, nó còn là cơ hội để chủ nhà giới thiệu tinh hoa trong nền văn hóa của mình đến với bạn bè khu vực và thế giới. Vovinam là một trong những phương tiện như thế. Thứ hai, Vovinam giờ đã là môn thể thao phổ biến ở ít nhất bảy quốc gia thành viên, vậy có lý do gì Việt Nam không nhân cơ hội này quảng bá môn võ đầy tự hào, như chính con đường mà Pencak silat hay Kurash từng đi qua.
SEA Games 30 tại Philippines, đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ hai, sau nước chủ nhà, với 98 huy chương vàng (288 tổng). SEA Games 29 tại Malaysia, Việt Nam xếp thứ ba với 58 huy chương vàng (168 tổng). Tại Singapore năm 2015, Việt Nam cũng xếp thứ ba, với 73 huy chương vàng (186 tổng). Tại Myanmar 2013, Việt Nam cũng ở vị trí thứ ba, 74 vàng (245 tổng).
Sự ổn định vốn dĩ là điểm mạnh của thể thao Việt Nam trong gần một thập kỷ qua. Chúng ta đã luôn ở trong top 3 đoàn thể thao mạnh nhất các kỳ đại hội, thì không có gì lạ khi trên sân nhà, các vận động viên, với nhiều sự chuẩn bị hơn, được cổ vũ nồng nhiệt hơn, lại không thể giành vị trí nhất toàn đoàn một cách áp đảo và thuyết phục.
Thể thao Việt Nam mới hội nhập lại với khu vực và thế giới từ 1997, nghĩa là chúng ta chỉ có 25 năm phát triển để bắt đầu nghĩ đến nhiều thành quả hơn ở Olympic. Con người đã mất một thế kỷ, với sự trợ giúp của khoa học hiện đại và sự cải thiện của cơ sở vật chất chỉ để chạy cự ly 100 m nhanh hơn năm 1912 khoảng… một giây. So với thực tế này, 25 năm là một quãng thời gian không quá dài để một nền thể thao phát triển. Trong khi một số quốc gia dẫn đầu khu vực đã phát triển thể thao suốt bảy thập kỷ. Trong bảy thập kỷ đó, Thái Lan và Indonesia giành nhiều huy chương vàng nhất, có tổng số huy chương nhiều nhất lịch sử SEA Games. Và họ cũng chính là hai nền thể thao đang xếp trên ở Đông Nam Á về thành tích tại Olympic. SEA Games chính là nền tảng cho Olympic – nơi mà các quốc gia trong khu vực đang hướng tới.
Ở Olympic, Thái Lan có 10 huy chương vàng các môn cử tạ, boxing và Taekwondo. Indonesia có 8 huy chương vàng, toàn bộ ở môn cầu lông. Singapore có huy chương vàng môn bơi lội của Joseph Schooling tại Brazil 2016. Việt Nam cũng một lần giành huy chương vàng Olympic nhờ xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Điền kinh – môn thể thao quan trọng bậc nhất các kỳ Olympic, là thước đo chuẩn chỉ cho sự phát triển thể thao của một quốc gia – nơi người Thái từng thống trị các đường chạy, các hố nhảy trong quá khứ, Việt Nam đang tiến những bước dài ở vị thế dẫn đầu. Bơi lội, nơi Singapore, Malaysia là “ông kẹ”, các kình ngư của Việt Nam cũng đang dần vươn lên. Bóng đá, nội dung hấp dẫn nhất các kỳ ASIAD, Olympic thì các đội bóng Việt Nam vừa bảo vệ thành công tấm huy chương vàng cho cả nam và nữ. Điền kinh, bóng đá, bơi lội đều là những nội dung quan trọng của Olympic; và Việt Nam đang tiến những bước không nhỏ ở những nội dung này.
So với Olympic – nơi các vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; so với ASIAD – quy tụ tài năng của hơn 40 quốc gia, thì SEA Games với 11 nước đúng là có quy mô nhỏ.
Nhưng không có SEA Games, các nước thành viên ASEAN sẽ phải tốn hàng núi tiền đưa vận động viên tham dự các giải đấu quốc tế khác để tìm kiếm cơ hội dự ASIAD hay Olympic, mà có những giải đấu không đơn giản có tiền là tham gia được. SEA Games là cuộc tổng dượt lớn nhất khu vực cho những đấu trường lớn hơn. Từ đây, ASEAN đã có những Joseph Schooling, Sukanya Srisurat, Hoàng Xuân Vinh… rạng danh ở vũ đài Olympic.
ASIAD hay Olympic sẽ không còn là những câu chuyện phiếm cho vui, nếu thể thao Việt Nam tiếp tục phát triển như cái cách chúng ta vươn lên ở SEA Games hiện tại. Đặc biệt là trong bối cảnh, với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam đã tiên phong, đặt những bước chân đầu tiên lên lộ trình xóa bỏ lệ “ao làng”.
Theo VnExpress