Nợ nần vì nghe lời khuyên mua sắm trên mạng

Nhiều người trẻ sẵn sàng vay tiền mua quần áo, chạy theo trào lưu trên mạng xã hội, bất chấp rủi ro gánh nợ.

Dạo một vòng trên TikTok, người xem dễ thấy hàng loạt video của KOL, influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) chia sẻ việc chi hàng nghìn USD cho quần áo, phụ kiện theo xu hướng mới.

Nhưng đa phần các món đồ trưng diện được nhãn hàng tài trợ, sao mạng không mất tiền mua. Còn với người xem, họ buộc phải mua. Đánh trúng tâm lý không dư dả tiền bạc nhưng muốn có đồ đẹp, nhiều KOL khuyên người xem tìm đến dịch vụ mua trả góp.

Mua trả góp là hình thức thanh toán cho phép người dùng mua hàng và trả tiền thành nhiều đợt. Dịch vụ cho vay sẵn sàng cung cấp gói ưu đãi không tính lãi suất, nhưng vẫn tính phụ phí nếu quá hạn. Đặc biệt phí trả chậm rất cao. Nhưng chính cách thức này đẩy nhiều người trẻ ở Mỹ rơi vào cảnh nợ nần.

Nhiều khách hàng Gen Z dễ bắt gặp những cái tên như Klarna, Sezzle, Zip, Afterpay hay Affirm khi mua sắm trực tuyến. Đây đều là các ứng dụng kêu gọi mua trước, trả sau, thanh toán chỉ bằng cú nhấp chuột và không phức tạp như khi thanh toán qua thẻ tín dụng.

Đáng chú ý, các dịch vụ này được nhiều người có ảnh hưởng trên TikTok, Instagram giới thiệu. Họ nói rằng có thể mua được những món đồ giá rẻ, chất lượng từ những thương hiệu thời trang uy tín khi sử dụng các khoản vay này.

mmm

Nhiều người trẻ không có tiền vẫn dựa vào các khoản vay để thỏa đam mê mua sắm. Ảnh: Andy Andersen/Special to SFGATE

Briana Fountain, nhà thiết kế 27 tuổi và là blogger chăm sóc sức khỏe tại Atlanta, Mỹ, nhận thấy việc vay nợ để mua sắm, thu hút sự quan tâm của nhiều cô gái trẻ. Báo cáo của Afterpay chỉ ra, 73% chi tiêu của Gen Z đều dành cho thời trang, gồm đồ cao cấp và bình dân.

Trên TikTok, các xu hướng thời trang cập nhật mỗi ngày. Đòi hỏi người dùng mua mới ngày càng nhiều. “Với thẻ tín dụng, bạn phải nộp đơn đăng ký và chờ đợi. Còn các nền tảng cho vay trực tuyến, bạn chỉ cần tải xuống và phê duyệt trên cơ sở từng lần mua. Mọi thứ giản tiện hơn nhiều”, Fountain nói và dịch vụ này giúp bình thường hóa mong muốn mua hàng, của những người không đủ điều kiện.

Tháng 9/2021, TikToker tên Lillian Bradford đăng tải video mặc chiếc áo khoác lông, đeo khuyên tai vàng kèm lời chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi biết chỉ nợ 300 USD trên Afterpay”. Sau đó, cô nàng chia sẻ ảnh chụp màn hình với số dư hơn 2.000 USD.

Loại dịch vụ mới này tự nhận mình giúp khách hàng chi tiêu có trách nhiệm hơn so với thẻ tín dụng. Một giám đốc điều hành của Afterpay còn gợi ý các khoản vay là cách để quản lý ngân sách tốt hơn.

Năm 2021, người Mỹ đã chi hơn 20 tỷ USD tiền tiêu dùng cho hình thức mua trước, trả sau. Riêng tại California, 91% tổng số khoản vay tiêu dùng được phát hành vào năm 2020, được xác định là các khoản vay cho “mục đích cá nhân, hộ gia đình” như mua ô tô, tiện ích hoặc y tế. Đặc biệt, Gen Z thích các khoản vay ngắn hạn, họ chi tiêu thông qua các dịch vụ điểm bán nhiều hơn 925% so với hồi tháng 1/2020.

Thúc đẩy thị trường tiêu dùng, nhưng các chuyên gia lo ngại các khoản vay tức thời, cộng với truyền thông xã hội lệch lạc, có thể gây nguy hiểm cho tương lai tài chính của người trẻ.

Đa phần các dịch vụ mua trước thanh toán sau hiện nay hoạt động theo hình thức kết hợp giữa thẻ tín dụng truyền thống và đặt cọc. Việc thanh toán được chia làm 4 phần. Phần đầu là thời điểm mua hàng. Số còn lại trả dần hàng tháng hoặc hai tuần một lần.

“Cách thức này âm thầm khuyến khích người trẻ chi tiêu vượt qua khả năng trả, bằng suy nghĩ chỉ mất số tiền nhỏ trong vài tháng”, Celesta, ngôi sang hạng A vùng Bay Area trên TikTok nói.

nnn

Celesta (trái) và nhà thiết kế kiêm blogger chăm sóc sức khỏe người Atlanta Briana Fountain (phải) lên tiếng phản đối các dịch vụ “mua ngay, trả sau”. Ảnh chụp màn hình

“Họ tiếp thị rất nhiều cho đối tượng trẻ. Người không có nhiều kinh nghiệm về sử dụng thẻ tín dụng. Hoặc không lường được hiểm họa khi thực hiện nhiều khoản vay cùng lúc”, Marisabel Torres, giám đốc trung tâm chính sách cho vay có trách nhiệm ở bang California, nói.

Tình trạng nợ chồng nợ dễ xảy ra khi một người sử dụng nhiều dịch vụ. Đặc biệt mỗi dịch vụ có cách thức trả nợ khác nhau và không có bên hỗ trợ thống kê số nợ hiện có.

43% người dùng cho biết bỏ lỡ ít nhất một lần thanh toán, theo cuộc khảo sát của website thăm dò ý kiến Piplsay. Và 30% người trẻ từng bỏ lỡ ít nhất hai lần thanh toán, theo một cuộc khảo sát của Credit Karma.

Bất chấp các điều khoản được cho là có lợi, khi quá kỳ hạn thanh toán, khách hàng gặp nhiều rắc rối hơn. Một số tính thêm phí trả chậm, trong khi những bên khác tính thêm lãi suất. Nhưng các công ty vẫn xây dựng được lòng tin đáng kể với Gen Z. Họ quy kết các ý kiến chống đối là do thiếu hiểu biết.

Chính các công ty cho vay cũng nhận thức được các dịch vụ của họ khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn. Nhiều đơn vị tiếp thị nó như một lợi ích cho các cửa hàng muốn hợp tác. “Chúng tôi thấy số hàng hóa tăng lên. Lượng mua hàng gia tăng so với thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng”, Libor Michalek, giám đốc công nghệ tại Affirm, nói.

Todd Phillips, giám đốc quản lý tài chính tại Trung tâm tiến bộ Mỹ nhận định, các dịch vụ cho vay là những kẻ lừa đảo. Trong năm qua, Afterpay phải đối mặt với nhiều vụ kiện tập thể cấp liên bang ở California và Maine, cáo buộc công ty không trình bày đủ các chi phí ẩn sau dịch vụ. Nhiều bang khác tại Mỹ đã phạt các dịch vụ mua trước trả sau hàng triệu USD do hoạt động không có giấy phép cho vay.

“Chúng là các khoản cho vay và nên được quản lý bởi những người có thẩm quyền với nhiều biện pháp bảo vệ hơn cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật”, Adam Wright, thuộc Sở Đổi mới và Bảo vệ Tài chính California, nói.

 

Theo VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *