Người biểu tình Sri Lanka đốt nhà 38 chính trị gia, đột kích dinh thủ tướng

Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã biến thành bạo loạn tồi tệ, khi hàng loạt nhà cửa của chính trị gia bị thiêu rụi và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã phải từ chức.

Những người biểu tình ở Sri Lanka đã đốt phá nhà cửa của 38 chính trị gia, trong bối cảnh nước này đang chìm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Cảnh sát hôm 10/5 cho biết, ngoài những ngôi nhà bị phá hủy, 75 công trình đã bị hư hại, trong khi những người biểu tình giận dữ tiếp tục phản kháng lệnh giới nghiêm toàn quốc để phản đối chính phủ vì cáo buộc “đã xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ năm 1948”.

Bộ Quốc phòng Sri Lanka hôm qua đã ra lệnh cho quân đội bắn bất cứ ai bị phát hiện làm hư hại tài sản nhà nước hoặc hành hung các quan chức, sau khi bạo lực khiến ít nhất 8 người thiệt mạng kể từ hôm 9/5. Hơn 200 người đã bị thương trong vụ bạo động.

Người biểu tình Sri Lanka đốt nhà 38 chính trị gia, đột kích dinh thủ tướng - 2

Các cuộc đụng độ giữa người ủng hộ và phản đối chính phủ tại Sri Lanka đã diễn ra dữ dội những ngày qua – Ảnh: Reuters

Quốc gia 22 triệu dân này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, khi giá cả hàng hóa hàng ngày tăng vọt và tình trạng thiếu điện trên diện rộng trong nhiều tuần. Kể từ tháng 3, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã xuống đường, yêu cầu chính phủ từ chức.

Quân đội đã phải giải cứu Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mahinda Rajapaksa vào rạng sáng hôm 10/5, vài giờ sau khi ông từ chức sau các cuộc đụng độ dữ dội giữa những người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ. Một nguồn tin an ninh cấp cao cho biết, quân đội đã được triệu tập sau khi người biểu tình 2 lần cố gắng đột kích khu tư dinh Temple Trees của thủ tướng trong đêm.

Người biểu tình Sri Lanka đốt nhà 38 chính trị gia, đột kích dinh thủ tướng - 3

Quân đội xuất hiện trên đường phố thủ đô Colombo sau khi lệnh giới nghiêm được ban hành – Ảnh: Reuters

Với tình trạng bạo loạn tồi tệ như hiện tại, hiện chưa rõ liệu việc ông Rajapaksa từ chức và lệnh giới nghiêm toàn quốc có đủ để xoa dịu nhóm người biểu tình đang giận dữ hay không.

Nhiều người biểu tình nói rằng mục đích cuối cùng của họ là gây áp lực buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa – em trai của Thủ tướng Rajapaksa – từ chức.

Tổng thống hôm qua đã kêu gọi người dân “bình tĩnh và ngừng bạo lực và các hành động trả thù, bất kể đảng phái chính trị”.

“Tất cả các nỗ lực sẽ được thực hiện để khôi phục sự ổn định chính trị thông qua sự đồng thuận, trong phạm vi hiến pháp và giải quyết khủng hoảng kinh tế”, Tổng thống Rajapaksa cho biết.

Nguồn: Tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *