Vì sao mạng xã hội Trung Quốc công khai vị trí người dùng?

Các mạng xã hội Trung Quốc hiển thị địa điểm của người đăng bài với mục đích ngăn tin giả, bất chấp việc có thể lộ thông tin cá nhân.

Nền tảng đầu tiên thử nghiệm là Weibo từ giữa tháng 3, trước khi áp dụng chính thức vào ngày 28/4. Sau Weibo, hàng loạt nền tảng khác như Douyin, Toutiao, Xiaohongshu, Zhihu, WeChat cũng bắt đầu triển khai. Quy định mới được cho là đã bao phủ tới hơn một tỷ người dùng Internet.

Khi chia sẻ nội dung lên mạng xã hội, như bài đăng hoặc bình luận, địa điểm của người dùng sẽ xuất hiện ngay bên dưới. Thông tin này cũng có thể được tìm thấy khi bấm vào hồ sơ của tài khoản. Dữ liệu được hiển thị bao gồm thành phố với người dùng tại Trung Quốc và quốc gia với người dùng nước ngoài.

Các bình luận của người dùng trên Weibo đều có địa điểm đi kèm.

Một bài viết của người dùng Weibo với các bình luận đều có địa điểm đi kèm.

Việc các mạng xã hội đồng loạt áp dụng một quy định nào đó thường là do có sự tác động từ cơ quan quản lý. Reuters đặt nghi vấn “không rõ điều gì đã kích hoạt động thái trên của các công ty?”.

Theo SCMP, Trung Quốc chưa yêu cầu mạng xã hội hiển thị vị trí người dùng. Tuy nhiên, các dịch vụ đã được đề nghị tăng cường kiểm soát nội dung trên nền tảng của họ. Mới nhất là vào tháng 3, Cơ quan quản lý không gian mạng CAC Trung Quốc phát động chiến dịch “dẹp loạn” nhắm tới nền tảng stream, video ngắn, trong đó nhắc đến mục tiêu dập tắt các tin đồn. Đây được cho là tác động chính dẫn đến việc các nền tảng áp dụng chính sách mới, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội trở thành nơi người dân trao đổi thông tin về chiến dịch quân sự Nga – Ukraine hồi tháng 3, hay tình hình Covid-19.

Giữa tháng 4, mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện hàng loạt bài đăng về điều kiện khắc nghiệt ở một số bệnh viện điều trị Covid, một số ca tử vong, hay tình trạng khan hiếm lương thực vì giãn cách xã hội. Các thông tin này lan truyền và gây ra những cuộc biểu tình trực tuyến trên quy mô lớn trước khi bị gỡ xuống.

Trong thông báo về việc áp dụng chính sách mới, Weibo cho biết có tình trạng cư dân mạng “giả danh là người dân địa phương và phát tán tin đồn”. Trong khi WeChat cũng xác nhận một số người dùng “giả vờ am hiểu vấn đề, bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch, gây ra những tác hại trên không gian Internet”.

Theo các nền tảng, việc hiển thị vị trí người dùng được cho là biện pháp giúp các cuộc thảo luận trực tuyến “xác thực và minh bạch, dẹp bỏ tin đồn và duy trì trật tự Internet”. Việc xác định vị trí diễn ra tự động, dựa trên địa chỉ IP của thiết bị. Người dùng cũng không có bất cứ lựa chọn nào để tắt việc hiển thị này, cho dù họ tắt định vị GPS.

Xáo trộn trên mạng xã hội

Chính sách mới của các nền tảng trở thành đề tài thu hút mối quan tâm lớn của cộng đồng mạng, bất chấp việc họ đã quen thuộc với việc kiểm duyệt khắt khe trước đây. Bài thông báo của Weibo đạt hơn 200 triệu lượt quan tâm, trong khi hashtag được dịch ra là “IP vị trí” cũng lọt top thịnh hành tại nước này.

Nhiều người dùng tại Trung Quốc ủng hộ cách xử lý trên. Trong khảo sát do Fengmian News thực hiện với 300.000 lượt tham gia, 56% ủng hộ tính năng mới, 21% chọn không thích, 17% không quan tâm và 6% cho biết họ tò mò về việc xác định vị trí qua IP có chính xác hay không.

Những người đồng tình cho rằng quy định mới giúp phân biệt được người dùng ở địa phương nào đó hay ở nước ngoài, từ đó có đánh giá chính xác hơn về các xu hướng ở xã hội thực tế, thay vì tin vào các thông tin tràn lan trên mạng như trước. “Tôi thấy động thái mới không chỉ để mọi người điều chỉnh cách nói văn minh hơn, mà còn ngăn chặn các thế lực bên ngoài kích động các cuộc đối đầu trên Internet. Gián điệp mạng rất khó đề phòng”, người dùng Ah Tong bình luận.

Việc hiển thị thông tin địa phương trong bài đăng cũng khiến nhiều người quyết định hạn chế hoặc tự xóa các bình luận cực đoan, bởi “không muốn mang tiếng xấu cho quê hương mình”.

Hu Xijin, cựu tổng biên tập của Global Times, cho rằng “quan điểm và giá trị của mọi người mới là thứ quan trọng, hơn việc họ đến từ đâu”. Tuy nhiên, việc công khai địa điểm sẽ giúp “vạch trần thế lực bên ngoài đang cố gắng phá vỡ sự gắn kết xã hội” tại nước này.

Dù vậy, tính năng mới cũng gây ra những lo ngại về thông tin riêng tư có thể bị rò rỉ, tạo ra sự phân cực trên môi trường mạng.

“Những công dân Trung Quốc đang học tập hoặc sinh sống ở nước ngoài sẽ phải hết sức cẩn trọng với những gì họ viết. Nếu không, họ sẽ bị gán mác ‘lực lượng nước ngoài'”, một tài khoản Weibo nhận định.

Trong khi đó, một số người lo ngại họ có thể bị phát hiện nếu nói dối về những nơi mình đến. “Tôi nói với mọi người là mình đang đi du học. Nhưng họ có thể phát hiện ra tôi thực ra đang ở ẩn trên núi”, một tài khoản viết.

Ít ngày sau khi các mạng xã hội áp dụng chính sách mới, nhiều người đứng đầu các Big Tech Trung Quốc như Jean Liu Qing, Chủ tịch Didi Chuxing, hay Liu Chuanzhi, người sáng lập Lenovo, được phát hiện đã ẩn bài đăng của họ trên Weibo. Nguyên nhân, theo SCMP, có thể không phải do các lo ngại về việc lộ vị trí, mà do sức ép từ các chính sách thắt chặt nội dung Internet của Trung Quốc.

Việc xác định địa điểm của người dùng thông qua IP cũng có thể bị sai sót, hay có thể bị qua mặt bởi các công cụ mạng riêng ảo VPN, dù dịch vụ này bị cấm tại Trung Quốc. Quản trị viên của Weibo xác nhận có tình trạng người dùng phàn nàn về việc định vị sai, nhưng công ty này cho rằng người dùng cần liên hệ với nhà mạng nếu có thắc mắc.

Bryan Tan, đại diện công ty luật Reed Smith chuyên về lĩnh vực công nghệ, cho rằng địa chỉ IP có thể tiết lộ vị trí chính xác, vì vậy có thể coi là dữ liệu cá nhân. “Theo quan điểm của một người bên ngoài Trung Quốc, cách làm này có thể khiến người ta phải nhíu mày”, ông Tan nói. Dù ủng hộ việc ngăn chặn tin giả, ông cho rằng chính sách công khai vị trí của người dùng sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả hành vi, lời nói của họ, chứ không chỉ riêng vấn đề thông tin sai lệch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *