Góc khuất trên sân khấu ballet Mỹ

Jeffrey Epstein tiếp cận những cô gái có ngoại hình đẹp nhưng gia cảnh khó khăn, giúp đỡ tài chính các em, sau đó buộc nạn nhân tiến vào con đường mại dâm.

Mỹ đã và đang là điểm đến thu hút những vũ công tài năng nhất thế giới. Múa không chỉ là môn nghệ thuật tại Mỹ, nó còn là cả một ngành công nghiệp với mạng lưới những cơ sở đào tạo, công ty quản lý, hội nghệ sĩ, v.v… trị giá hàng tỷ USD.

Các vũ công Mỹ đang là người định hình những xu hướng tương lai cho cả ngành múa thế giới. Tuy vậy, đằng sau ánh hào quang sân khấu là những câu chuyện đáng ghê sợ. Cuộc đời và sự nghiệp của không biết bao nhiêu người trẻ đang bị phá hỏng bởi chính những cá nhân đáng lẽ ra phải dìu dắt họ.

Những cơn ác mộng

Alexandra Waterbury làm quen với vũ công tài ba David Finlay tại một đêm gala do đoàn ballet New York tổ chức. Cô kể lại: “Tôi xem Finlay biểu diễn từ năm 11 tuổi. Tôi coi anh ta như thần tượng.” Khi đó Alexandra mới chỉ là một sinh viên 18 tuổi tại trường dạy ballet. Cô gái bị cuốn vào vòng tay Finlay và trở thành người yêu của ngôi sao đoàn ballet New York.

Một ngày nọ, Alexandra tò mò mở điện thoại của bạn trai. Cô phát hiện ra hàng loạt những bức ảnh “nóng” của các nam, nữ đồng nghiệp. Finlay cùng một số nam vũ công khác thường xuyên trao đổi ảnh nude của người yêu với nhau. Thế nhưng khi Alexandra đem mọi chuyện báo cáo với ban giám đốc đoàn ballet New York, cô chỉ nhận lại được sự im lặng.

Alexandra nhận xét: “Đoàn ballet New York và những tổ chức khác hiện che chở cho Finlay, họ không hề quan tâm đến việc phụ nữ trong ngành bị đối xử ra sao. Họ chỉ quan tâm đến tiền, và họ sẵn sàng làm mọi chuyện để bảo vệ những ngôi sao của họ”. Cô và một nhóm các nữ vũ công khác có liên quan đến sự việc đã đệ đơn kiện đoàn ballet New York.goc khuat san khau ballet anh 1

Nữ vũ công Bridget Scanlon kể cho phóng viên báo The Guardian: “Trong làng múa Mỹ có không ít người kỳ dị. Balanchine (“cha đỡ đầu” của kỹ thuật ballet Mỹ, nhà sáng lập đoàn ballet New York) thường hay ngửi cơ thể từng học sinh của ông. Ai mà không dùng đúng loại nước hoa theo ý ông thì bị mắng. Hay là Jerome Robbins (vũ công, biên đạo múa, đạo diễn nổi tiếng) từng ném ghế hay dùng dây lưng đánh học sinh nào không làm tròn vai… Những câu chuyện này người trong ngành giữ kín để bảo vệ danh tiếng của nhau”.

Sau đam mê, danh tiếng là tất cả với các nghệ sĩ múa. Mất đi danh tiếng cũng đồng nghĩa với mất đi cái “cần câu cơm”. Bản thân các đoàn nghệ thuật cũng có động lực tài chính để che giấu tội lỗi của những vũ công ngôi sao. Đấy là lý do vì sao các vụ bê bối tình dục trong ngành múa lại diễn ra lâu như thế mà không bị đưa ra ánh sáng. Chẳng ai muốn hủy hoại sự nghiệp của mình để đứng lên nói ra sự thật.

Những người chịu thiệt thòi nhiều nhất là các bạn trẻ. Một cuộc điều tra mới đây của hãng tin AP và báo Toronto Stars đã tìm ra không biết bao nhiêu tội ác xảy ra tại trường dạy múa Break the Floor (New York, Mỹ). Break The Floor được thành lập năm 2000 bởi vũ công nổi tiếng Gil Stroming. Mỗi năm Break The Floor đón khoảng 300.000 học viên từ khắp nước Mỹ và Canada. Trường còn tổ chức một chương trình thi nhảy trên truyền hình để tìm kiếm tài năng.

Break The Floor nhiều lần bị cáo buộc che giấu tội phạm tình dục. Một cô bé 14 tuổi từ Toronto cho biết cô suýt bị giám khảo cuộc thi múa hãm hiếp. Năm trường hợp khác cùng bị một giảng viên sờ soạng trong thời gian theo học tại Break The Floor. Ngay cả Giám đốc học viện Gil Stroming cũng từng bị kiện vì quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên.

Một nữ học viên giấu tên kể lại: “Gil hứa hẹn sẽ giúp tôi tham gia những giải thi đấu danh giá nhất, nhưng sau khi chúng tôi quan hệ với nhau, anh ta đuổi tôi ra khỏi nhà mình. Trước đó anh ta còn ném cho tôi 40 USD để đi taxi về nhà”. Cô gái cho biết sau đó đã phải đi điều trị chấn thương tâm lý.

goc khuat san khau ballet anh 2

Sau Break The Floor, Gil Storming còn thành lập nhiều học viện, chương trình, giải thi múa khác như RADIX, JUMP, NUVO, DancerPalooza, v.v… Jeremy Hudson giành giải quán quân cuộc thi nhảy JUMP 2004 khi vừa tròn 16 tuổi. Một năm sau đó, anh bị hãm hiếp bởi chính thầy dạy là vũ công, biên đạo múa Mark Meismer. Ông ta nổi tiếng nhờ từng làm việc với những ca sỹ lừng danh như Britney Spears, Madonna hay Paula Abdul. Anh Jeremy thuật lại nỗi khổ của mình: “Tôi bị Meismer hãm hiếp nhiều lần tại những nơi công cộng. Có một lần tôi bị ông ta sờ soạng khi ngồi trên máy bay. Sau đó Meismer ép tôi đi vào buồng vệ sinh để hãm hiếp”.

Jeremy Hudson vẫn còn may mắn vì đã vượt qua chấn thương tâm lý để tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. Trong số những trường hợp kém may mắn hơn phải kể đến Gary Schaufeld. Cậu bé Gary trở thành học trò của vũ công tapdance Danny Wallace năm 7 tuổi. Trong một buổi lưu diễn, Wallace xông vào phòng của Gary để hãm hiếp cậu bé. Sau đó hắn còn đe dọa đến gia đình Gary nếu cậu nói ra sự thật.

Mẹ của Gary tức tưởi trong buổi phỏng vấn: “Danny Wallace đã phá hỏng cuộc đời con trai tôi. Thằng bé trở thành con người khác hẳn. Nó không chịu tự ăn uống hay tắm rửa. Cứ vài ngày Gary lại bị động kinh vì sợ. Nghe thấy cả tiếng hét to nó cũng sợ đến mức động kinh”. Phải đến 14 năm sau khi vụ việc xảy ra, anh Wallace mới lấy đủ dũng khí để kể hết mọi chuyện cho cha mẹ.

goc khuat san khau ballet anh 3

Tiền và tội

Cũng giống như nhiều đại học ở Mỹ, các học viện múa tồn tại một phần nhờ nguồn tài trợ từ những nhà hảo tâm. Theo giáo sư Marci A. Halmilton tại đại học Pennsylvania, nhà sáng lập ra chương trình bảo vệ trẻ em CHILD USA, thì: “Mối quan hệ giữa những học viện và nhà tài trợ của họ được giữ bí mật cẩn thận. Chính vì không sợ bị pháp luật “sờ gáy” mà mối quan hệ này đã biến tướng và khiến trường tiếp tay cho chính những kẻ muốn làm hại học sinh của họ”.

Gần ba năm kể từ khi Jeffrey Epstein chết trong tù, tên lừa đảo và ma cô này vẫn còn phủ bóng đen lên nước Mỹ. Càng ngày có nhiều nạn nhân trẻ đứng lên nói ra sự thật về việc họ bị Jeffrey Epstein hãm hiếp hay bị buộc làm nghề mại dâm. Một số nhân vật có tiếng tăm trong chính trường và giới doanh nhân Mỹ vẫn đang chịu điều tra, trong đó mới nhất là Ghislaine Maxwell, cánh tay phải của Epstein. Bà này vừa mới bị đưa ra tòa án Mỹ xét xử vào đầu năm nay.

