Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ra điều kiện để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Bild hôm 1/5, Ngoại trưởng Đức Baerbock cho biết, các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây sẽ không được gỡ bỏ chừng nào Moscow rút quân khỏi nước láng giềng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nhấn mạnh, “một lệnh ngừng bắn sẽ chỉ là bước đi đầu tiên” để phương Tây có thể rút lại các biện pháp nhằm gây áp lực lên Nga trong hơn 2 tháng qua.
“Một điều rõ ràng là lệnh trừng phạt chỉ có thể được gỡ nếu Nga rút quân”, bà Baerbock nói, nhấn mạnh rằng “các điều khoản hòa bình do Nga yêu cầu” sẽ không thể mang lại an ninh cho Ukraine hay châu Âu. “Trong trường hợp tồi tệ nhất, nó có thể trở thành tiền đề cho một cuộc chiến kế tiếp, có thể tiến gần hơn tới biên giới của chúng ta”.
Bà Baerbock cho rằng, việc Nga mở chiến dịch quân sự đã “phá vỡ không thể hồi phục” hòa bình ở châu Âu và hiện sẽ không thể quay lại thời điểm trước ngày 24/2.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, liên minh châu Âu EU đã tung ra 5 gói trừng phạt chống lại Moscow và đang cân nhắc gói thứ 6. Các lệnh hạn chế này đã nhằm vào nhiều lĩnh vực của kinh tế Nga. Moscow nhiều lần thừa nhận các động thái này đã gây ra khó khăn với Nga.
Tuy nhiên, sau thời kỳ lao dốc nhanh chóng vì hàng loạt biện pháp cấm vận, đồng rúp của Nga đã ổn định trở lại và tỉ giá tăng mạnh so với EUR và USD. Theo các chuyên gia, diễn biến này xảy ra nhờ Nga thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng vốn nhằm đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngoài ra, vị thế của Nga trong ngành dầu khí và năng lượng đã khiến nước này tới nay vẫn chống chọi được trước áp lực của phương Tây. Do phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga nên đến nay, châu Âu vẫn chưa thể áp đặt một lệnh cấm vận với dầu mỏ và khí đốt của nước này. Thay vào đó, EU có kế hoạch giảm dần phụ thuộc.
Theo RT