Zhang Feng, ở Hàng Châu chưa bao giờ nghĩ con mình sẽ dậy thì sớm cho đến năm 2020, Niuniu tròn 7 tuổi, người mẹ nhận ra con đã phát triển ngực.
Đưa con đi khám, bác sĩ xác định tuổi xương của Niuniu tương đương 9,5 đến 10. Trên lý thuyết, có sự tương quan giữa tuổi xương với tuổi sinh học trong giai đoạn từ sơ sinh cho đến thiếu niên, thường là không quá 10%. Cùng với kiểm tra buồng trứng và tuyến vú, bác sĩ kết luận cô bé bị “dậy thì sớm trung tâm”. Điều này đồng nghĩa Niuniu không còn nhiều thời gian để phát triển chiều cao nữa.
Hai phương án đưa ra là để tự nhiên hoặc tiêm thuốc ức chế dậy thì. Nếu để tự nhiên, kết hợp tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống và đi ngủ sớm, cô bé có thể đạt chiều cao tối thiểu 1,55 mét và tối đa 1,6 mét. Còn tiêm thuốc ức chế dậy thì là kìm hãm sự trưởng thành của tuổi xương, để trẻ có thời gian phát triển cơ thể lâu hơn, chiều cao sẽ cải thiện hơn. “Sẽ tốn khoảng 200.000 tệ (700 triệu đồng) trong hai năm”, bác sĩ nói.
Trở về nhà, cô tổ chức hai buổi họp mặt gia đình với chồng và con gái. Chồng cô rất rõ ràng rằng “tiêm thuốc chắc chắn có tác dụng phụ, tốt nhất cứ để con tự nhiên”.
Zhang lưỡng lự bởi chi phí không phải nhỏ. Hơn nữa câu nói “tác dụng phụ không rõ ràng” của bác sĩ cũng khiến cô lo lắng. Ba tháng sau đó, khi đứng bên ngoài phòng múa ba lê, nhìn con khiêu vũ trong tư thế ngẩng cao đầu, người mẹ hạ quyết tâm “không thể để sự tự tin của con gái biến mất”.
Niuniu được áp dụng đồng thời hai liệu pháp là thuốc tiêm ức chế dậy thì và hormone tăng trưởng tốn hơn 10.000 tệ một tháng. Sau hơn nửa năm, gia đình tiêu hết gần 100.000 tệ.
Trung Quốc là quốc gia có mức tăng chiều cao hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa: Sina
Theo số liệu thống kê ở Trung Quốc, gần 4% trẻ em gái bắt đầu phát triển ngực ở 7 tuổi. Khi con gặp vấn đề dậy thì sớm, nhiều bậc cha mẹ lo lắng nên đã dùng tới các loại thuốc tiêm ức chế và hormone tăng trưởng GnRH. Trào lưu này phản ánh trực tiếp tâm lý lo lắng về chiều cao của con em mình.
Cuộc khảo sát “Bạn có lo lắng về chiều cao của con không”, do tờ Qianjiang Evening News thực hiện tháng 3/2021 cho thấy 30% cha mẹ trẻ trai mong muốn con cao từ 175 cm đến 180 cm, 60% cha mẹ trẻ gái mong muốn con cao từ 160 cm đến 165 cm. Theo quan điểm của họ, chiều cao sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con, 63% tin sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp, 56% tin sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn bạn đời, 43% cảm thấy sẽ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và 83% cảm thấy con sẽ mất đi rất nhiều cơ hội.
Khảo sát của tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, trong 35 năm qua, chiều cao trung bình của nam giới Trung Quốc tăng gần 9 cm – mức tăng nhiều nhất trong 200 quốc gia, còn chiều cao trung bình của phụ nữ Trung Quốc xếp thứ ba. Cũng theo một báo cáo về dinh dưỡng và các bệnh mãn tính do Ủy ban Y tế quốc gia nước này công bố năm ngoái, chiều cao trung bình của nam và nữ ở độ tuổi từ 18 đến 44 tăng lần lượt 1,2 cm và 0,8 cm so với số liệu của 5 năm trước, trong khi trẻ em trai và trẻ em gái từ 6 đến 17 tuổi tăng lần lượt 1,6 cm và 1 cm.
Để con mình cao lớn, các bậc cha mẹ thường sẵn sàng thử nhiều phương pháp khác nhau. Tờ Sina đưa tin, một phụ huynh đã cho con 15 tuổi uống hormone tăng trưởng trong 2,5 năm, tốn 600.000 tệ (2 tỷ đồng). Đối với phụ huynh khá giả, việc bỏ ra ngần ấy tiền là đáng giá bởi nếu để lỡ mất thời điểm vàng, có tiền cũng không làm được gì. Đáng ngạc nhiên, có trẻ 13 tuổi cao 1,72 mét vẫn được bố mẹ đưa đến viện tư vấn và muốn tiêm hormone tăng trưởng.
Nỗi lo về chiều cao của trẻ cũng khiến khoa nhi của các bệnh viện hay phòng khám bận rộn. Bác sĩ nội tiết nhi Lin Ming, Bệnh viện Đại học Y Vũ Hán, thường tiếp nhận từ 50 đến 80 bệnh nhân vào các ngày trong tuần. Nhiều người trong số này sử dụng thuốc tiêm hormone tăng trưởng.
Huang Ke, phó trưởng Khoa Nội tiết của Bệnh viện Nhi đồng, trực thuộc Trường Đại học Y khoa Chiết Giang, từng tiếp một người mẹ vì lo con bị thấp nên đã đi khám ở nhiều nơi. Sau khi tiêu hết 480.000 nhân dân tệ một năm, con cô chỉ cao thêm được một cm.
Có thể thấy, việc lạm dụng thuốc ức chế dậy thì và hormone tăng trưởng đang xảy ra. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tâm lý này trước tiên là do sự tiếp thị, quảng cáo của các tổ chức y tế tư nhân, cho đến các công ty dược phẩm lớn. Tại Trung Quốc, ngày 18/8 hàng năm được đặt là Ngày sức khỏe tăng trưởng và phát triển của trẻ em, các hoạt động sẽ rầm rộ suốt cả tháng. Thậm chí, một số công ty dược phẩm về hormone tăng trưởng còn mời bác sĩ tham gia tập huấn, để bác sĩ kê thêm hormone tăng trưởng cho trẻ em và ăn chia hoa hồng.
Liều tiêm ức chế dậy thì và hormore tăng trưởng đã trở thành “cỗ máy in tiền” của các công ty dược phẩm. Đơn cử, báo cáo tài chính thường niên năm 2021 của công ty dược phẩm Changchun High-tech, cho thấy họ đạt 10.747 tỷ nhân dân tệ, tăng hơn 25 % so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận ròng tăng hơn 23%. Trong số đó, các sản phẩm hormone tăng trưởng đóng góp tới 98%. Mặc dù việc kinh doanh vaccine của hãng này thất bại, mức tăng từ các sản phẩm hormone là đáng kinh ngạc.
Chuyên gia về tăng trưởng và phát triển trẻ em, Wang Chunlin, Trưởng Khoa Nhi, tại Bệnh viện Đại học Chiết Giang, khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc tiêm ức chế dậy thì và hormone tăng trưởng. “Trẻ dậy thì sớm có thể cần phải được tiêm thuốc ức chế, song phải dựa vào tình hình và mức độ điều trị. Không phải tất cả trẻ dậy thì sớm đều cần tiêm”, ông nói
Bé Niuniu đã được tiêm thuốc nửa năm. Từ đó tới nay, trung bình mỗi tháng em tăng lên một chút. Bố bé thấy con có thay đổi, sinh hoạt điều độ hơn, giờ đây cũng ủng hộ.
Kể từ khi tiêm cho con, Zhang Feng đã tham gia vào một nhóm các bậc cha mẹ dùng liệu pháp này. Cô nhận thấy có rất nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn nhân dân tệ để cho con chiều cao, dù rằng không hề được bác sĩ chỉ định như con gái cô. Nhiều người điên cuồng tìm nhiều loại thuốc tăng chiều cao, kể cả đông y, ép con uống sữa.
“Còn có cả những bố mẹ sử dụng các cách kỳ lạ, ngày nào cũng đo chiều cao con, có người nhất quyết kéo chân con 300 cái mỗi ngày”, Zhang kể.
Theo VnExpress