Thời còn sống, Epstein đã tài trợ nhiều triệu USD vào các cơ sở giáo dục, trong đó có một số học viện âm nhạc và múa. Hắn ta còn có cả một học bổng nghệ thuật đặt theo tên mình. Hằng năm một số học viên dành học bổng sẽ dành mùa hè tại trại nghệ thuật Interlochen ở ngoại ô thành phố Traverse, bang Michigan.

Một nhân chứng giấu tên trong vụ xử Ghislaine Maxwell khai trước tòa: “Epstein và tôi gặp nhau lần đầu năm tôi 14 tuổi. Ông ấy hỗ trợ tài chính cho tôi theo đuổi theo niềm đam mê ballet. Vào mùa hè năm 1994, tôi ở lại căn nhà gỗ được dành riêng cho Epstein trong trại Interlochen. Tôi ở cùng người đàn bà tên “Jane” tự xưng là bạn của Epstein. Jane buộc tôi phải phục vụ những người đàn ông lớn tuổi. Sau đó bà trở thành người dẫn khách cho tôi. Bà ta dọa rằng sẽ cắt hết học bổng của tôi và hai em trai nếu như tôi không chịu làm theo lời bà ta”.

goc khuat san khau ballet anh 4

Nhân chứng nói trên chỉ là một hàng trăm nạn nhân của Epstein. Hắn tiếp cận những cô gái có ngoại hình đẹp nhưng gia cảnh khó khăn, giúp đỡ tài chính các em, sau đó buộc nạn nhân tiến vào con đường mại dâm. “Khách hàng” của Epstein là những nhân vật đầy quyền lực ở hai bên bờ Đại Tây Dương nên hắn cần giữ bí mật tuyệt đối. Một mặt Epstein vừa đe dọa, vừa ve vãn các nạn nhân; mặt khác hắn dùng tiền để mua sự im lặng từ các học viện.

Cô Maria Farmer và em gái là hai trong số các nạn nhân của Epstein. Vào năm 1995, Epstein và Maxwell tiếp cận Maria, sau đó chúng hãm hiếp cô cùng em gái. Khi đó em của Maria mới chỉ 16 tuổi. Maria khi đó đang theo học hội họa tại Học viện Nghệ thuật New York, còn em cô đi theo ngành múa. Maria đem mọi chuyện trình báo lên ban giám hiệu nhưng sau đó lại bị chính các thầy cô đe dọa bịt miệng. Epstein không những từng đóng góp tiền cho học viện mà còn là bạn thân với nhà sáng lập trường, triệu phú Stuart Pivar. Ông Pivar được biết đến về bộ sưu tầm đồ tạo tác thời cổ đại nổi tiếng của mình.

Phóng viên Vicky Ward của tạp chí Vanity Fair là người được Maria Farmer tìm đến sau đó. Nữ phóng viên kể lại: “Những người có “máu mặt” trong làng nghệ thuật New York đều biết đến hành vi bỉ ổi của Epstein. Hầu hết trong số đó chọn cách quay mặt bỏ đi. Lo sợ cho sự nghiệp của mình là một, nhưng họ còn sợ những nhân vật đứng trên Epstein nữa”.

Những cá nhân kể trên – David Finlay, Gil Storming, Mark Meismer, Jeffrey Epstein và Ghislaine Maxwell – đều đang ít nhiều chịu hậu quả từ tội ác do họ gây ra. Họ mất việc, tài sản bị phong tỏa, chịu sự lên án của xã hội, và thậm chí là bị đưa ra toà nữa. Vậy nhưng điều này là chưa đủ.

Giáo sư Marci Hamilton viết: “Các học viện, đoàn múa luôn tạo ra một môi trường khép kín đối với những người tham gia. Những kẻ bất lương chắn chắn sẽ lợi dụng điều này để quấy rối tình dục các em. Đã đến lúc phá với “luật im lặng” trong ngành múa và đưa những bê bối liên quan tới bộ môn này ra trước ánh sáng công luận!”.

Theo Công An Nhân Dân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *