Nga đình chỉ cung cấp điện cho Phần Lan sau khi công ty RAO Nordic thông báo nguồn cung sẽ bị cắt do nợ thanh toán.
“Nguồn cung đang ở mức 0, điện từ Nga bị cắt từ nửa đêm theo kế hoạch,”, Timo Kaukonen, giám đốc phụ trách kế hoạch của hãng vận hành mạng lưới truyền tải điện Phần Lan Fingrid, ngày 14/5 thông báo.
RAO Nordic, công ty con của tập đoàn năng lượng Nga Inter RAO, hôm qua thông báo buộc phải dừng nhập khẩu điện từ Nga do chưa nhận được khoản thanh toán từ ngày 6/5.
RAO Nordic cho biết đây là tình huống đặc biệt lần đầu tiên xảy ra trong 20 năm lịch sử hoạt động của công ty, song chưa xác nhận điều này liên quan đến lệnh cấm vận của châu Âu nhằm vào Nga hay không.
Phần Lan nhập khẩu điện từ Nga trong 20 năm qua, nguồn cung này chiếm khoảng 10% lượng điện của quốc gia Bắc Âu. Lãnh đạo Fingrid cho biết hãng sẽ bù đắp lượng điện thiếu hụt sau khi Nga dừng cung cấp bằng cách nhập khẩu nhiều hơn từ Thụy Điển.
Tuy nhiên, Phần Lan quyết định giảm dần lượng điện nhập khẩu từ Nga sau khi nước láng giềng phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Fingrid hồi tháng 4 quy định lượng điện tối đa nhập từ Nga là 900 MW, thay vì mức 1,3 GW như trước đây.
Phần Lan hồi đầu tháng 5 đình chỉ dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hanhikivi-1 với tập đoàn Rosatom của Nga. Phía Phần Lan cho rằng dự án ngày càng chậm tiến độ và các sự kiện tại Ukraine làm trầm trọng thêm rủi ro.
Tờ Iltalehti của Phần Lan hôm 12/5 dẫn nguồn giấu tên cho biết các chính trị gia chủ chốt của nước này được cảnh báo Nga có thể cắt khí đốt một ngày sau đó.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Gasgrid Phần Lan, tập đoàn vận hành hệ thống cung cấp khí đốt của quốc gia Bắc Âu, ngày 13/5 khẳng định chưa thấy dấu hiệu của bất cứ sự gián đoạn nào đối với dòng khí đốt từ Nga.
Căng thẳng giữa Nga và Phần Lan gần đây leo thang sau khi quốc gia Bắc Âu bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO. Lãnh đạo Phần Lan ngày 12/5 tuyên bố nước này “phải nộp đơn gia nhập NATO ngay lập tức”. Nga cảnh báo sẽ coi Phần Lan cùng nước láng giềng Thụy Điển là “mục tiêu tấn công” nếu họ gia nhập NATO.
Theo AFP